Tri thức Việt ở nước ngoài luôn đau đáu với quê hương

Chia sẻ
“Nếu chúng ta có môi trường, điều kiện tiếp nhận tri thức trẻ về tham gia giảng dạy, làm việc thì nhất định sẽ đẩy đất nước tiến lên”.

“Nếu chúng ta có môi trường, điều kiện tiếp nhận tri thức trẻ về tham gia giảng dạy, làm việc thì nhất định sẽ đẩy đất nước tiến lên”.

Vượt lên trên mức lương cao hay nhiều yếu tố khác, thì một “môi trường làm việc  tốt” là điều kiện hàng đầu mà các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài mong muốn để họ có thể trở về giảng dạy, làm việc tại quê hương. Đó là lời khẳng định của GS. Dương Nguyên Vũ, một trong những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực hệ thống công nghệ thông tin hàng không, hiện là cố vấn cấp cao kiêm Chủ tịch hội đồng khoa học tại Trung tâm nghiên cứu về không lưu của châu Âu – Eurocontrol.

Với tâm huyết muốn giúp đưa nguồn tri thức Việt quay về đóng góp cho đất nước đồng thời thúc đẩy đào tạo nhân tài cho Việt Nam với tầm nhìn chiến lược dài hạn, ông đã từ bỏ nhiều công việc danh giá tại Pháp để dồn thời gian về Việt Nam ở Viện đào tạo tiên tiến John Von Neumann, trong Trường đại học Quốc gia TP HCM. Đặc biệt, chỉ trong vòng 2 năm, Viện John Von Neumann đã thu hút được hàng chục nhân tài hàng đầu của Việt Namở nước ngoài về nước giảng dạy, trong đó có các GS. Ngô Bảo Châu, GS. Vũ Hà Văn …  

Tri thức Việt ở nước ngoài luôn đau đáu với quê hương  - ảnh 1
GS. Dương Nguyên Vũ


PV Đài TNVN thường trú tại Pháp phỏng vấn GS. Dương Nguyên Vũ.

PV : Thưa ông, ông có cho rằng chúng ta đã có phần lãng quên nhân tài của Việt Nam ở nhiều nơi trên thế giới?

GS. Dương Nguyên Vũ: Theo tôi, không phải mình lãng quên mà thường những người được thành công nào đó, sẽ được để ý nhiều hơn. Tôi nghĩ không phải ở Việt Nam mình, Mỹ, Anh, Pháp cũng vậy thôi; rất nhiều người giỏi ở Pháp ít ai biết đến cho đến khi họ được cái giải nào đó. Và đó là những người con đất Việt khi họ thành công thì đó cũng là niềm tự hào chung của đất nước.

Còn việc đưa những người giỏi đó về làm việc tại quê hương đất nước thì đòi hỏi những yếu tố khác, trước hết là môi trường làm việc. Năm 2008, tôi có làm một bài khảo sát với khoảng hơn 500 nhà khoa học trẻ của Việt Nam ở khắp nơi ngoài Việt Nam. Một trong những câu hỏi là những điều kiện nào để các bạn về nước tham dự, thì 87% nói là phải có môi trường làm việc tốt; khoảng 78% đòi hỏi phải có những hướng phát triển nghề nghiệp tốt, sau đó mới là các yêu cầu về lương, về cuộc sống, về cơ chế …

PV: Cụ thể theo ông một môi trường làm việc tốt cần phải có là gì?

GS. Dương Nguyên Vũ: Môi trường gồm 3 yếu tố, thứ nhất là cơ sở vật chất giúp người ta có thể làm việc thoải mái, có một không khí khoa học. Thứ hai là những đồng nghiệp xung quanh, một không khí làm việc khoa học, nói như anh Vũ Hà Văn, thì anh nói là tôi làm việc rất thoải mái, xung quanh tôi là những nhà toán học tài ba, tôi có thể thảo luận từ ngày này sang ngày khác với một đề tài đó. Điểm thứ ba là về mặt cơ chế, không bị ràng buộc, tạo cho những người làm khoa học tư duy thoải mái, phóng khoáng về khoa học, không bị ràng buộc rằng mình phải làm thế nào, phải ra kết quả thế nào, vấn đề tài chính ra sao…

PV: Theo ông được biết và qua quá trình làm việc với Viện đào tạo chất lượng cao John Von Neumann của ông, thì liệu Việt Nam đã có môi trường đủ hay chưa?

GS. Dương Nguyên Vũ: Xin cảm ơn câu hỏi này, vì đây là câu hỏi rất tâm  huyết với các nhà khoa học. Hiện nay còn rất ít môi trường đủ đạt yêu cầu như mình muốn. Ngoài viện toán cao cấp do anh Ngô Bảo Châu trong ban lãnh đạo, trong TP HCM có Viện John Von Neumann, chúng tôi đang cố gắng tạo điều kiện đưa anh em về. Hiện nay nhiều trường đại học có sự chuyển mình, với sự hỗ trợ của bộ giáo dục đào tạo, các trường đang xin phép có cơ chế tự chủ tài chính.

Một ví dụ cụ thể là theo khảo sát của chúng tôi năm 2008, nếu Việt Nam trả được mức lương 1.200 USD một tháng là mình có thể thu hút 60% nhân tài của mình ở nước ngoài. Mức lương này không thấm vào đâu so với mức lương của họ ở bên này, nhưng ở Việt Nam trả được như vậy là cơ chế đặc biệt. Và nếu được tự chủ tài chính thì các trường đại học sẽ làm được môi trường để thu hút nhân tài về.

Theo tôi, thu hút nhân tài về không phải 100%. Ví dụ như anh Ngô Bảo Châu một năm anh về hai, ba tháng, nhưng khi anh ở bên Chicago thì cái đầu anh vẫn làm việc bên Việt Nam. Mỗi năm về 1 - 2 lần cũng được, tham gia một vài đề tài nghiên cứu hoặc những công việc cần kiến thức của các bạn.

PV: Để nói ngắn gọn với các trí thức trẻ Việt Nam ở nước ngoài, ông sẽ gửi đến họ một thông điệp như thế nào?

GS. Dương Nguyên Vũ: Mình là người trí thức thì làm sao để cuộc sống của mình có ý nghĩa, về làm việc với Việt Nam, đóng góp tham gia trong công cuộc xây dựng đất nước, thấy đất nước phát triển thì cuộc sống của mình có ý nghĩa vô cùng. Về thì sẽ gặp khó khăn nhưng phải kiên nhẫn, không được quay lưng, phải chung tay giải quyết khó khăn, chia sẻ với mọi người.

Tôi muốn nói rằng, trí thức Việt Nam ở nước ngoài, dù ở đâu, họ lúc nào cũng đau đáu về quê hương thôi. Nếu mình có môi trường, có điều kiện tiếp nhận họ để các bạn trẻ về tham gia giảng dạy, làm việc ở Việt Nam thì lực đó sẽ đẩy đất nước đi lên. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng, nước Việt Nam mình sẽ tiến rất xa với sự đóng góp đó.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Thùy Vân/VOV-Paris

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu