Nghề làm hương truyền thống của người Nùng An ở Cao Bằng

Thu Hằng
Chia sẻ
(VOV5) - Nhịp sống này đã được người Nùng An nơi đây duy trì hàng trăm năm nay.

Trải qua hàng trăm năm, từ thế hệ này truyền thế hệ khác, nghề nối nghề, những khi những tia nắng trải đều xuống chân núi Tà Hùng, xóm Phja Tháp, lại phủ đầy bóng áo chàm phơi hương khắp bờ ruộng cạn. Từ những nguyên liệu được thiên nhiên ban tặng cùng bàn tay khéo léo của các nghệ nhân đã tạo thành những nén hương thơm mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống đặc trưng của người Nùng An đã bao đời nay

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 

Nép mình dưới chân núi chân núi Tà Hùng, xóm Phja Thắp, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng, xóm Phja Thắp được biết đến với nghề làm hương truyền thống đã bao đời nay. Với thành phần hoàn toàn tự nhiên, mùi hương của Phja Thắp có mùi cay cay, nồng nồng của cây trầm và du lịch làm hương đang trở thành tuor hấp dẫn những du khách đến nơi đây.

Nghề làm hương truyền thống của người Nùng An ở Cao Bằng - ảnh 1 Những nén hương thơm mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống đặc trưng của người Nùng An đã bao đời nay.

Vào những ngày trời nắng, mọi con đường trong xóm Phja Thắp đều ngào ngạt trầm hương. Lúc nông nhàn trong xóm từ già đến trẻ đều tất bật với công việc làm hương. Nhịp sống này đã được người Nùng An nơi đây duy trì hàng trăm năm nay.

Gia đình của anh Nông Văn Lập của xóm Phja Thắp cũng vậy, mỗi khi những tia nắng đầu tiên xuất hiện cũng là lúc gia đình anh bắt đầu công việc thường ngày. "Đầu tiên là tôi phơi lá bầu hắt. Làm hương trải qua 8 công đoạn. Riêng việc lấy lá từ trên rừng về phơi lá là quan trọng bởi lá cây này làm ra loại keo dính. Nếu thiếu lá này là không làm được hương. Lá này trước đây mọc tự nhiên trên rừng và có mùi hương thơm tự nhiên nhưng giờ mang về trồng được."

Nghề làm hương truyền thống của người Nùng An ở Cao Bằng - ảnh 2Phơi khô lá bầu hắt để làm chất keo kết dính các nguyên liệu với nhau. - Ảnh TH

Dù đã trải qua hàng trăm năm nhưng ở Phja Thắp vẫn giữ được nghề làm hương sạch hoàn toàn thủ công không dùng hóa chất. Từ cây mai để làm chân hương, vỏ cây gạo, vỏ cây thông đỏ để làm màu, mùn cưa làm từ thân cây trầm và đặc biệt là lá cây Bầu hắt, loại lá cây trên rừng, dùng để làm keo kết dính các chất liệu lại với nhau.

Quy trình làm hương không khó nhưng phải qua nhiều công đoạn. Cây Mai khi sau khi được lấy về sẽ cắt thành từng khúc dài khoảng 40cm rồi chẻ thành từng tăm hương, gỗ thông mục được nghiền nát thành bột để tạo màu. Chân tăm hương có thể được nhuộm màu trước hoặc sau, trước khi đem phơi. Khi tăm hương sau khi phơi khô được nhúng keo và lăn qua lớp mùn cưa trộn trầm vừa đủ 4 lần. Khi lăn phải nhanh tay lắc để bột vừa bám dính, vừa bảo đảm độ tròn đều của cây hương. Có như vậy hương khi đốt sẽ có mùi thơm, tàn đẹp.

Hương Phja Thắp nổi tiếng với mùi thơm tự nhiên, khi đốt dễ cháy và bảo quản được lâu dài. Gọi là nghề thủ công bởi nghề làm hương ở Phja Thắp không sử dụng bất cứ công cụ hỗ trợ nào. Sản phẩm hương Phja Thắp được người Nùng An phơi khô tự nhiên. Hương thành phẩm được cắm vào các ống tròn làm bằng bê tông hoặc người dân tận dụng khu ruộng cạn để phơi. Thường thì hương chỉ cần phơi 1 ngày là đủ.

Hiện nay, 100% hộ dân trong xóm đều làm hương. Chia sẻ về công việc hàng ngày của gia đình làm hương, ông Hoàng văn Tình, xóm Phja Thắp, xã Quốc dân, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao bằng, cho biết: "Thường thường mùa rét thì cứ gần 5 giờ sáng là dậy làm hương. Ngày nắng nóng thì 4 giờ dậy làm. Nếu trời mưa thì không làm được hương cũ phải phơi trên bếp đốt lửa cả ngày."

Nghề làm hương truyền thống của người Nùng An ở Cao Bằng - ảnh 3 Nghề làm hưng không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường lại thu nhập cho người dân Phja Thắp, du khách thập phương đến nơi đây còn được tìm hiểu cách người dân giứ gìn nghề truyền thống. - Ảnh TH

Đến với Phja Thắp ngày nắng, du khách không chỉ được hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp của vùng núi mà còn được ngắm nhìn những chùm hương được trải đều khắp chân ruộng tỏa ra như những bông hoa rực rõ. Nghề làm hương truyền thống cũng đã cho người dân nơi đây nguồn thu nhập đáng kể.

Ông Hoàng Ngọc Kim, Bí thư chi bộ xóm Phja Thắp, cho biết:"Làm hương tính giá thị trường thu nhập cao hơn nghề làm nông nghiệp. Hằng năm có 3 vụ, mỗi vụ mỗi gia đình cũng thi nhập được 20 triệu."

Nghề làm hưng không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường lại thu nhập cho người dân Phja Thắp, du khách thập phương đến nơi đây còn được tìm hiểu cách người dân giứ gìn nghề truyền thống qua đó hiểu hơn về nét đẹp mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của người Nùng An, tỉnh Cao Bằng.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu