Hưn mạy - nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc Kháng ở Quỳnh Nhai

Tòng Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Tốp múa 8-10 người vừa múa, vừa gõ hưn mạy đi theo vòng tròn hoặc các động tác đi ngang dọc, làm không khí lễ hội thêm sôi động, thắt chặt thêm tình đoàn kết cộng đồng.

Đồng bào dân tộc Kháng ở huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, có trên 4.000 người, sinh sống chủ yếu ở các xã Chiềng Ơn, Mường Giàng, Cà Nàng, Chiềng Khay, Mường Giôn và tập trung nhiều nhất ở xã Chiềng Ơn của tỉnh Sơn La. Bà con hiện còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống là các Lễ hội, làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:  
Hưn mạy là nhạc cụ đặc trưng của đồng bào Kháng, dễ làm và hầu hết già trẻ, nam nữ người Kháng đều biết chơi loại nhạc cụ này. Nhạc cụ này được làm bằng ống nứa, khi sử dụng thì cầm gõ vào bàn tay và đi theo nhạc, nhịp trống chiêng, điệu hát, điệu múa, tạo nên những âm thanh vui nhộn.

Bà Lò Thị Phắư, người am hiểu về phong tục tập quán, văn hoá của dân tộc Kháng ở xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, cho biết: Trước đây theo tập quán, người Kháng thường ở nơi non cao, rừng sâu, ven sông, suối, cuộc sống chủ yếu dựa vào nương rẫy, tập quán sản xuất phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, nên cuộc sống của bà con rất vất vả. Vì thế, đồng bào Kháng biết thích nghi, biết tận dụng thiên nhiên, chế tác ra những nhạc cụ rất đặc trưng phù hợp với sinh hoạt văn hoá cộng đồng, trong đó phải kể đến “Hưn mạy”.

 Hưn mạy - nhạc cụ truyền thống  của đồng bào dân tộc Kháng ở Quỳnh Nhai - ảnh 1Hưn mạy - nhạc cụ truyền thống của đồng bào Kháng. Ảnh: VOV

Nhạc cụ này thường được làm bằng một đoạn cây nứa già, làm sao phải có một đầu để cầm, đầu kia được vót nhẵn thành 2 chạc để gõ vào lòng bàn tay. Để hưn mạy thêm đẹp mắt, nhiều bà con còn làm tua rua vải nhiều màu để buộc trang trí Hưn mạy: "Để làm hưn mạy, bà con sẽ vào rừng để chặt những cây nứa già, gióng thẳng, mang về hong trên gác bếp cho vàng ươm, mới đo cắt từng đoạn, mỗi đoạn nứa dài khoảng 40-60cm, một đầu để gõ được chẻ thành 2 chạc, thân ống nứa đục 2 lỗ cho tiếng hưn  vang."

Ngày xưa, tại các bản làng người Kháng, trai gái thường hay tụ tập múa hát tại sân chơi của bản.Vào những đêm trăng rằm, nam nữ thanh niên đánh hưn mạy, múa tăng bu. Hưn mạy được các cô gái cầm gõ vào bàn tay và đi theo nhạc, nhịp trống chiêng làm điệu hát, điệu múa của dân tộc càng vui tươi, làm họ đi những mệt nhọc sau một ngày lao động vất vả.

Sau mỗi đêm giao lưu, sinh hoạt văn hoá, văn nghệ như vậy, nhiều đôi trai gái cũng bén duyên, thương yêu nhau nhờ có lời ca, tiếng hát và chơi nhạc cụ hưn mạy dân tộc. Bà Lò Thị Phắư cho biết thêm: " Mùa đông, các nam nữ thanh niên sẽ nhóm lửa để vừa sưởi, vừa múa hưn mạy, múa điệu tăng bu. Sau khi hát múa đã thấm mệt thì mọi người sẽ ngồi xung quanh đống lửa mang rượu cần ra mời nhau uống bằng những lời hát, lời mời có cánh rất từ tốn, lắng đọng tình người.

 Hưn mạy - nhạc cụ truyền thống  của đồng bào dân tộc Kháng ở Quỳnh Nhai - ảnh 2Điệu múa hưn mạy (tốp nữ) và tăng bu (tốp nam) của dân tộc Kháng. Ảnh: VOV

Ngày nay, trong các ngày vui bản, vui mường của đồng bào Kháng hay các hội diễn văn nghệ quần chúng ở Quỳnh Nhai đều có tiết mục múa Hưn mạy, thu hút được nhiều người đến cổ vũ. Tốp múa 8-10 người vừa múa, vừa gõ hưn mạy đi theo vòng tròn hoặc các động tác đi ngang dọc, làm không khí lễ hội thêm sôi động, thắt chặt thêm tình đoàn kết cộng đồng.

Bà Điêu Thị Nhất, Trưởng phòng Văn hoá và Thông tin huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, cho biết: "Trong đặc sắc các làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc Kháng thì có điệu múa tăng bu, điệu múa hưn mạy. Việc bảo tồn, phát huy, phục dựng các lễ hội, các làn điệu dân ca, dân vũ và tập quán xã hội đang có nguy cơ mai một thì trong những năm qua cũng đã triển khai và quan tâm đến lĩnh vực này."

Theo thời gian, “Hưn mạy” được bà con người Kháng ở Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, luôn gìn giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cho đến ngày nay, nhạc cụ này vẫn không thể thiếu trong sinh hoạt văn hoá, văn nghệ cộng đồng của đồng bào dân tộc Kháng.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu