Trang phục và áo dài của người phụ nữ Chăm

Lan Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Trong xã hội của người Chăm, mỗi tầng lớp, mỗi chức sắc  đều có y phục riêng. Trong đó, đặc sắc nhất phải nói đến chiếc áo dài của  phụ nữ Chăm. 
(VOV5) - Y phục phản ánh rõ trình độ kỹ thuật dệt vải, thẩm mỹ, cách trang trí những đặc trưng văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của người Chăm. Trong xã hội của người Chăm, mỗi tầng lớp, mỗi chức sắc  đều có y phục riêng. Chính vì vậy mà y phục Chăm phong phú và đa dạng. Trong đó, đặc sắc nhất phải nói đến chiếc áo dài của  phụ nữ Chăm. 

Trang phục và áo dài của người phụ nữ Chăm - ảnh 1
Những nữ sinh Chăm thướt tha trong những bộ áo dài (Ảnh: Báo Ninh Thuận)


Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Áo dài, tiếng Chăm thường gọi là Aw kamei Cam. Chất liệu vải để may áo dài rất phong phú và đa dạng như  voan, ren, nhung... Nét đẹp áo dài Chăm kín đáo, kiêu sa nên từ nhỏ người phụ nữ Chăm luôn tạo cho mình thói quen bằng cách dùng và nhìn ngắm nó mỗi ngày. Chị Thành Thị Diễm Châu, diễn viên đoàn dân gian Chăm Ninh Thuận, chia sẻ: “Tôi rất tự hào về dòng tộc mình. Dân tộc Chăm có nhiều màu sắc và có những trang phục khác nhau. Mỗi trang phục mang tính chất, ý nghĩa của các chức sắc và tôn giáo khác nhau”.

Chiếc áo truyền thống của người phụ nữ Chăm là áo dài không xẻ tà, mặc chui đầu. Cổ áo thường có hình tròn hoặc hình trái tim. Áo đến đầu gối hoặc quá một chút gọi là Aw tah, lớp trẻ thường mặc áo loại này. Ống tay áo bó sát vào cánh tay, phần thân hơi rộng hơn một ít. Loại áo dài phủ chùng gót chân người mặc, gọi là Aw dwa baung. Aw dwa baung ôm sát thân người khi mặc phủ trùm lên váy, tạo cho bước đi uyển chuyển và làm nổi bật cơ thể. Ở hai bên hông Aw dwa baung có một đường mở ngay eo hông, có hàng khuy bấm hoặc nút dính, khi mặc bó sát eo hông. Ông Đạt Chử, người dân tộc Chăm ở Ninh Thuận, cho biết: “Trang phục của người phụ nữ Chăm gồm chiếc áo truyền thống, chân áo và khăn. Đó là 3 thứ không thể thiếu trong trang phục của người Chăm. Người Chăm mặc áo dài không xẻ vì người phụ nữ Chăm không thể làm quen dễ dàng, họ không tự mời chào. Người Chăm chỉ thể hiện bằng con mắt, bằng cái nhìn, bằng vành môi, bằng đôi má. Nếu đôi mắt nói gì thì vành môi mỉm cười thì cái đó là lời chào, ta không cần phải chào bằng cử chỉ khác. Và một hành động mà người Chăm khi mặc chiếc áo dài không xẻ khiến cho dáng đi thanh thoát hơn, cuốn hút hơn, nhẹ nhàng hơn”.

Trong cuộc sống, chiếc áo dài cũng được sử dụng khác nhau. Áo mặc trong sinh hoạt hằng ngày thường gọi là Aw kauh còn áo mặc trong ngày lễ gọi là Aw xah. Ngày trước, chiếc áo được cấu tạo bằng bảy mảnh vải, may ghép với nhau. Do đó từng chiếc áo dài truyền thống của phụ nữa Chăm ngày xưa  là những tấm vải ghép lại được may quay tròn thành ống để bó thân người mặc. Ngày xưa người ta thường may ghép nhiều màu trong cùng một chiếc áo cổ truyền. Những màu khác nhau như màu trắng, đen, đỏ, vàng… thường được bố trí ở các nơi như hai cánh tay, thân trên và thân dưới. Kiểu áo nhiều màu là loại áo mà người Chăm thường dùng để lao động sản xuất. Ngày nay, những người phụ nữ lớn tuổi vẫn đang mặc áo chiếc áo đó để lao động trên đồng ruộng, nương rẫy hoặc công việc ở nhà.

Chiếc áo dài rực rỡ, mềm mại, thanh thoát, hút hồn ánh nhìn của nhiều người nhất là khi phụ nữ Chăm mặc trong những dịp lễ hội Katê, Ramưwan, lễ trưởng thành của thiếu nữ và các nghi lễ quan trọng của đồng bào Chăm. Tùy vào hoàn cảnh mà màu áo phải phù hợp, như vào những dịp ra mắt, đám cưới. . . các thiếu nữ tha hồ, thoải mái diện những bộ cánh đẹp nhất. Tham dự những lễ hội lớn, những đám cưới linh đình, những bộ áo có màu sặc sỡ, chất liệu may bằng vải voan, ren, nhung, gấm nhẹ nhàng, mềm mại là sự lựa chọn hàng đầu của chị em. Trong khung cảnh thánh đường, cần sự trang nghiêm, màu trắng là sự lựa chọn duy nhất. Riêng đối với các cụ lớn tuổi, áo dài là trang phục thường ngày của họ. Bà Trưởng Thị Hoàng Phi, đội văn nghệ Mỹ Sơn, Quảng Nam cho biết: “Trong ngày lễ hội, người phụ nữ Chăm mặc trang phục lễ hội. Bộ trang phục của phụ nữ Chăm mặc trong lễ hội như tết Katê có một khăn dài để choàng cổ, một cặp dây thắt lưng. Còn ngày thường thì không có chỉ mặc áo dài truyền thống. Còn ngày lễ mới có dây thắt lưng được tự dệt ở làng Mỹ Nghiệp”.

Ngày nay, người Chăm cách tân cho áo dài thành những phong cách khác nhau, điệu đà, hiện đại hơn nhưng vẫn mang bản sắc dân tộc. Cách mặc áo dài cũng nói lên đức tính của người phụ nữ Chăm trong đời sống, về vai trò và vị trí của họ. Khi mặc áo dài, người mặc sẽ đưa hai tay lên cao rồi từ từ chui đầu vào, chứ không mặc gài nút. Áo dài sẽ đẹp hơn nếu như có 2 dây thắt lưng được thêu hoa văn, gọi là “Taley kabak” đan chéo vào nhau, làm tôn lên những đường cong gợi cảm của người phụ nữ. Khoác lên chiếc áo dài truyền thống dân tộc như vừa kín đáo nhưng đủ để làm cho thiếu nữ Chăm toát lên một nét độc đáo riêng trong tổng thể trang phục các dân tộc Việt Nam./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu