Thanh niên, sinh viên kiều bào tri ân các anh hùng liệt sĩ

Trần Tuấn
Chia sẻ
(VOV5) - Đây là một trong những hoạt động mang nhiều ý nghĩa trong hành trình về nguồn của các kiều bào trẻ.

Trở về quê hương trong những ngày tháng 7 - tháng tri ân với nhiều hoạt động hướng về Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/07, 155 đại biểu tham dự Trại hè Việt Nam 2019 là thanh niên, sinh viên kiều bào từ 29 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã tích cực tham gia nhiều hoạt động tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ. 

Thanh niên, sinh viên kiều bào tri ân các anh hùng liệt sĩ - ảnh 1

Giữa cái nắng chiều tháng 7, trong không khí trầm mặc linh thiêng, các bạn trẻ lặng lẽ đến bên những ngôi mộ trắng nằm trải dài trên những quả đồi, thắp nén hương và đọc những dòng thông tin ngắn ngủi được khắc trên những tấm bia mộ mà trong lòng không khỏi bùi ngùi. Sinh ra trong thời bình, các bạn trẻ kiều bào không có ký ức về chiến tranh mà chỉ cảm nhận về sự hi sinh mất mát của thế hệ cha anh qua lăng kính của những chứng tích lịch sử, nhân chứng chiến tranh hay qua những thước phim quá đỗi hào hùng của dân tộc.

Thanh niên, sinh viên kiều bào tri ân các anh hùng liệt sĩ - ảnh 2Các bạn kiều bào trẻ dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ 

Phần lớn những liệt sĩ tại đây, đã chết khi mới bước vào tuổi mười tám, đôi mươi như: Liệt sĩ Dương Văn Tuyên, quê quán Thái Nguyên, sinh năm 1949 mất năm 1967; Liệt sĩ Vương Thị Thức, quê quán Nam Định, sinh năm 1955 mất năm 1972... Họ là những anh bộ đội, những cô thanh niên xung phong đã chia tay gia đình, người thân lên đường ra trận theo tiếng gọi thiên liêng của Tổ quốc khi tuổi đời còn rất trẻ. Nhưng khi kết thúc chiến tranh, họ không quay trở về nhà mà yên nghỉ lại nơi này – Mái nhà chung của các anh hùng liệt sĩ.

Thanh niên, sinh viên kiều bào tri ân các anh hùng liệt sĩ - ảnh 3Thắp hương cho các liệt sĩ tại nghĩa trang Trường Sơn 

Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn có tổng diện tích 140.000 m2, là nơi yên nghỉ của hơn 10.000 anh hùng liệt sĩ, được chia thành 10 khu vực theo địa phương nơi các liệt sĩ sinh ra và một khu dành cho 68 liệt sĩ khuyết danh, đã anh dũng chiến đấu suốt 16 năm chống Mỹ cứu nước (1959 - 1975), trên tuyến lửa con đường Trường Sơn – còn gọi là đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại.  Bùi Hoàng Thăng, 19 tuổi, đến từ Canada đã không giấu nổi giọt nước mắt khi thắp nén nhang lên những mộ phần khuyết danh: "Em cảm thấy buồn vì ở đây có quá nhiều liệt sĩ đã hy sinh vì đất nước, trong đó có nhiều anh hùng liệt sĩ đến nay vẫn khuyết danh, khi hy sinh đến lúc tìm thấy thì cũng không rõ thông tin, yên nghỉ ở đây thôi nhưng mà không biết có ai đến thăm hay không, điều đó làm cho em cảm thấy rất buồn. Em cũng cảm thấy rất là biết ơn những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh rất nhiều cho tổ quốc để bảo vệ nền độc lập. Để đáp ơn các anh hùng liệt sĩ, em cảm thấy mình nên cố gắng học tập hơn để bù lại những gì mà các thế hệ cha anh đi trước đã hy sinh để đổi lấy thanh bình, không còn chiến tranh. Chính vì vậy, em muốn học tập thật tốt để mà duy trì sự thanh bình ấy mãi mãi về sau.”

Thanh niên, sinh viên kiều bào tri ân các anh hùng liệt sĩ - ảnh 4Vũ Taisa Tố Vân bên mộ ông nội của mình 

Cách đó không xa, tại khu mộ các liệt sĩ Hải Phòng, Vũ Taisa Tố Vân cô gái có mái tóc đen, đôi mắt xanh, mang hai dòng máu Việt Nam và Ukraina, đang chăm chú lau chùi những mảng rêu phong bám trên phần mộ của ông nội. Hành trang trở về nước mang theo lần này còn là ký ức về người ông của mình – Liệt sĩ Vũ Quang Bình, quê quán Kiến Thụy, Hải Phòng, hy sinh năm 1973 trong kháng chiến chống Mỹ và lời căn dặn của cha là hãy dâng 1 nén nhang lên mộ phần của ông nội. Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn chính là nơi hội ngộ của hai ông cháu sau gần nửa thế kỷ đất nước hòa bình, thống nhất.  Vũ Taisa Tố Vân chia sẻ: “Ông tôi đã từng tham gia chiến đấu trong kháng chiến chống Mỹ, ông là một người dũng cảm và sáng suốt. Ông đã hy sinh trong cuộc chiến. Trước khi về nước, cha tôi có căn dặn là nhất định phải đến đây, vì đây là nơi rất quan trọng với gia đình tôi, tôi rất tự hào về điều này.”

Tham gia hoạt động tri ân giúp các bạn trẻ sinh viên kiều bào hiểu rằng: Việt Nam là đất nước yêu chuộng hòa bình, đất nước anh dũng kiên cường và thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay luôn mong muốn được cống hiến, học tập thật tốt để bảo vệ, giữ gìn hòa bình, độc lập của Tổ quốc. Bạn Lê Hải Ngọc đến từ Cadacxtan và bạn Đặng Khánh Chi đến từ Ba Lan rất xúc động trước hàng ngàn ngôi mộ liệt sĩ và được nghe những câu chuyện mà các hướng dẫn viên kể, từ đó em cảm thấy mình rất may mắn khi được sống trong hòa bình ngày hôm nay. Em mong muốn được hiểu biết về Việt Nam nhiều hơn, để được cống hiến cho quê hương tổ quốc mình chứ không chỉ ở bên Cadacxtan.

Thanh niên, sinh viên kiều bào tri ân các anh hùng liệt sĩ - ảnh 5Các bạn trẻ kiều bào tặng qua cho đại diện gia đình thương binh liệt sĩ 

Hoạt động dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ luôn là một trong những điểm nhấn của chương trình Trại hè Việt Nam trong suốt 16 năm qua, đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Quốc Cường. Ông cho biết: Quê hương tổ quốc Việt Nam có được đến ngày hôm nay, giang sơn liền một mối thì chúng ta không thể không nhớ đến những công ơn, những hy sinh của cha ông chúng ta để lại. Ông cho rằng những hoạt động hết sức có ý nghĩa như thế này, có lẽ là những kỷ niệm khó có thể quên được trong đời các cháu sinh ra và lớn lên có thể là ở Việt Nam cũng có thể là ở nước ngoài được đến nghĩa trang Trường Sơn ngày hôm nay. Qua đó cũng khơi dậy tinh thần yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc trong mỗi cháu đang sinh sống ở xa tổ quốc.

Nhân dịp này, để tỏ lòng tri ân với những người đã hy sinh xương máu cho sự nghiệp bảo vệ tổ quốc, nhiều phần quà ý nghĩa cũng đã được các bạn trẻ kiều bào trao tặng cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng; gia đình thương binh liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn ở tỉnh hai Hà Tĩnh và tỉnh Quảng Trị.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu