Người Việt ở Nga đón Xuân Quý Tỵ

Nguyễn Huy Hoàng
Chia sẻ
(VOV5) - Không khí sôi động của những ngày làm ăn cuối năm dường như lắng lại. Gần một trăm ngàn người Việt phấp phóng, háo hức đón chờ Tết Tân Tỵ trong cái giá lạnh chưa từng có ở nước Nga sau hơn năm thập kỷ qua.

(VOV5) - Không khí sôi động của những ngày làm ăn cuối năm dường như lắng lại. Gần một trăm ngàn người Việt phấp phóng, háo hức đón chờ Tết Tân Tỵ trong cái giá lạnh chưa từng có ở nước Nga sau hơn năm thập kỷ qua.

Người Việt xem người Nga đón năm mới 

Không ít người Việt Nam đã có mặt tại nước Nga ngót một phần ba thế kỷ, đã chứng kiến không ít cơn dâu bể, đã gắn bó với cuộc sống Nga phần lớn cuộc đời. Thế nhưng, bao năm qua họ dường như không ăn nhập với năm mới của Nga. Khi những người dân Nga đầu tháng 12 đã háo hức với không khí chuyển mùa, lo tất bật mua sắm, lo trang hoàng thành phố, chuẩn bị những kế hoạch đón năm mới, thì người Việt vẫn có vẻ... dửng dưng như không. Hàng chục ngàn người Việt vẫn mải mê kinh doanh buôn bán, vẫn ngày ngày có mặt trên các sạp hàng, vẫn lầm lũi trong các xưởng thợ hay trên công trường lạnh giá.

Người Việt ở Nga đón Xuân Quý Tỵ - ảnh 1
Cây thông Năm mới ở chợ Liublino (Ảnh: internet)

Cái không khí rét buốt, tuyết bay phơ phất, hình ảnh những cây thông cao vút dựng lên tại các quảng trường, hình ảnh Bà chúa Tuyết, Ông già Tuyết chỉ làm xao động trái tim của thế hệ thứ ba, những đứa trẻ sinh ra ở nước Nga, chứ đối với những người gốc Việt thứ thiệt, thì những thứ đó làm sao thay thế được hình ảnh ngọn gió heo may, bếp lửa hồng, nồi bánh chưng xanh và cành đào, bồn quất!

Năm nay, người Nga đón năm mới hoành tráng hơn nhiều so với những năm trước. Theo lời Chủ nhiệm Ủy ban du lịch và khách sạn của chính quyền Mat-xcơ-va, ông Sergei Shpilko, không ít người Mat-xcơ-va muốn đón năm mới tại khách sạn, đa phần chỗ trong các khách sạn sang trọng hầu như đã được đặt trước.

Năm nay, chính quyền Mat-xcơ-va tổ chức chương trình đón năm mới rất đa dạng, phong phú. Sự kiện chính là festival năm mới được kéo dài đến ngày 8 tháng giêng. Có khoảng 5 triệu người tham gia vào lễ hội và trong đêm giao thừa, tại Mat-xcơ-va có hơn 30 nghìn nhân viên cảnh sát và quân nhân được huy động để giữ gìn an ninh công cộng.

Năm nay có khoảng 2 triệu cây thông năm mới được vận chuyển đến thủ đô Mat-xcơ-va.  Đêm giao thừa, khắp các công viên Thủ đô, khắp mọi thành phố, làng quê của Nga, pháo nổ rực trời, kéo dài từ đầu đêm đến sáng. Theo thống kê sơ bộ, trong dịp năm mới, người Nga đã đốt không dưới 970 triệu đô la tiền pháo của Trung Hoa!

Thế nhưng người Việt chủ yếu lên các khu đồi, ra công viên, bãi sông để ngắm, chứ gần như không tham dự như là một người trong cuộc vào lễ hội năm mới của họ. Thế mới hiểu được sức sống của truyền thống dân tộc nó bền bỉ và thấm sâu biết nhường nào trong tâm khảm của người Việt.

Và chỉ cần đến rằm tháng Chạp, khi trong các khu chợ người Việt xuất hiện phơ phất tập lá dong xanh chở từ Hà Nội sang; ở các quấy tạp phẩm đã bày đặt những tập hoa đào giả, những bộ cá bằng giấy trang kim cho ngày ông táo chầu giời, thì trong mạch máu của người Việt đã dâng lên nỗi niềm nhớ nhà, nhớ Tết.

Sân bay ngày giáp Tết

Tính từ năm 1981, khi có hơn hai trăm ngàn người Việt sang Nga theo con đường hợp tác lao động, sân bay Seremetievo2 là cảng hàng không duy nhất đón đưa người Việt. Suốt 25 năm, từ 1981 - 2004, mỗi tuần chỉ có hai chuyến sang và hai chuyến về. May thay, từ mùa đông năm 2005, khi máy bay không ngừng tăng chuyến, các thành phố xa đều có đường bay thẳng về Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cam Ranh. Dân các thành phố Vladivostok, Ekaterinburg, Chelyabinxk đã không còn phải lên Thủ đô để nối chuyến nữa, mà bay một mạch về tận cố quốc.

Nhưng không phải vì thế mà hai sân bay Seremetievo và Đomodedovo không còn nóng bỏng vào những ngày giáp Tết. Mặc dù hai hãng Aeroflot và VietnamAirlines mỗi tuần đã có ngót 14 chuyến về Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng từ cuối tháng 12 dương lịch dân tình đã khó mà tầm ra vé. Giá vé hai chiều từ chỗ 840 đô la, chỉ trong một tuần nhảy dựng đứng lên 1.300 đô la mà muốn mua cũng phải tít mù chạy vòng quanh mới thửa được.

Mặc dù không tay xách, nách mang như thời bao cấp, nhưng hành trang của người về Tết hiếm người vừa cân, ai cũng quá dăm ba cân, thậm chí có người thừa vài chục cân, số đông đều phải đóng tiền quá cước. Người nào về cũng cố mang lấy mấy cây giò Nga, phó mát, cá hun khói, cá hồi tươi và không ít những người sành trong giới ẩm thực mang hẳn cả một tảng cừu Kavka được ủ ướp cẩn thận.

Làm thủ tục xong, chỉ cần sau chưa đầy chín tiếng bay thẳng, những người Việt nơi xứ Tuyết đã đặt chân xuống sân bay Nội Bài ấm áp bên cạnh những người thân.

Người Nga xem người Việt ăn Tết

Đã từ lâu, những người dân Nga quen với sự có mặt của những người Việt Nam làm ăn, buôn bán ở các chợ và thích thú với những lễ hội  truyền thống của người Việt, đặc biệt là Tết.

Trước đây, khi còn các ốp của người Việt, Tết chủ yếu diễn ra trong các ốp- các thương xá, là những căn cứ địa co cụm hình thành từ các ký túc xá lao động. Tết trong ốp, là một phiên bản của cái Tết Việt Nam thuần khiết. Nhà nhà đều chuẩn bị chu đáo từ ngày Ông táo chầu giời, ngày Tất niên và lo mâm cúng giao thừa.

Người Việt ở Nga đón Xuân Quý Tỵ - ảnh 2
Đón Tết Nguyên đán ở xứ Tuyết (Ảnh: internet)

Khi mà đường bay thẳng nối các thành phố lớn Việt Nam với Matxcơva, thì những thức ăn đặc trưng của nước nhà giờ đây không còn là đặc sản nữa, mà nó có mặt trong mỗi quầy hàng khô trong chợ người Việt, từ bóng bì, mộc nhĩ, bánh chưng, giò chả đến các thứ hương vàng, kim ngân... đủ hết.

Ngày Tết, vào cửa ốp là đã cảm thấy ngây ngất khói hương trầm lan toả, khuôn mặt người ngày thường lam lũ, vất vả, nhường cho sự rạng rỡ và trang trọng trong ngày thiêng liêng của dân tộc.

Mọi phong tục thả cá, xông đất, mừng tuổi, hái lộc của Việt Nam được bảo tồn một cách vẹn nguyên ở một miền băng giá xa đất nước gần chín ngàn kilômét.

Ở Việt Nam từ lâu cấm đốt pháo, nhưng Tết Việt trong ốp, và sau này là trong các khu Ngoại giao đoàn được chuyển giao thành khu nhà cho thuê, pháo nổ vô tư. Trừ các ông già, bà cả ngại ra đường, ra sân khi trời lạnh âm mươi, mười lăm độ, còn đám trẻ thì hò reo và đốt  pháo hoa suốt đêm, mà mỗi phong không dưới một trăm đô!

Dù khó khăn, khủng hoảng, thì "ba mươi Tết có thịt treo trong nhà", người Việt vẫn cố sắm sanh đủ thứ để cho cái Tết thật rôm rả. Trong khi các chợ Nga vẫn mở của, nhưng người Việt vẫn cố nghỉ lấy một ngày, giãn lưng, giãn cơ ngủ nướng một giấc dài sau 364 ngày thức khuya, dậy sớm.

Người Việt ở Nga đón Xuân Quý Tỵ - ảnh 3
Mâm cỗ Tết của lưu học sinh Trường đại học Giao thông đường bộ Mát-xcơ-va (Ảnh: internet)

Các Hội Đồng hương, bà con cùng họ hàng, thân thích đều chuẩn bị kế hoạch tiếp khách, mời mọc ngay từ trước tất niên. Một số nhà có mối làm ăn với Tây thì mời khách Tây đến nhà hoặc nhà hàng thưởng thức những món ăn Việt Nam thuần khiết.

Và năm nào cũng vậy trước Tết, Sứ quán ta bao giờ cũng tổ chức Tết đối ngoại, mời những người bạn Nga có quan hệ với Việt Nam, những cựu chiến binh, những chuyên gia từng công tác tại Việt Nam chiêu đãi họ bữa cơm Tết thân mật, ấm cúng với các món ăn Việt Nam mà họ hết sức thích thú.

Những tưởng năm nay khó khăn, các đoàn biểu diễn nghệ thuật trong nước không sang được như mọi năm, các trung tâm chủ yếu sẽ tổ chức các đêm ca nhạc cây nhà, lá vườn, nhưng không ngờ bà con Hà Nội, Công ty Insentra lại mời những ca sĩ hàng đầu từ Việt Nam sang phục vụ. Các thành phố xa như Ekaterinburg cũng đón những ca sĩ hàng đầu của cộng đồng bay hơn 2000 km xuống phục vụ bà con.

Dường như không khí Tết còn kéo dài không chỉ đến hết Nguyên Tiêu mà tận khi những người về nước sang, mang theo quà bánh, thư từ, thì dư âm Tết vẫn còn chưa chấm dứt…/.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu