Tình nguyện trên quê hương

Kim Lan
Chia sẻ

(VOV5) - Trở về quê hương nghỉ hè, những du học sinh Việt Nam tự lập cho mình một kế hoạch riêng. Tham gia các hoạt động tình nguyện là lựa chọn của rất nhiều bạn trẻ. Với Phan Long, du học sinh tại Mỹ cũng vậy. Niềm vui của Long là được làm  “ tình nguyện ngay trên quê hương mình”

Tình nguyện  trên quê hương  - ảnh 1

(VOV5) - Trở về quê hương nghỉ hè, những du học sinh Việt Nam tự lập cho mình một kế hoạch riêng. Tham gia các hoạt động tình nguyện là lựa chọn của rất nhiều bạn trẻ. Với Phan Long, du học sinh tại Mỹ cũng vậy. Niềm vui của Long là được làm  “ tình nguyện ngay trên quê hương mình”. Bấm vào đây nghe âm thanh bài viết:

Sang Mỹ theo chương trình giao lưu văn hóa  một năm và sau đó, học đại học, 3 năm xa quê hương, gia đình, với Phan Long không phải là nhiều. Nhưng mỗi lần trở về nước dịp hè lại cho cậu những cảm giác đặc biệt: ban đầu là sự bỡ ngỡ,  lạ lẫm rồi dần dần, quen dần với cuộc sống ở nhà. Học tại một trường đại học ở Mỹ có hơn một ngàn sinh viên, trong đó một mình là người Việt Nam, thời gian đầu, Long cũng gặp khó khăn để bắt nhịp với cuộc sống ở nơi xa xứ. Long tâm sự: “ Làm quen với cuộc sống ban đầu cũng khó khăn, nhớ nhà, môi trường mới, bạn mới, tiếng Anh chưa tốt, sau cũng quen dần. Suốt một năm hầu như không nói tiếng Việt chỉ email, gọi điện cho bố mẹ nhưng đều đó cũng không đáng lo vì tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ. Dù vậy, khi về nước, ban đầu, rất khó khăn khi diễn đạt suy nghĩ của mình, vài tuần thì bắt đầu quen”.

Cứ sau mỗi năm trở  về quê hương, trong mắt cậu, đất nước nhiều đổi thay, phố xá đông hơn, người nhiều hơn và con người cũng tất bật hơn. Có lẽ vậy mà Phan Long muốn được rời xa sự nhộn nhịp của phố phường Hà Nội để tới với những vùng, miền xa hơn, để được tận mắt chứng kiến thêm những điều mới mẻ về cuộc sống, những gì trước đây Long chưa từng thấy. Đi xa tạo thêm niềm vui trong những tháng về hè.  Và Phan Long quyết định lựa chọn hoạt động tình nguyện: lúc thì đi xây nhà tình thương cho Tổ chức hỗ trợ gia cư hoặc chỗ ở cho nhân loại, khi thì cùng bạn bè tham gia trồng cây hoặc làm phiên dịch viên. Long kể: “ Gần đây nhất có làm cho habitat của Việt Nam xây nhà tình nguyện ở Thái Bình. Năm ngoái cũng đi thăm trại trẻ mồ côi. Mỗi lần đi xây nhà  một nhóm khoảng 10 người. Thăm trại trẻ khoảng 4 người. Rồi đi tình nguyện ở Trường Sa với các bạn. Nhóm có rất nhiều người,  mỗi người tình nguyện do một tổ chức chịu trách nhiệm: người thì habitat chịu trách nhiệm, người thì UNICEF chịu trách nhiệm”

Từ những người nước ngoài đầu tiên thành lập nên Nhóm tình nguyện, tới nay, nhóm tình nguyện có tới 200 người, hầu hết là du học sinh và cả học sinh nước ngoài. Họ chia nhóm theo như bản đăng ký ban đầu: người thì đi thăm, tặng quà trẻ em mồ côi, người thì đi xây nhà tình thương  cho người nghèo… Nhóm ngày càng mở rộng thông qua hình thức quảng cáo bằng tờ rơi hoặc tuyên truyền để  người này biết lôi kéo người khác tham gia. Đi tình nguyện vừa vui, lại vừa giúp được mọi người, đó là ý nghĩa lớn lao và thiết thực nhất mà Long nhìn thấy để đăng ký tham gia: “ Em không nghĩ xa xôi lắm là làm giúp đất nước phát triển mà hoạt động theo phong trào thôi, tham gia cho vui, đi với các bạn nhiều nước được giao lưu, nhưng cũng phần nào cũng giúp đỡ được cho người nghèo. Cũng tích lũy được nhiều kinh nghiệm”.

Ra nước ngoài học tập đã giúp Phan Long tự tin, bản lĩnh hơn.  Những tố chất đó cậu đã mang về Việt Nam theo suốt những chuyến hành trình tình nguyện. Những điều gì trước kia cậu đã được nhìn thấy, nghe thấy qua truyền hình, qua mạng, giờ đây, cậu phần nào được nhìn thấy, tận mắt chứng kiến trong mỗi chuyến đi, để có những trải nghiệm thú vị. Đó cũng là lý do thôi thúc Phan Long cũng như nhiều bạn trẻ khác mong muốn được đi, mong muốn được cống hiến sức mình ngay trên mảnh đất quê hương.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu