Tết Việt trong lòng người xa xứ

Hân My
Chia sẻ
(VOV5) - Vì thế, cho dù sống xa quê hương, người Việt vẫn luôn ý thức gìn giữ văn hóa dân tộc, duy trì những nét đẹp của Tết Việt.

 

 

Với mỗi người Việt Nam, Tết cổ truyền là ngày lễ quan trọng và thiêng liêng. Vì thế, cho dù sống xa quê hương, người Việt vẫn luôn ý thức gìn giữ văn hóa dân tộc, duy trì những nét đẹp của Tết Việt. Ghi chép của Hân My: Tết Việt trong lòng người Việt xa xứ

Gặp cô sinh viên Trần Thị Minh Ngọc, khi vừa từ Australia trở về nhà vào dịp Tết cổ truyền, niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt. Cảm xúc đong đầy vì đã lâu, cô chưa về thăm gia đình. Được ở nhà vào đúng ngày lễ, Ngọc rất vui vì không khí Tết ở Việt Nam, luôn khác ở nước ngoài:Cảm xúc rất vui vì lâu xa nhà chưa về thăm gia dình. Em ăn  Tết ở bên Úc rồi. Khu chợ người Việt, người tàu vẫn có hoạt động múa Lân. Nhưng mà ở VN thì bản thân quen văn hóa người Việt ở đây hơn nên thấy sẽ phù hợp hơn”.

Tết Việt trong lòng người xa xứ - ảnh 1 Mâm cơm cúng Tết của một gia đình người Việt tại Mỹ

Khó có thể diễn tả sự khác biệt, chỉ biết rằng, Tết cổ truyền của người Việt luôn tạo cho mỗi người cảm nhận được  sự gắn bó, đầm ấm, thân thiết bởi không khí của gia đình. Vì thế, khi không có điều kiện trở về quê hương dịp Tết đến, xuân về, người Việt lại tổ chức họp mặt cùng nhau vào phút giao thừa. Cũng qua đó, văn hóa Tết của người Việt sẽ được  giới thiệu cho bạn bè ở nước ngoài. Minh Hạnh, một bạn trẻ người Việt tại Pháp thường xuyên đón Tết cổ truyền ở nước bạn tâm sự:“Tết không về được vì không rơi lịch nghỉ của Pháp. Nhưng các bạn cũng thường tổ chức. Tới giao thừa tập hợp nhau lại, nhiều khi chỉ để trải qua giây phút giao thừa cùng nhau để có cam giác có tình thân. Rồi tổ chức gói bánh chưng. Ở VN Tết gia đình, bên kia ý nghĩa khác, mang hình ảnh VN cho bạn bè thế giới”.

Cũng bởi ý nghĩa Tết là đoàn viên, sum vầy nên người Việt sống xa quê luôn muốn cùng nhau tụ họp, gặp mặt vào thời điểm chuẩn bị bước sang năm mới. Không chỉ có vậy, người Việt còn tổ chức gói bánh chưng để cảm nhận được nét văn hóa qua ẩm thực ngày  Tết.  Chị Tú Anh, từng học tiến sĩ tại Hà Lan kể về những năm tháng đón Tết xa nhà như thế này: “Ngày tết cổ truyền của sứ quán thì các tỉnh đều về. Ngày này,  nhóm ở Amstecdam tổ chức thì mọi người cũng về. Gói bánh chưng các nhóm VN tự tổ chức, làm bánh, gói bánh, luộc bánh chưng. Lười thì có 1 số bạn đứng ra gói luộc và mọi người đặt bánh. Còn buổi do sứ quán Tổ chức thì mọi người rất đông và thích đến buổi đấy vì cảm thấy có không khí truyền thống”.

Tết Việt trong lòng người xa xứ - ảnh 2 Hội chợ Tết ở TP Bankstown, Australia. Ảnh: dantri.com.vn

Không khí truyền thống của Tết Việt chính là ở sự quây quần bên  bánh chưng xanh, thưởng thức những món ăn truyền thống của người Việt dịp Tết, cùng kể những kỷ niệm ở quê nhà, hay nghe những bài hát ca ngợi về đất nước. Không chỉ ý thức được việc gìn giữ văn hóa qua lễ, tết mà mỗi người Việt ở nước ngoài còn mong muốn truyền được tình yêu này cho các thế hệ sau. Chị Thu Hà, mặc dù lấy chồng người Italia, nhưng chị vẫn luôn gìn giữ phong tục của dân tộc trong gia đình, nhất là văn hóa Tết:Ngày lễ tết ngày đặc biệt, tôi thường xuyên nhắc nhở các cháu gọi điện về để thăm hỏi gia đình ở VN để các cháu hiểu được rằng, ở VN ý nghĩa và quan hệ gia đình quan trọng, quan tâm đến nhau. Tết Nguyên Đán tôi cố gắng đưa các cháu đến tham gia Têt cộng đồng người Việt tại Ý, các cháu nghe bài hát,  nghe nói chuyện thì hiểu được khái quát rằng, đối với người Việt, lễ  Tết rất quan trọng”.

Chính nhờ sự giáo dục của những ông bố, bà mẹ người Việt đã giúp cho những đứa trẻ dù sinh ra và lớn lên ở nước ngoài vẫn hiểu được giá trị của văn hóa Việt Nam, hiểu và trân trọng ý nghĩa Tết cổ truyền dân tộc. Từ đó các bạn có ý thức tìm về với cội nguồn. Lương Nhật Linh, một bạn trẻ người Việt sinh ra và lớn lên tại Ucraina đã tâm sự trong lần trở về thăm quê hương:“Mẹ em người Việt nên nấu ăn cũng người Việt, cỗ cũng đủ gà nem, không quên được văn hóa Việt.  Tết dương có nhà hàng dành cho người Việt thì mọi người đến ăn với nhau. Tết âm thì các nhà đi chúc Tết, mừng tuổi các cháu bé”.

Đón Tết Việt ở nước ngoài, cho dù nhiều nơi không có hoa đào, hoa mai, nhưng người Việt vẫn cảm nhận sự hòa quyện vào thời khắc thiêng liêng của đất nước. Bánh chưng xanh, mứt tết, những món ăn truyền thống, những lời ca, tiếng hát được cất lên ở nơi xa, cũng giúp cho mỗi người Việt cảm thấy không khí Tết ngay tại quê nhà. Bởi vì trong tâm thức của mỗi người con đất Việt, luôn có mùa xuân của dân tộc.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu