Nghề dệt thổ cẩm của người Ê đê

Lan Anh
Chia sẻ
(VOV5) - So với một số dân tộc khác cùng chung sống trên đất Phú Yên như  Chăm, Ba Na… thì người Ê đê ở huyện Sông Hinh vẫn giữ được nghề dệt vải truyền thống và  phát triển cho đến ngày nay.
(VOV5) - So với một số dân tộc khác cùng chung sống trên đất Phú Yên như  Chăm, Ba Na… thì người Ê đê ở huyện Sông Hinh vẫn giữ được nghề dệt vải truyền thống và  phát triển cho đến ngày nay. Trong những ngôi nhà dài truyền thống, bên cạnh những dụng cụ như gùi, đồ săn bắt, thì không thể thiếu khung cửi dệt vải. Ngoài thời gian làm nương rẫy, người phụ nữ Ê đê lại gắn mình bên khung cửi.

Nghề dệt thổ cẩm của người Ê đê - ảnh 1
Bà Mí Blư


Nghe nội dung chi tiết tại đây:


Ở các buôn làng của người Ê đê ở huyện Sông Hinh ngày nay vẫn giữ được nghề dệt truyền thống. Những người phụ nữ Ê đê vẫn ngày ngày cặm cụi bên khung cửi để tạo ra những tấm vải thổ cẩm với nhiều hoa văn độc đáo. Bà Mí Blư, năm nay gần 70 tuổi nhưng có hơn 50 năm ngồi bên chiếc khung cửi này: “Từ khi tôi biết dệt đã có chiếc khung cửi này rồi và nó gắn bó với tôi đến tận ngày nay. Thời 18, 20 chúng tôi được mẹ rồi những người già trong làng truyền nghề lại cho. Ngày đó phụ nữ Ê đê mà không biết dệt thì bị đánh giá không khéo tay. Quần áo cho các thành viên trong gia đình đều do người phụ nữ làm”.

Chiếc khung cửi của người Ê đê không giống với các dân tộc khác mà được làm từ những thanh tre rời nhau. Người phụ nữ Ê đê ngồi dệt trên khung dệt trải dài và theo kỹ thuật luồn sợi chắc chắn và tinh xảo. Khi nghệ nhân của dân tộc Ê đê ngồi đối diện với khung dệt, họ sáng tạo trên nền thổ cẩm những mảng sợi dọc đã hình thành về loại hình cho sản phẩm. Do đó khi giăng thảm sợi dọc, họ đã sắp xếp tính toán những hàng sợi màu vào vị trí cần thiết để có những hoa văn theo đồ án trong đầu. Bà Mí Blư cho biết tài năng của các nghệ nhân Ê đê là ở chỗ đó không cần có bản thiết kế, mọi thứ đã có sẵn ở trong đầu. Và quan trọng là sự điều khiển của đôi chân và đôi tay sao cho nhuần nhuyễn và phải có sức khỏe: “Để có tấm vải đẹp thì thứ nhất là tư thế ngồi, người nghệ nhân phải ngồi song song với khung dệt. Cái chân phải đạp mạnh, tay chắc để cho tấm vải bền và cứng. Còn về hoa văn tùy theo sở thích của mỗi người mà tự tạo cho mình những hoa văn yêu thích”.

Các thế hệ của người Ê đê bao đời nay vẫn làm ra những hoa văn, họa tiết đặc trưng của mình trên từng tấm vải. Tiến sĩ dân tộc học, bà Thu Nhung Mlô Duôn Du, cho biết: “Hoa văn truyền thống của người Ê đê phản ánh thế giới tự nhiên xung quanh họ. Ví dụ người Ê đê lấy hoa cỏ, cây lá hoặc một vài con vật. Người ta cách điệu đi để đưa vào dệt thành hoa văn. Ngày nay thì nhiều phụ nữ Ê đê dùng hoa văn khắc trên nhà mồ để dệt lên váy của mình. Chứng tỏ có thay đổi rất lớn trong nhận thức của họ”.

Sự độc đáo trên từng miếng thổ cẩm của người Ê đê là nhờ ở cách phối hợp màu. Để tạo thành những sợi chỉ màu khác nhau, người Ê đê nhuộm màu trên sợi chỉ trắng. Công thức nhuộm màu dựa vào kinh nghiệm ngàn đời của cư dân khi họ biết được tính năng của các loại lá, vỏ và rễ cây rừng. Để có màu xanh chàm, họ dùng vỏ cây chàm, muốn có màu vàng thì dùng vỏ cây nhàu hoặc củ nghệ, muốn có màu nâu thì dùng vỏ cây dẻ…Hầu hết các nhóm tộc người Ê đê chọn tông màu đen và màu trắng sẫm làm màu nền chủ đạo trên thổ cẩm của mình. Chọn màu tối làm nền, người Ê đê muốn cuộc sống họ hòa vào thiên nhiên với nương rẫy, núi rừng và với màu đất ba zan, nơi họ sinh sống. Tiến sĩ dân tộc học Thu Nhung Mlô Duôn Du cho biết: “Trang phục của người Ê đê chủ yếu là màu đen và đỏ. Tuy nhiên chiếc váy của người phụ nữ Ê đê nó thể hiện 5 màu cơ bản đen, đỏ, vàng, xanh nước biển và xanh lá cây. 5 màu này là 5 màu mà người Ê đê chủ động tạo ra được”.

Dệt được một chiếc váy, áo, khố, mền, một người phụ nữ Ê đê phải mất một thời gian dài khoảng 4 tháng. Nhiều khi cũng có thể kéo dài thêm vì tuỳ thuộc vào khổ rộng và độ tinh xảo, cầu kỳ của sản phẩm. Vì vậy, trước khi dệt người phụ nữ Ê đê đã thiết kế bố cục họa tiết ngay trong đầu, kể cả kích cỡ các họa tiết cũng được thiết kế để khi dệt xong các hoa văn được bố cục hài hòa, vừa với thân váy, áo mà không phải cắt may lần nữa. Đó là cái tài của người phụ nữ Ê đê./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu