Lễ Tơ Mon thắm tình đoàn kết của người Ba Na ở Gia Lai

Hải Phong
Chia sẻ
(VOV5) - Đặc biệt khi đến một nơi ở mới có nhiều đồng bào khác cùng sinh sống, họ cũng thường tổ chức lễ này với quy mô rộng lớn hơn giữa làng này với làng khác, giữa đồng bào này với đồng bào kia.

Đồng bào dân tộc Ba Na ở Tây Nguyên có rất nhiều lễ hội, như lễ cầu an, lễ mừng lúa mới, lễ tạ ơn, lễ Tơ Mon. Trong đó, lễ Tơ Mon (lễ kết nghĩa) là một nghi lễ mang đậm tính nhân văn, phát huy tinh thần đoàn kết, cùng nhau chia sẻ những niềm vui cũng như khó khăn trong cuộc sống.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 

 Lễ Tơ Mon với ý nghĩa làm cho con người gần gũi với nhau hơn, yêu thương nhau hơn. Khi tình cảm đôi bên chân tình, đồng bào dân tộc Ba Na ở Gia Lai sẽ tiến hành lễ kết nghĩa hay còn gọi là Lễ Tơ Mon. Buổi lễ diễn ra với sự góp mặt đông đủ họ hàng anh em, làng xóm, sự tham gia của già làng.

Ông Đinh Ply, huyện Cơ Bang, tỉnh Gia Lai, chia sẻ: Sẽ có 2 loại. Loại kết nghĩa thân thiết và kết nghĩa theo tục lệ. Đầu tiên về tục lệ. Khi con người gặp khó khăn trong cuộc sống, những người già làng hoặc thày cúng sẽ làm công tác tư tưởng về tâm lý. Già làng sẽ kết nối giới thiệu và tổ chức lễ kết nghĩa. Kết nghĩa ở đây là nhận làm cha hoặc làm mẹ, làm anh, làm chị… rồi sau đó họ cảm thấy tâm lý thoải mái hơn có thể khỏi bệnh đó họ sẽ gắn kết lại với nhau. Còn kết nghĩa thân thiết ví dụ như anh em chơi với nhau quý mến như anh em ruột thịt thì kết nghĩa với nhau. Sau khi làm lễ xong thì từ đó trở đi sẽ sẽ giống như anh em ruột thịt vậy.

Lễ Tơ Mon thắm tình đoàn kết của người Ba Na ở Gia Lai - ảnh 1 Quang cảnh lễ Tơ Mon tại nhà Rông.- Ảnh dangcongsanvn.com

Theo ông Đinh Bly, người Ba Na thường hay kết nghĩa với nhau, đặc biệt khi đến một nơi ở mới có nhiều đồng bào khác cùng sinh sống, họ cũng thường tổ chức lễ này với quy mô rộng lớn hơn giữa làng này với làng khác, giữa đồng bào này với đồng bào kia. Bởi họ luôn mong rằng qua việc này sự gắn kết giữa các cá nhân, các cộng đồng sẽ bền chặt hơn, từ đó cùng nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi trong mọi hoàn cảnh, giúp nhau cùng phát triển và không làm điều xấu với nhau.

Ông Đinh Ply cho biết: "Kết nghĩa để thấy gần gũi hơn. Nghĩa là làng kết nghĩa với làng, nghĩa là minh sống với nhau gần nhau đi qua lại với nhau không còn vướng gì nữa giống như gia đình với nhau, mình có thể cùng nhau đi xin hạt muối, xin mới rau, xin quả chuối … sẽ không cảm thấy áy náy. Nếu mình không làm lễ kết nghĩa thì sẽ thấy ngại hơn. Minh làm lễ đó để chứng kiến cho tình cảm mình với nhau."

Thông thường người Ba Na tiến hành nghi lễ vào buổi sáng, đó là lúc tiết trời dịu mát, bầu trời trong xanh không khí trong lành. Từ xa, tiếng kèn, tiếng trống cùng cồng chiêng ngân vang chào đón người anh em đến với buôn làng, đến với anh em kết nghĩa.

Lễ Tơ Mon thắm tình đoàn kết của người Ba Na ở Gia Lai - ảnh 2 Người thân của hai gia đình chứng giám lễ kết nghĩa mời một ly rượu, một miếng thịt đáp lễ.

Để tổ chức buổi lễ Tơ Mon, ông Đinh Thiên, huyện Cơ Bang, tỉnh Gia Lai, cho biết: "Lễ vật có gà với heo. Trong lễ kết nghĩa bố con nuôi, người bố góp con heo, người con là con gà và chai rượu. Lễ kết nghĩa anh em cũng vậy. Kết nghĩa anh em thì phải đi cúng bên nhà anh, kết nghĩa bố con thì phải cúng bên nhà bố."

Khi thủ tục buổi lễ hoàn tất, những người kết nghĩa và già làng tiến vào nhà gia chủ chuẩn bị làm lễ. Trong không khí trang nghiêm ngồi giữa mâm lễ vật, già làng cầu khấn thần linh về chứng Khi lời khẩn cầu được các thần linh chấp thuận cũng là lúc hai người kết nghĩa cùng nhau uống ngụm rượu đầu tiên, sau đó đến già làng, bố mẹ hai bên, cuối cùng mới đến họ hàng, bạn bè cùng tất cả mọi người tham dự buổi lễ. Ông Đinh Ơn, huyện Cơ Bang, giải thích: "Uống đây là để thấy có người làm chứng. Ông thày cúng làm chứng luôn. Kết nghĩa đây gọi là kết nghĩa thật thà đến khi nào chết đi mất mới tàn, không bao giờ được bỏ quên nhau. Đã làm kết nghĩa với nhau phải sống với nhau như anh em ruột thịt."

Trong lễ kết nghĩa, người ta trao nhau những kỷ vật. Đó có thể là chiếc vòng tay, vòng cườm hay chiếc áo, cái khố. Già làng là người tiến hành trao kỷ vật cho hai người. Vừa trao, già làng vừa căn dặn những điều hay lẽ phải, căn dặn những việc nên làm và những việc tuyệt đối không được thực hiện trong mối quan hệ giữa hai người, nếu không thần linh sẽ trừng phạt.

Ông Đinh Thiên chia sẻ: "Với cái áo hay vòng tay, cái gương của anh là cho em. Cườm vòng tay của em là cho anh. Có mọi người làm chứng 2 anh em đeo cho nhau. Đó là cam kết 2 anh em không được bỏ nhau dù bất kể hoàn cảnh nào trừ khi chết mà thôi."

Bao đời nay, người Ba Na kết nghĩa anh em, cha con, mẹ con vì nhiều lý do. Lễ Tơ Mon mang đậm tính nhân văn, phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn, khó khăn cũng như chia sẻ những niềm vui gia đình và cộng đồng.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu