Độc đáo múa trống đôi của người Chăm H’roi

Chia sẻ

(VOV5) - Mỗi dịp lễ hội của buôn làng của dân tộc Chăm H’Roi ở huyện miền núi Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên không thể thiếu màn múa trống đôi độc đáo. Trong không khí tưng bừng của lễ hội, màn múa trống đôi với nhịp điệu cuốn hút và tiếng trống mang một tiết tấu, âm điệu riêng khiến cho ai cũng thấy chộn rộn và nhún nhẩy theo một cách tự nhiên.

(VOV5) - Ngôi nhà cộng đồng của người Chăm H’Roi đặt tại trung tâm xã Xuân Lãnh thỉnh thoảng lại rộn vang tiếng trống, tiếng cồng chiêng. Cứ rảnh việc nương rẫy, thanh niên nam nữ trong làng lại mời các nghệ nhân chơi các loại nhạc cụ đến để truyền dạy và cũng nhau thưởng thức lại màn đánh cồng, chiêng, múa trống đôi. Trong các loại nhạc cụ đó thì màn múa trống đôi bao giờ cũng sôi nổi bởi điệu thức của trống đôi là sự kết hợp tiết tấu đầy ngẫu hứng.

 

 Độc đáo múa trống đôi của người Chăm H’roi - ảnh 1


Nghe nội dung chi tiết tại đây:




Mỗi dịp lễ hội lớn của bà con trong buôn làng không thể thiếu màn múa trống đôi. Màn múa này là điểm nhấn thể hiện sự linh thiêng của người Chăm H’roi gửi tới các đấng thần linh. Ông Mang Nựu, trưởng thôn Hà Rai, cho biết: Màn múa  trống đôi đặc trưng là chơi trong dịp đâm trâu, lễ cưới, lễ mừng sức khỏe diễn ra vào tháng 3. Tiếng âm vang của tiếng trống là cầu an sức khỏe cho cả buôn làng.


Đôi nam nghệ nhân ra biểu diễn, mỗi người một trống mang vào vai và họ múa theo nhịp trống mà chính đôi tay của họ tạo ra tiết tấu thưa nhặt, dồn dập. Âm điệu ngẫu biến trầm bổng chồng lên nhau, biến hoá sắc màu gợi lên trong trí người nghe sự tưởng tượng những âm điệu róc rách của suối, bập bùng của lửa và mưa nguồn thác lũ của đại ngàn. Múa trống đôi còn có một ngữ điệu rất riêng là thông qua tiếng trống, điệu múa hai nghệ nhân biểu diễn có thể truyền cho nhau những ký hiệu biểu cảm như một cuộc giao tiếp, chuyện trò. Tiếng trống thay lời nói, điệu múa nói lên cách ứng xử, thích nhau thì âm điệu hai trống hoà quyện.  Do đó nghệ thuật múa trống đôi phải là một cặp hiểu ý của nhau mới giữ cho cuộc vui trọn vẹn. Nghệ nhân Oi Thứ cho biết: Trống đôi được sử dụng trong lễ xây cột là lễ hội đâm trâu, đánh từ đêm tới sáng luôn. Bởi vì cái này không phải chỉ đánh 2 người mà còn có người đánh thay thế, đôi này mệt có đôi khác thay thế, cứ thế họ đánh tới sáng luôn. Trong cuộc xây cột cho lễ hội đâm trâu thì đàn ông đánh trống cho mọi người nhảy, mọi người vui vẻ. Đàn ông đánh trống thì những người đàn bà mang rượu cho những người đàn ông múa trống đôi.

 

Cách biểu diễn của trống đôi cũng khác vì thế người ta không gọi là đánh trống mà là múa trống đôi. Biểu diễn trống đôi rất khó bởi đòi hỏi trí lực. Một cái trống nặng khoảng 4kg đeo trên người, đôi tay thường xuyên vừa múa và đập vào thành, mặt trống để tạo nên âm thành bùm bụp, chan chát thì đòi hỏi một người phải có sức khỏe. Vì vậy phải là người có đủ sức khỏe, khéo léo, thẩm âm tốt mới có thể múa trống đôi giỏi. Thanh niên ở xã Xuân Lãnh hầu như đều chơi được trống nhưng để đạt đến trình độ nhuần nhuyễn như nghệ nhân Oi Thứ thì chưa phải là nhiều. Anh Na Xuân Ninh ở thôn Hà Rai cho hay: Lúc 15 tuổi, tôi học 3 năm mới hiểu được hết nhạc cụ của dân tộc mình, tôi biết chơi chiêng 5, cồng 3 và trống đôi. Riếng trống đôi còn phải học hỏi thêm, học múa trống đôi rất khó, giữa 2 người đánh cùng nhịp khó lắm nên cần phải học hỏi thêm. Học trống đôi được 1,5 năm rồi nhưng chưa trưởng thành lắm. Bản thân em thấy phải bảo tồn văn hóa của ông cha để lại.

 

Để học múa trống đôi đã khó việc làm được trống đôi lại không đơn giản chút nào. Người làm trống đôi ở Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, Phú Yên giờ chỉ còn 2 người, trong đó có nghệ nhân Oi Thứ. Hình thức của trống không thay đổi mà vẫn giữ nguyên như trước. Cặp trống đôi gọi là Chi gưl có đường kính 27cm, chiều cao 40cm. Để đáp ứng được kích thước này việc tìm gỗ để làm trống cũng là một thử thách: Thân trống làm cây nguyên khối, ruột rỗng còn loại cây gì cũng được. Mặt trống được bọc bằng da bò hoặc là da  ngựa vì da đó mỏng, còn da dầy đánh không vang được. Da mang về ngâm nước trong 1 đêm. Khi làm 2 mặt trống âm thanh vang lên khác nhau, đánh một bên âm vang lên dịu một bên là âm thanh cao.

         

Tiếng trống vang lên hòa quyện với tiếng chiêng, tiếng cồng xướng lên khúc biến tấu nhịp nhàng, vừa pha trộn sự hào hùng, làng mạn cuốn hút thanh niên nam nữ hòa chung vào màn múa sôi động. Ai đã một lần được hòa mình vào không khí lễ hội của người Chăm H’Roi không thể quên được âm thanh rộn ràng của trống và sự khéo léo của người múa trống./.

 

                                                                                                                                              Lan Anh

     

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu