Điều trị xẹp đốt sống: Giảm đau tức thì nhờ bơm xi măng sinh học

Lưu Hường
Chia sẻ
(VOV5) - Xẹp đốt sống là một biến chứng thường gặp của bệnh loãng xương, gây nên những cơn đau nhức dai dẳng, ảnh hưởng trầm trọng đến cột sống và khả năng vận động… Thế nhưng, nhờ phương pháp bơm xi măng sinh học, người bệnh được giảm đau nhanh chóng.
Điều trị xẹp đốt sống: Giảm đau tức thì nhờ bơm xi măng sinh học - ảnh 1Bơm xi măng sinh học cho bệnh nhân

Thủ thuật ít tai biến

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Thắng, Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp, Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội), xẹp đốt sống là một bệnh lý ngày càng phổ biến do nhiều nguyên nhân gây nên như: chấn thương cột sống, loãng xương, u thân đốt sống, đa u tủy xương... Trong đó loãng xương là nguyên nhân thường gặp nhất. Loãng xương là một bệnh lý của hệ thống xương làm giảm lượng protein và khoáng chất của bộ xương, hậu quả là khiến cho sức chống đỡ và chịu lực của xương giảm đi, xương sẽ trở nên mỏng mảnh, dễ gãy, dễ lún và dễ xẹp, đặc biệt là các vị trí chịu lực của cơ thể như: cột sống, cổ xương đùi, đầu dưới xương quay. “Khi đốt sống bị lún xẹp do loãng xương, mỗi khi xoay trở hoặc vận động thường gây đau đớn cho người bệnh. Việc điều trị bằng thuốc hoặc nằm bất động dài ngày gây ra nhiều hậu quả như loãng xương gia tăng, trượt đốt sống, tiến triển thành đau mạn tính, teo cơ, viêm phổi, viêm đường tiết niệu,... và tỷ lệ liền xương rất thấp”, bác sĩ Thắng cho hay.

Điều trị xẹp đốt sống: Giảm đau tức thì nhờ bơm xi măng sinh học - ảnh 2 Bác sĩ Nguyễn Hữu Thắng đang thăm khám cho BN vừa bơm xi măng sinh học

Trước kia, điều trị xẹp đốt sống người ta thường áp dụng phẫu thuật mổ mở, điều trị nội khoa và dùng phương pháp cố định ngoài… Tuy nhiên, hiệu quả của các phương pháp này còn ở mức khiêm tốn. “Với trường hợp loãng xương ở người cao tuổi, đặc biệt là những bệnh nhân có chấn thương vỡ tường sau đốt sống, mất vững đốt sống khi trải qua một cuộc mổ lớn để cố định bằng dụng cụ nẹp vít gây mất máu nhiều, nguy cơ nhiễm trùng và nguy cơ xảy ra tai biến khá cao mà hiệu quả không rõ ràng. Ngoài ra, dụng cụ cố định có thể bị tụt ra ngoài do xương loãng, không thể giữ được dụng cụ. Phẫu thuật cũng khá dè dặt khi chỉ định cho các BN có nhiều bệnh mạn tính phối hợp như: suy tim, cao huyết áp, tiểu đường...”, bác sĩ Thắng cho hay.

Ngày nay, phương pháp bơm xi măng sinh học tạo hình đốt sống qua da là thành tựu y học nổi bật, là phương pháp can thiệp tối thiểu, hiệu quả, bền vững, ít tai biến, giúp người bệnh giảm đau nhanh chóng. Từ đầu năm 2014 đến nay, BV Hữu Nghị đã áp dụng thành công cho gần 200 bệnh nhân (BN), đặc biệt, người bệnh đều cảm nhận sau khi thực hiện thủ thuật đã giảm đau tới 90%. Nếu như trước đây, mỗi lần áp dụng thủ thuật bơm xi măng, BN phải chi trả khoảng hơn 20 triệu đồng/ca thì ngày nay, kỹ thuật này được BHYT thanh toán 100%.

Giảm đau tức thì

Ông Đoàn Thế Thiêm (81 tuổi) ở Giảng Võ, Hà Nội sau 1 lần bị ngã, vùng thắt lưng của ông đau dữ dội, không đi lại được, toàn bộ sinh hoạt hằng ngày phải phụ thuộc vào người khác. Những cơn đau hành hạ khiến ông gầy sút, mệt mỏi. Sau 2 tuần châm cứu, bấm huyệt, đắp thuốc và uống một số loại thuốc giảm đau thông thường nhưng không đỡ, ông đến BV Hữu Nghị khám, bác sĩ kết luận: cột sống thắt lưng bị xẹp, phù tủy đốt sống D12, ông được chỉ định bơm xi măng sinh học tạo hình đốt sống. “Sau khi được bác sĩ bơm xi măng, tôi ngồi dậy ngay được và cảm giác đỡ đau tới 90%”, ông Thiêm vui mừng nói. 

Điều trị xẹp đốt sống: Giảm đau tức thì nhờ bơm xi măng sinh học - ảnh 3

Ông Tào Văn Chiêu, 77 tuổi ở Đặng Văn Ngữ, Hà Nội, phát hiện chấn thương xẹp phù tủy đốt đốt sống L1, có chỉ định bơm xi măng sinh học. “Trước khi nghe các bác sĩ tư vấn và giải thích sẽ bơm xi măng, tôi rất lo lắng. Tôi liên tưởng đến việc đổ xi măng vá vết nứt tường hay trần nhà, chẳng may cột sống cứng đơ lại thì… chết. Nhưng thật kỳ diệu, sau khi được “thưởng thức” kỹ thuật này tôi thấy khỏe mạnh như bình thường”, ông Chiêu phấn khởi nói.

“Xẹp đốt sống là biến chứng do loãng xương thường gặp ở người cao tuổi, đặc biệt ở phụ nữ sau mãn kinh. Do lực nén theo trọng lượng cơ thể, chỉ cần bê vật nặng, bước hụt cầu thang hay đi xe vào ổ gà… cũng có thể gây gãy xẹp đốt sống, mất vững cột sống gây đau đớn cho người bệnh. Để phòng tránh loãng xương, người bệnh nên khám sức khỏe định kỳ để bổ sung canxi và khoáng chất kịp thời”, bác sĩ Nguyễn Hữu Thắng. 

Là người trực tiếp điều cho 2 BN trên, bác sĩ Nguyễn Hữu Thắng cho biết, bơm xi măng sinh học tạo hình đốt sống là kỹ thuật tiên tiến, được áp dụng phổ biến trên thế giới. Khi áp dụng phương pháp này, BN được gây tê tại chỗ, sau đó dưới sự hướng dẫn của của máy chụp số hóa xóa nền (DSA), bác sĩ sẽ dùng kim chuyên dụng (troca) chọc qua da theo hướng đi thích hợp và bơm một lượng xi măng sinh học (methylmethacrylate) vào đốt sống. Xi măng này vào cột sống sẽ cứng dần lên và sau khoảng 45 phút thực hiện, người bệnh có thể vận động trở lại được. Đặc biệt, kỹ thuật ít xâm lấn này điều trị thích hợp cho cả những người bị xẹp đốt sống do loãng xương hoặc chấn thương một cách ổn định và ít gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Bác sĩ Thắng cũng lưu ý, với người cao tuổi đặc biệt phụ nữ sau tuổi mãn kinh, cần sinh hoạt, thể dục, thể thao điều độ, ăn uống đủ chất và bổ sung các khoáng chất, vitamin thiết yếu. Đặc biệt, nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm tình trạng loãng xương, đo mật độ xương trên máy để bổ sung canxi kịp thời.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu
LÝ LỆ HOA

Tôi 57 tuổi được chuẩn đoán xẹp đốt sống lưng L1,L2 và gai đốt sống .Tôi ở Đồng tháp ,vậy... Xem thêm

Trần Thị Hường

Tôi đc chuẩn đoán xẹp các đốt sống cổ và hẹp động mạch đốt sống cổ .Xin bác sĩ tư vấn giúp... Xem thêm

đỗ ngọc toản

chị tôi 81 tuổi bị ngã lún đĩa đệm liệu có bơm xi măng sinh học được không thưa bác... Xem thêm

Thu Huong

Bố tôi 81 tuổi đã chụp cộng hưởng từ chẩn đoán xẹp đốt sống.Tuổi của ông có bơm được... Xem thêm

Thu Huong

Bố tôi 81 tuổi đã chụp cộng hưởng từ chẩn đoán xẹp đốt sống.Tuổi của ông có bơm được... Xem thêm