Người Việt đóng góp cho quê hương đâu phải cứ bằng kiều hối

Vũ Hạnh/VOV.VN
Chia sẻ
(VOV5) - Với họ, ngoài nguồn kiều hối quan trọng thì việc huy động được nguồn trí thức Việt kiều xây dựng đất nước có giá trị bền vững hơn rất nhiều.
(VOV5) - Với họ, ngoài nguồn kiều hối quan trọng thì việc huy động được nguồn trí thức Việt kiều xây dựng đất nước có giá trị bền vững hơn rất nhiều.

Không phải bằng kiều hối, bằng ngoại tệ hay vật chất cụ thể, mỗi người con khi xa quê hương Việt Nam đều mong muốn và có cách đóng góp một cái gì đấy cho đất nước, quê hương mình. Cộng đồng người Việt ở Hungary có những người luôn hướng về quê hương, tìm những cơ hội “vàng” giúp đất nước phát triển.


Nữ bác sĩ luôn hướng về quê hương

Xa quê từ những năm 1990 của thế kỷ trước, bác sĩ Lê Thúy Oanh, người nổi tiếng châu Âu và nhiều nước khác trên thế giới về “phương pháp cấy chỉ Lê Thúy Oanh” luôn tìm tòi, nghiên cứu để đưa một phương pháp chữa bệnh của phương Đông áp dụng thành công ở các nước phương Tây có nền y học tiên tiến. Giờ đây, khi đã thành danh, nổi tiếng ở nước ngoài nhưng hàng năm BS Thúy Oanh luôn dành một khoảng thời gian nhất định để về nước chữa bệnh cho người nghèo, làm từ thiện và giảng dạy về phương pháp cấy chỉ cho các Bệnh viện y học cổ truyền, các trung tâm nhân đạo ở Việt Nam. Với chị, niềm vui là được thấy nụ cười luôn hiện trên gương mặt những bệnh nhân, đặc biệt là các em bé, các bệnh nhân phải chịu hậu quả của chất độc màu da ca/dioxin. Những ngày về nước, BS Thúy Oanh gần như không có thời gian nghỉ ngơi, riêng tư.



nguoi viet dong gop cho que huong dau phai cu bang kieu hoi hinh 0
BS Thúy Oanh chữa bệnh tại Hungary


“Tôi thấy rằng phương pháp này có ý nghĩa kinh tế xã hội rất lớn. Nhiều người ở Hung phải ngồi xe lăn hàng chục năm nhưng nhờ phương pháp cấy chỉ đã đứng lên đi lại được, tự phục vụ được bản thân. Còn ở trong nước, tôi hướng dẫn cho các Trung tâm nạn nhân chất độc da cam để cấy chỉ. Từ năm 1998 đến nay, tôi giúp làng Hòa Bình, Hương Canh chữa cho nhiều cháu bị liệt, con bộ đội, thương binh phục hồi trí nhớ, vận động rất tốt”.

Ngoài việc làm tốt công tác chuyên môn, tại Hungary, BS Lê Thúy Oanh còn là người hoạt động thiện nguyện rất nhiệt tình, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng người Việt.


Nữ doanh nhân và ước muốn huy động nguồn trí thức Việt kiều

Còn doanh nhân Phan Bích Thiện thì cho rằng, mỗi người Việt Nam, ở trong bất cứ lĩnh vực nào đều có thể đóng góp cho quê hương, có khi chỉ là một thông tin cũng đã giúp cho đất nước rất nhiều. Có thể 100 lĩnh vực nhưng chỉ cần thành công 1 việc thì cũng đã là giúp cho đất nước. “Tôi thường nói, kiều hối rất quan trọng nhưng làm sao cố gắng tận dụng khối trí thức Việt kiều thì còn giá trị hơn rất nhiều. Vì những người này hoạt động ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau, từ khoa học, công nghệ, y tế, môi trường, kinh doanh… Hoặc ở những nơi họ sống thấy có thông tin cần thiết, có ích cho đất nước thì thông báo cho những người liên quan, có khi tiềm năng ấy còn lớn hơn rất nhiều” – chị Bích Thiện chia sẻ.


Với những người hoạt động trong lĩnh vực điện – hạt nhân ở Việt Nam chắc chắn sẽ luôn ghi nhớ công sức của chị Bích Thiện trong việc cung cấp các thông tin liên quan đến lĩnh vực này. Trong một lần vào thăm Nhà máy điện nguyên tử Paks, chị Thiện biết được ở đây có Trung tâm đào tạo hạt nhân “có một không hai” trên thế giới, vô cùng hiệu quả. Nhà máy điện nguyên tử Paks có một lò phản ứng hạt nhân thật phục vụ cho công tác đào tạo. Khi đó, Việt Nam cũng bắt đầu triển khai xây dựng Nhà máy điện hạt nhân, chị Thiện đã báo cáo thông tin này với Đại sứ quán và báo về trong nước.


nguoi viet dong gop cho que huong dau phai cu bang kieu hoi hinh 1
Nhiều người Việt tại Hungary cho con học tiếng Việt để các em gắn kết với quên hương hơn.


“Rất mừng là ở Việt Nam các cơ quan hữu quan cũng rất quan tâm đến những thông tin chúng tôi chuyển về và đã cử các đoàn của những cơ quan sang tìm hiểu. Khi các đoàn chuyên gia sang thấy được hiệu quả đó, đặc biệt là mối quan hệ hữu nghị hai nước tốt đẹp, người Hungary rất ưu ái với Việt Nam, sẵn sàng trao đổi tất cả các kinh nghiệm, con đường mà họ đã đi qua cho Việt Nam. Việt Nam và Hungary triển khai hợp tác, cử các đoàn cán bộ sang Hung để học tập kinh nghiệm. Đến 2013, hai Chính phủ ký kết Hiệp định nhân dịp Chủ tịch nước sang thăm, trong lĩnh vực đào tạo nghiên cứu về năng lượng hạt nhân phục vụ hòa bình giữa hai nước” – chị Bích Thiện nói.

Chị Bích Thiện cũng là người chuyển tải các thông tin liên quan đến mô hình tín dụng nông nghiệp trong hệ thống Ngân hàng Hợp tác xã của Hungary. “Tôi đã đề đạt với ông Cao Sỹ Kiêm về vấn đề này và Việt Nam đã cử đoàn của Quỹ tín dụng Trung ương sang để học tập các mô hình. Theo tôi được biết, hiện tại Quỹ tín dụng Trung ương cũng đã chuyển đổi sang thành Ngân hàng Hợp tác xã” – chị Bích Thiện cho biết.


Người Việt giúp nước Hung tỏa sáng!

Nói về cộng đồng người Việt tại Hungary, Đại sứ Nguyễn Thanh Tuấn cho biết: “Có nhiều người ở trình độ GS, TS hiện nay còn đang công tác trong các cơ sở khoa học, đơn vị kinh tế xã hội của Hungary. Cộng đồng người Việt Nam làm ăn rất ổn định trong các trung tâm thương mại và họ tuân thủ nghiêm túc pháp luật của Hungary. Lãnh đạo của Hungary khi tiếp xúc với Đại sứ quán hay lãnh đạo Việt Nam đều ca ngợi cộng đồng người Việt Nam ở Hungary. Phía bạn cũng rất tự hào là có một cộng đồng người Việt Nam có nhiều thế hệ thứ 2 và 3, học sinh ở các trường phổ thông của Hungary đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế, khu vực”.

Ông Potápi Arpád János, Quốc Vụ khanh Văn phòng chính phủ Hungary, nghị sĩ Quốc hội, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Hungary - Việt Nam cho rằng, chuyển biến quan hệ 2 nước Việt Nam – Hungary được như ngày hôm nay phải cảm ơn rất nhiều người Việt Nam đang sinh sống ở Hung.

“Chúng tôi phải cảm ơn đôi vợ chồng Việt Hung là gia đình bà Phan Bích Thiện, là người đã đặt nền móng thúc đẩy để mối quan hệ hai nước phát triển. Nhờ sự xúc tiến của đôi vợ chồng Hung - Việt và Quỹ vì quan hệ Việt Nam- Hungary đã có nhiều đoàn, các bộ, ngành, bộ trưởng… đã đi thăm, tìm hiểu giữa hai bên và sau đó là đưa đến được những hợp tác rất hiệu quả. Trong việc phát triển mối quan hệ tốt đẹp này, sự đóng góp của những người Việt ở Hung là rất quan trọng.

Hiện nay, ở Việt Nam có khoảng 4.000 người đã từng học tập ở Hungary. Ông Potápi Arpád János cho biết, chuyến thăm Việt Nam hồi cuối năm 2015, khi đến Hà Nội, Hạ Long hay Đà Nẵng, TP HCM ông đều gặp những người học ở Hung nói tiếng Hung và họ cũng là những nhân tố ở Việt Nam thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu