Người Bố Y gìn giữ bản sắc văn hóa

Vĩnh Phong
Chia sẻ
(VOV5) - Từ trang phục, kiến trúc nhà ở đến các phong tục, tập quán cưới hỏi, đám ma, đám cưới… đều mang đậm bản sắc văn hoá của tộc người này. 

(VOV5) - Bố Y là một trong những dân tộc tuy có dân số ít nhưng đến nay vẫn giữ được những nét văn hoá truyền thống với bản sắc riêng, độc đáo. Từ trang phục, kiến trúc nhà ở đến các phong tục, tập quán cưới hỏi, đám ma, đám cưới… đều mang đậm bản sắc văn hoá của tộc người này. 

Người Bố Y gìn giữ bản sắc văn hóa - ảnh 1
Hoa văn trên tay áo của phụ nữ Bố Y

Nghe nội dung bài viết tại đây:




Người Bố Y cư trú trên vùng núi cao trong những ngôi nhà trình tường tường ba gian có hai mái vuông, phía trước là một hàng hiên. Bộ khung nhà được dựng bằng những vật liệu vững chắc như gỗ hoặc tre, mái lợp cỏ gianh hoặc lợp ngói. Bộ khung cấu tạo cân đối bởi hai kèo đơn và năm hàng cột, trong đó có đôi cột trốn là đôi cột giữa. Ngôi nhà có một cửa chính đi vào gian giữa, một cửa phụ nơi đầu hồi để qua bếp đun và hai cửa sổ trông ra hàng hiên. Ông Ngũ Khởi Phương, chuyên gia nghiên cứu về văn hóa của dân tộc Bố Y, cho biết: "Nguyên tắc khi làm nhà là chiều rộng nền nhà phải số lẻ, chiều dài cũng số lẻ, kể cả cột cao bao nhiêu. Kiểu nhà phổ biến là hai tầng là tầng đất là tầng gác, tầng đất thì người ở, tầng gác là để lương thực… Trên bàn thờ không được kê ván kín".


Người Bố Y gìn giữ bản sắc văn hóa - ảnh 2
Gian thờ đồng thời là phòng tiếp khách của người Bố Y


Với đồng bào Bố Y, phong tục cưới hỏi với những nghi lễ mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc luôn được coi trọng và giữ gìn đến ngày nay.
Trước đây, người Bố Y có tập tục là chỉ được lấy người dân tộc. Sau này tập tục này được bãi bỏ, nam nữ được tự do chọn vợ, chọn chồng ở các dân tộc khác. Lễ cưới của người Bố Y thường tiến hành theo ba bước. Ông Ngũ Khởi Phương cho biết: "Đầu tiên là dạm hỏi, hay là đi “phát đường”. Nhà trai chọn hai người phụ nữ được coi là “tốt số” đảm đang, có con cháu đầy đủ, đi phát đường, mở đường đến nhà gái, xem họ có ý gả con gái cho nhà khác không. Nếu nhà gái đồng ý thì nhà trai cử hai người đàn ông làm mai mối đến dạm hỏi và nhận thách cưới của nhà gái. Sau đó nhà trai sẽ chuẩn bị và đến nhà gái báo ngày cưới. Lúc đó nhà trai phải mang đồ thách cưới giao cho nhà gái và xin lại ngày sinh của cô gái về để xem ngày cưới có hợp tuổi không".


Trong đám cưới, chú rể sẽ không có mặt trong đoàn đón dâu mà do một thiếu nữ của nhà trai dắt theo một con ngựa thật đẹp để rước cô dâu về nhà chồng. Đối với người Bố Y thì dù là ngày xưa hay ngày nay vai trò của ông mối trong hôn nhân cũng rất được coi trọng. Đó là người có uy tín, thông hiểu lễ nghĩa, biết đối đáp bằng các điệu hát. "Ngày cưới, mang lễ đến nhà gái cùng con lợn để nhà gái làm thịt tiếp khách. Khi đi đến nhà gái, nhà gái sẽ lấy một chiếc ghế ngăn cửa, đặt bốn bát rượu… Lúc đó nhà gái sẽ yêu cầu ông bà mai mối phải hát, trong nhà hát hỏi điều gì thì đoàn nhà trai phải hát trả lời được, người nào không hát được phải uống hết bốn bát rượu mới cho vào nhà" - theo ông Phương.


Người Bố Y gìn giữ bản sắc văn hóa - ảnh 3
Mẫu hoa văn trên áo của người phụ nữ Bố Y


Trang phục của đồng bào Bố Y có phong cách tạo dáng, chủng loại và phong cách mỹ thuật riêng. Với nam giới thường mặc áo cổ viền, loại áo cánh ngắn, tứ thân; quần lá nhuộm màu chàm bằng vải tự dệt. Phụ nữ Bố Y thường để tóc dài, tết quấn quanh đầu, hoặc đội khăn 
có trang trí hoa văn đội trên đầu, hoặc khăn chàm bình thường quấn ngang trên đầu. Phụ nữ Bố Y mặc áo ngắn năm thân xẻ nách phải, cổ, ống tay áo, chỗ cài cúc được trang trí và viền vải khác màu hoa văn sặc sỡ. Đồng bộ với áo là chiếc xiêm khác màu (thường là màu đen trên nền vải xanh), trước ngực được trang trí hoa văn ngũ sắc, ngắn tới thắt lưng. Áo có chiếc xiêm khâu chiết phía trên, có dải thắt lưng rồi buông thõng sau lưng. Phụ nữ mang nhiều đồ trang sức như dây chuyền, vòng cổ, vòng tay. Chị Chu Thị Dung, người dân Bố Y, cho biết: "Trên tay áo của phụ nữ Bố Y luôn có hình chiếc trống đồng của dân tộc Việt Nam được in bằng phương pháp cổ truyền, không bị phai hay bong khi giặt. Hình trống đồng phải được in đầu tiên lên áo và phái ép chặt để nổi màu. Trên phần váy thì dệt hoa văn. Bộ trang phục thường mặc khi dám cưới, đám ma. May tầm một năm mới xong được bộ trang phục và phải mua nguyên liệu từ trước bởi may rất cầu kỳ".


Để giữ gìn bản sắc riêng của dân tộc Bố Y, tỉnh Hà Giang đã có những đề án nghiên cứu, sưu tầm về vốn văn hóa truyền thống của đồng bào Bố Y. Đồng thời, những người cao tuổi dân tộc Bố Y cũng mở những lớp học giáo dục truyền thống, vốn văn hóa tốt đẹp của dân tộc cho thanh thiếu niên, đây sẽ là thế hệ gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Bố Y trong tương lai.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu