Nhà thơ Du Tử Lê qua đời

Hà Thu/vnexpress.net
Chia sẻ
(VOV5) - Du Tử Lê - tác giả bài thơ "Khúc Thụy Du" - mất ở tuổi 77, lúc 20h ngày 7/10 ở thành phố Garden Grove, California. 

Bà Trần Lê Diệp Khanh - em vợ nhà thơ Du Tử Lê - cho biết ông qua đời tại nhà riêng. Trước khi mất, ông mắc bệnh ung thư tá tràng, phổi. Nhiều năm nay, nhà thơ định cư ở Mỹ cùng vợ, con. 

Lần gần nhất Du Tử Lê về nước giao lưu độc giả là năm 2014. Lúc đó, ông ra mắt tập thơ:  Giỏ hoa thời mới lớn do LiênViệtBooks xuất bản, kèm tranh minh họa do Lê Thiết Cương vẽ.

Du Tử Lê tên thật là Lê Cự Phách, sinh năm 1942 tại Kim Bảng, Hà Nam. Ông học Đại học Văn khoa Sài Gòn (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM), tu nghiệp báo chí tại Indianapolis, Indiana, Mỹ.

Nhà thơ Du Tử Lê qua đời - ảnh 1

Nhà thơ Du Tử Lê. - Ảnh:Nguyễn Đình Toán.

Sinh thời, Du Tử Lê có hơn 300 bài thơ được phổ nhạc giúp ông trở thành một trong những nhà thơ có sáng tác được phổ nhạc nhiều nhất và được nhiều thế hệ khán giả, độc giả yêu thích. Ông từng có tác phẩm đăng trên Los Angeles Times (1983) và New York Times (1994). Thơ của ông được chọn dịch và phê bình trong cuốn Understanding Vietnam của giáo sư Neil L. Jamieson. Cuốn này được dùng để làm tài liệu giảng dạy tại nhiều đại học ở Mỹ và châu Âu. Ông cũng là một trong hai nhà thơ Việt Nam có thơ dịch và phê bình trong cuốn La Rage D'Etre Vietnamien của tác giả Jean Claude Pomonti (Nhà xuất bản Seuil de Paris, 1975).

Du Tử Lê còn là một trong sáu nhà thơ Việt Nam thuộc thế kỷ 20 có thơ được chọn in trong Tuyển tập thi ca thế giới - từ thời Thượng cổ đến hiện tại (World Poetry - An Anthology of Verse From Antiquity to Our Present Time, NXB W.W. Norton, New York, Mỹ, tái bản 1998). Ông cũng có một số thơ, văn được chọn để giảng dạy tại vài đại học ở Mỹ và châu Âu từ năm 1981.

Ông đã xuất bản 58 tác phẩm, như: Thơ Du Tử Lê (1964), Tình khúc Tháng mười một (1965), Tay gõ cửa đời (1967), Thơ Du tử Lê (1967-1972), Đời mãi ở Phương Đông (1974), Thơ tình Du Tử Lê (1996), Ở chỗ nhân gian không thể hiểu (1985-1989), Đi với về cũng một nghĩa như nhau (1992), Chấm dứt luân hồi em bước ra (1993), Biệt khúc (2013)...

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu