Văn hóa dân tộc Chu Ru hồi sinh giữa đại ngàn

Thu Hằng
Chia sẻ
(VOV5) - Ở huyện Đơn Dương, Ma Bio cũng là 1 trong những nghệ nhân còn lưu giữ khá nhiều từ những vật dụng đặc trưng của người Chu Ru. 

Trên nền âm thanh vang vọng hòa quyện của âm 3 là nhịp chiêng, kèn bầu và tiếng trống, điệu mua Arya huyền thoại, điệu múa vô cùng quyến rũ và có ý nghĩa rất lớn mang tính cộng đồng cao của đồng bào dân tộc Chu Ru năm xưa, lại được hồi sinh giữa đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ. Không phải đến bây giờ mà đã rất nhiều năm vũ điệu này đã được nghệ nhân Touneh Ma Bio, ở thôn Diom A, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, gìn giữ.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 

Mặc dù nữ nghệ nhân Touneh Ma Bio đã gần 60 tuổi, cái tuổi chẳng thể còn có thể mềm mại uyển chuyển như các thiếu nữ tuổi đôi mươi, nhưng khi Ma Bio hóa thân cùng nàn điệu độc đáo, bà chẳng khác gì như thiếu nữ.

Cô gái miền sơn cước thụ hưởng sinh khí buôn làng và lớn lên giữa không gian văn hóa mê đắm hồn người. Có lẽ thế, cho nên ở tuổi lên bảy, lên tám, đôi tay của Ma Bio đã gõ đúng nhịp chiêng, đôi chân đã bước theo đúng nhịp trống hòa cùng điệu tamya của trai gái trong làng. Gương mặt ửng hồng, ánh mắt long lanh, động tác múa Arya nhẹ nhàng nhưng không kém phần quyến rũ. Ngoài vũ điệu Aria, nghệ nhân Ma Bio còn lưu giữu và làm sống lại nhiều vũ điệu khác của dân tộc Chu Ru.

  Văn hóa dân tộc Chu Ru hồi sinh giữa đại ngàn - ảnh 1Ảnh minh họa 

"Thực sự tôi rất yêu bản sắc văn hóa của dân tộc mình cho nên nó đã in sâu vào tâm trí của tôi, nên tôi mới có thể truyền đạt lại cho các em. Mỗi bản sắc văn hóa lại có những sự đặc sắc riêng cho nên tôi muốn lưu giữ là vì tôi rất yêu bản sắc dân tộc mình, nó đã in sâu vào máu của tôi rồi."

Bà Ma Bio là một trong 9 nghệ nhân văn hóa của tỉnh Lâm Đồng, được phong danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Song, từ lâu, bà đã là nghệ sĩ thực thụ trong lòng bà con buôn làng. Bà thổ lộ: Sinh ra và lớn lên bên dòng Đạ Nhim huyền thoại, miền đất chất chứa nhiều vũ điệu huyền diệu của người Chu Ru, tuổi thơ chênh chao trên lưng mẹ, bà đã được ru giấc nồng bằng nhịp chiêng, điệu rơkel du dương len qua khe suối.

Với ước vọng cháy bỏng phải khôi phục nên hàng ngày, bà Ma Bio cứ âm thầm lặng lẽ việc truyền dạy và đến nay tất cả con cháu trong thôn ở thôn Diom A đều thành thạo nhiều bài hát bài múa và biết đánh chiêng, thổi khèn bầu và chính các em sẽ là thế hệ nối dài niềm đam mê đến bất tận của bà Ma Bio với thế hệ mai sau và mãi mãi.

Trước những nguồn gió của văn hóa ngoại nhập, nữ nghệ nhân lo sợ tình yêu với buôn làng, với lễ hội, với những làn điệu dân ca truyền thống độc đáo của dân tộc mình đã ngấm vào huyết quản và chảy trong dòng máu của bà sẽ phai nhạt nếu không được bảo tồn, giữ gìn, đặc biệt cho thế hệ mai sau.

Bà chia sẻ: "Người dân tộc hiện nay cũng đã nghe nhạc hiện đại nhiều. Nhưng tôi muốn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Tôi có ý là để bảo tồn bản sắc văn hóa mình, đặc biệt trước tiên là với con cháu trong dòng họ tôi trước. Tôi sẽ cố gắng kêu gọi các em các cháu đến học để tôi truyền đạt lại để sau này không bị mai một truyền thống nét đẹp của dân tộc mình."

Nữ nghệ nhân Ma Bio trở thành biểu tượng kiêu hãnh của dân tộc Chu Ru bởi bà là người phụ nữ hiếm hoi của đồng bào mình đã dành cả cuộc đời mình để lưu giữ và làm sống lại những nét văn hóa của đồng bào Chu Ru trên dòng sông Đa Nhim, trên vùng đất cao nguyên  huyền thoại.

Ở huyện Đơn Dương, Ma Bio cũng là 1 trong những nghệ nhân còn lưu giữ khá nhiều từ những vật dụng đặc trưng của người Chu Ru. Tất cả những vật dụng này đều có số tuổi hàng trăm năm và ngay cả ngôi nhà sàn bà đang ở cũng trên 100 năm tuổi.

Bà Ma Sa, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương, chia sẻ: "Trong các phụ nữ của đồng bào dân tộc Chu Ru thì cô Ma Bio là người biết đánh cồng chiêng, biết lưu giữ văn hóa này. Không những vậy cô còn truyền dạy cho thế hệ con cháu mình. Mình thấy người dân tộc Chu Ru rất hãnh diện, đi đâu cũng có các em nhỏ đi biểu diễn các bản sắc dân tộc mình. Cá nhân cô rất lo sợ sau này truyền thống văn hóa bị mai một đi nhưng thật may có cô Ma Bio vẫn đào tạo được thế hệ các em như này là rất hãnh diện cho đồng bào Chu Ru."

Với việc trân trọng gìn giữu nét đẹp văn hóa nguồn cội, đó cũng là một cách để bà thể hiện tình yêu mãnh liệt mà gần cả cuộc đời của nghệ nhân ấy đã say sưa tìm tòi, sư tầm và phục dựng các điệu múa từng nhạt nhòa trong ký ức người Chu Ru, nhưng đến nay đã hồi sinh mạnh mẽ trong cộng đồng Chu  Ru. Bà tâm niệm, còn sức khỏe là còn cống hiến gìn giữ, bảo tồn và trao quyền cho thế hệ mai sau để hồn cốt văn hóa của dân tộc mình không bị mai một bởi thời gian.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu