Người góp phần gìn giữ nhịp chiêng của người Êđê ở Cư Drăm

H Xíu
Chia sẻ
(VOV5) - Là người Kinh nhưng ông Dương Văn Tho ở xã Cư Drăm, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, lại rất yêu tiếng chiêng, điệu múa của người Êđê.

Ông đã tự bỏ tiền ra mời nghệ nhân về truyền dạy cho một số thanh thiếu niên, học sinh trong xã Cư Drăm học đánh chiêng tre và một số điệu múa của người Êđê ngay tại nhà mình, với mong muốn lưu giữ được những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Tây Nguyên.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 Tiếng chiêng tre rộn ràng trong ngôi nhà dài của gia đình ông Dương Văn Tho, ở buôn Chàm A, xã Cư Drăm, huyện Krông Bông đã trở nên quen thuộc với người dân trong buôn suốt hơn 1 năm qua. Từ những âm thanh rời rạc, lạ lẫm những ngày đầu, qua sự uốn nắn, hướng dẫn tỉ mỉ của nghệ nhân đã dần trở nên tròn vành, rõ nhịp. Em Y Gôn ÊBan, ở buôn Chàm A, tham gia học đánh chiêng  từ hè năm ngoái đến nay.

Thay vì mê mải trong quán Internet để chơi điện tử, em đã có cho mình một niềm yêu thích mới từ sự động viên nhiệt tình của ông Dương Văn Tho: "Lần đầu khi chú Tho đi đến nhà con cũng định không học đánh chiêng nhưng lần sau chú lại động viên con ở quán Net thì con cũng qua học đánh, quen dần rồi thành thạo hơn bài múa và bài Mời rượu. Con chỉ muốn sau này có thể giữ mãi những truyền thống của người Ềđê chúng con."

Người góp phần gìn giữ nhịp chiêng của người Êđê ở Cư Drăm - ảnh 1 Ông Dương Văn Tho (bìa phải) cùng nghệ nhân Y Jut Êban đang theo dõi đội chiêng tập luyện.

Còn với em Dương Văn Tú, tình yêu văn hóa cồng chiêng từ người cha đã truyền lửa, giúp em dễ dàng tiếp thu những nhịp điệu được nghệ nhân truyền dạy qua mỗi buổi học: "Đợt đầu con học thì rất là khó vì con chỉ thấy những người già đánh chứ chưa từng bao giờ đánh. Được thầy truyền dạy thì bây giờ chúng con cũng đánh được chiêng kram này rồi."

Người hướng dẫn cho các em là nghệ nhân Y Jut ÊBan, ở xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk. Ông Y Jut cho biết, bản thân không có nhiều kỹ năng sư phạm, chỉ truyền dạy theo phương pháp làm mẫu và hướng dẫn trực tiếp cho từng em. Hơn nữa, đánh chiêng phải đánh theo điệu, theo nhịp thành một dàn chứ không đánh riêng lẻ nên việc truyền dạy cũng không đơn giản. Ông Y Jut ban đầu còn nghi ngại việc ông Tho tự mình đứng ra mở lớp. Nhưng khi thấy ông Tho đi từng nhà vận động người dân cho con em mình theo học đánh chiêng, bỏ tiền thuê dụng cụ cho các em luyện tập. Có những tối trời mưa to các em không đi học, ông Tho đã đến từng nhà đón các em tới lớp.

Thấy vậy ông Y Jut cũng thuận tình ủng hộ, không quản ngại khó khăn, dành nhiều thời gian, công sức để truyền dạy cho các em.  "Đầu tiên khi mình gặp anh ấy thì anh có nói là tổ chức lớp học cồng chiêng cho bọn nhí, nghe nói Y Jut là nghệ nhân nên mời anh về dạy cho lớp học. Lúc đầu thì mình không tin nhưng dần dần thì nhận lời. Mình nhận lời rồi thì anh ấy bỏ kinh phí đầu tư cho mấy cháu nên mình cũng sẵn sàng bỏ công từ nhà về đây dạy."

Hơn 1 năm vừa học vừa duy trì tập luyện, đến nay, đội chiêng còn duy trì được 9 em nam từ 12 đến 17 tuổi thực sự có đam mê và năng khiếu, có thể đánh nhuần nhuyễn các bài chiêng cơ bản như Đón khách, Mời rượu. Hiện tại, đội chiêng vẫn duy trì ôn luyện mỗi tuần 1 đến 2 buổi để không quên bài. Ông Dương Văn Tho tâm sự, đây thực sự là niềm vui với ông. Gần 30 năm gắn bó với buôn làng và làm rể người Êđê, chứng kiến sự mai một của văn hóa người Êđê ở địa phương, ông càng mong muốn làm điều gì đó để lưu giữ, truyền lại cho con cháu.

Từ sự tiến bộ của các em trong lớp học, ông Tho hy vọng mỗi thành viên của đội sẽ tiếp tục truyền lửa để nhịp chiêng được nối dài. Đồng thời, sẽ có thêm nhiều người chung tay để đội chiêng sẽ ngày càng có thêm nhiều thành viên tham gia, duy trì lâu hơn nữa.

"Ban đầu tôi chỉ nghĩ đến buôn làng thôi, nghĩ đến truyền thống, sau này các cháu nó sẽ không còn biết văn hóa của mình như thế nào nữa. Tôi nghĩ trước mắt là được 1 lớp cho các cháu giỏi về chiêng này, để sau này ví dụ mà tôi không khắc phục được nữa thì các cháu sẽ truyền đạt lại cho các cháu nhỏ hơn. Còn tương lai sau này để các cháu hưởng thụ được thì nếu mở được chương trình du lịch cộng đồng thì càng tốt, còn bây giờ tôi chỉ mong muốn là những mạnh thường quân cùng đam mê nhạc Tây Nguyên này như tôi cùng góp sức để mở thêm mấy lớp cho các cháu tiếp theo." Ông Tho cho biết, 

Việc tự bỏ thời gian, công sức, kinh phí để mở lớp học đánh chiêng và lớp múa tại nhà là mô hình mới, lần đầu xuất hiện ở huyện Krông Bông. Qua đó đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân, đặc biệt là người Êđê tại địa phương trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc. Cách làm này cũng góp phần tạo ra sân chơi lành mạnh cho các em thanh thiếu niên, giúp các em được tiếp cận với các loại nhạc cụ truyền thống, từ đó nhen lên tình yêu và mong muốn được lưu giữ, bảo tồn văn hóa cồng chiêng.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu