Phong tục hôn nhân của dân tộc Nùng ở Lào Cai

Thanh Lâm
Chia sẻ
(VOV5) -  "Lễ vật bắt buộc phải có là 1 đôi gà, 1 con lợn 40 kg, 15-20 chai rượu, tương đương với số ống gạo nếp và kèm theo là 12 cái bánh dày to như bánh đa dưới miền xuôi.

Đến tuổi cập kê, con trai, con gái người dân tộc Nùng được tự do yêu đương, tìm hiểu. Quen nhau trong những buổi đi nương, gặp nhau trong những buổi xuống chợ, phải lòng nhau trong những đêm hội hát Lướn, nếu trai gái ưng nhau, chàng trai sẽ nói bố mẹ nhờ mối mai sang nhà gái để ngỏ lời.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Ông Trần Chí Nhân, Phó trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang, cho biết hôn nhân đồng bào Nùng nơi đây bắt đầu bằng nghi thức mối mai: "Trong nghi thức mối mai ấy họ chỉ đặt vấn đề xin phép bố mẹ cô gái đồng ý cho 2 người lấy nhau. Nếu đồng ý rồi thì họ sẽ hẹn trong khoảng 10 ngày bà mối cùng nhà trai sẽ chủ động đến nhà gái xin bước thứ 2 là làm nghi thức đặt lễ vật ăn hỏi, lễ dạm ngõ, theo lễ vật có 1 con gà thiến để trong lồng gà dán giấy đỏ, 1 chai rượu và ít bánh kẹo. Sau đó họ tổ chức những nghi thức lề sánh, tức là 2 bên mổ gà ăn xong  họ lấy xương đùi chân gà cho thày cũng xem đôi nan nữ này có hợp duyên hay không. Nếu hợp thì họ sẽ chọn ngày lành tháng tốt để chuẩn bị cho đám cưới."
Phong tục hôn nhân của dân tộc Nùng ở Lào Cai - ảnh 1 Cô dâu, chú rể lạy bàn thờ tổ tiên. - Nguồn:toquoc.vn

Trong lễ ăn hỏi, hai bên gia đình sẽ bàn bạc về lễ vật bắt buộc nhà trai phải mang sang nhà gái trong ngày cưới: "Lễ vật bắt buộc phải có là 1 đôi gà, 1 con lợn 40 kg, 15-20 chai rượu, tương đương với số ống gạo nếp và kèm theo là 12 cái bánh dày to như bánh đa dưới miền xuôi. Còn phải có đồ trang sức cho cô dâu, gồm dây xà tích đôi vòng tay, 1 lạng hạt cườm bằng bạc, 14 cúc áo bằng bạc. Đó chính là những trang sức, những vật dụng để cô dâu ở nhà may quần áo cưới cho mình.

Cũng trong lễ ăn hỏi, nhà trai còn phải mang 4 đồng bạc già sang biếu bố mẹ vợ. Nhà trai thường phải nộp cho nhà gái 4 đồng bạc già. Nếu không có bạc thì quy ra tiền giấy. Tiền này họ gọi là tiền đau bụng để trả công cho bà mẹ vợ đã mang nặng đẻ đau  sinh ra cô dâu của mình. Ông Vàng Thông Chúng, người Nùng ở huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, cho biết: "Đồ lễ cưới thì đắt nhất là bộ trang phục thôi. Trước đây độ 60-80 lít rượu, thịt thì 80kg đến 1,5 tạ. Ngoài ra còn có tiền sữa mẹ là 4 đồng bạc trắng. Tiền sữa mẹ là đưa cho mẹ vợ , nếu còn ông bà thì mỗi ông bà 1 đồng bạc xòe nữa, đó là tiền bế ẵm của ông bà."

Phong tục hôn nhân của dân tộc Nùng ở Lào Cai - ảnh 2 Lễ rước dâu trong đám cưới của người Nùng.- Ảnh baotuyenquang.vn

Chọn được ngày lành tháng tốt để tổ chức đám cưới, đoàn nhà trai  sẽ sang đón dâu. Trong ngày này có khá nhiều nét đẹp mà cho đến nay bà con người Nùng vẫn còn lưu giữ: Ông Trần Chí Nhân cho biết: "Trong buổi đến xin dâu, chú rể sẽ mang 1 lễ vật là gói bánh đến nhà gái sau đó để trên bàn thờ thắp hương tổ tiên, sau đó mới xin được cô dâu để đưa về nhà. Bánh đó chính là chiếc bánh dày như đám xin hỏi. Việc đầu tiên khi đoàn đón dâu từ nhà trai đến nhà gái thì bên cầu thang sẽ để 1 chậu nước, bên nhà gái sẽ té nước vào chú rể và một số thành viên trong đoàn. Ý nghĩa của việc này là để xua đuổi bệnh tật, vận hạn của chú rể. Sau khi té nước xong đoàn đón dâu mới được vào trong nhà."

Đón dâu về nhà chống, bố mẹ cô dâu sẽ không được đi cùng. Cô dâu trùm khăn đỏ sẽ được chú rể che ô đen đưa về nhà chồng. Ông Trần Chí Nhân cho biết: "Trên đường đón dâu về nhà chú rể, bao giờ chú rể cũng có chiếc ô màu đen, nhằm cho chú rể không bị nhà gái té nước làm ướt. Trên đường từ nhà cô dâu về nhà trai, đoàn 2 bên đi qua khe nước cô dâu không được đi qua mà phải được ông bà mối cõng qua, chứ chú rể cũng không được cõng qua. Vì quan niệm rằng lúc đó xin dâu nhưng tuy nhiên cô dâu chưa nhập hộ tịch hộ khẩu trước bàn thờ tổ tiên nhà chú rể nên chưa hoàn toàn thuộc về chàng trai nên việc đó vẫn phải do ông bà mối thực hiện."

Về đến nhà trai, việc đầu tiên khi bước chân lên cầu thang nhà chồng, cô dâu sẽ cầm ống nước, bó lúa được chuẩn bị sẵn mang vào treo lên bếp rồi nhanh tay đổ nước vào chảo đang bắc trên bếp.

Ông Trần Chí Nhân lý giải, đó chính là lời dạy của mẹ chồng dành cho dâu thảo, muốn nói lên rằng việc đó là việc thường xuyên cô con dâu mới sẽ phải làm và phải làm thật tốt, cơm dẻo canh ngọt để mang được lúa ngô về đầy nhà, mang điều tốt lành về nhà chồng. Sau khi thực hiện xong nghi thức này thì ông bà mối sẽ thắp hương trên bàn thờ nhà trai, cô dâu chú rể sẽ vái lạy ông bà tổ tiền, lúc đó cô dâu mới cởi khăn đỏ trùm trên đầu ra và chính thức trở thành thành viên trong gia đình nhà chồng. Kết thúc việc này thì cô dâu chú rể sẽ mang rượu ra mời khách.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu