Với những bà con người Việt ở Ukraine đã chạy được sang Ba Lan lánh nạn, nhiều người mong mỏi chờ đợi chuyến bay giải cứu được nhà nước tổ chức nhưng cũng nhiều người lưỡng lự chuyện đi hay ở, bởi vẫn đau đáu công cuộc mưu sinh cũng như ngóng trông một ngày được trở lại Ukraine.
Đặt chân đến Ba Lan chưa được ít ngày, sau cả một hành trình hiểm nguy gian nan, trải qua các vùng bom đạn trên đất Ukraine, nhiều bà con người Việt vẫn chưa dám tin rằng mình giờ đây đã mất tất cả, đã trắng tay sau bao năm vất vả. Nhiều người, vì quá mệt mỏi về thể xác và tinh thần, chỉ chờ mong đến ngày được lên chuyến bay giải cứu được nhà nước tổ chức để sớm trở lại quê hương. Song, cũng có những người, nhìn lại chặng đường mất mát vừa qua và nghĩ về tương lai sắp tới mà cảm thấy hoang mang. Về Việt Nam là về với gia đình, với quê hương đất nước, được chở che, đùm bọc, nhưng sau bao năm tha hương kiếm sống, không lẽ bây giờ lại ra về trắng tay?
Anh Cao, người đã sinh sống hơn 30 năm tại Ukraine, mất hơn 3 ngày đường chạy từ thành phố cảng Odessa ở miền Nam Ukraina mới đặt chân được đến Ba Lan 3 ngày trước. Sau 2 ngày tá túc trong chùa Nhân Hoà, cũng như nhiều đồng bào chạy nạn khác, anh Cao giờ cũng phải đối mặt với câu hỏi của riêng mình: về Việt Nam hay ở lại trên đất châu Âu, tìm cơ hội mưu sinh để vớt vát lại những gì mất mát.
Chiều nay, anh sẽ lên chuyến tàu từ Ba Lan sang Berlin, khởi đầu hành trình đến một vùng đất xa lạ, không người quen biết.
"Chả quen ai em ạ. Mình cứ đi thôi. Sang Tiệp [Séc] thì còn có người quen chứ sang Đức thì chẳng có ai quen cả”, anh Cao chia sẻ với phóng viên VOV.
Đoàn chạy nạn 10 người của anh Cao từ Odessa sang Ba Lan vài ngày trước giờ đa phần cũng đã rời đi. Người sang CH Séc, người sang Áo, người đến Đức. Tâm lý chung bây giờ là cứ đi đã, tìm đường mưu sinh đã rồi sau đó mới có thể tính tiếp.
Với những người như anh Cao, thực tế 10 năm qua đã khiến anh phải mệt mỏi nếu phải tính chuyện đường dài. 10 năm trước, vợ chồng anh Cao – chị Chiến là chủ một sạp hàng trong khu chợ ngay cạnh nhà ga Donetsk, thủ phủ vùng Donbass. Cuộc sống mưu sinh vất vả nhưng cũng bình yên. Năm 2014, chiến sự bùng phát ở Donetsk, căn hộ tập thể cũ kỹ của anh bị rocket đánh tan hoang, may mà ngày đó anh ra chợ nên thoát được hiểm nguy. Gom góp ít vốn còn lại chạy xuống Odessa, những tưởng có thể yên ổn làm ăn, giờ cũng không còn gì.
“Anh cũng chưa biết được sang bên đó ra sao nhưng mình cũng xác định là chẳng còn gì nữa, thôi thì mình đi làm 2-3 năm nữa rồi mình cũng về thôi, tuổi cũng đã lớn rồi. Có ít tài sản thì của Ukraine trả lại hết cho Ukraine rồi. Donetsk mất một ít, sang đến Odessa lại mất một ít, thế là chả còn gì”, anh Cao cho biết thêm.
Về, để được bình an, nhưng đi tiếp để mưu sinh, giờ là lúc nhiều bà con người Việt tại Ukraine phải đưa ra quyết định.
Là người trực tiếp tiếp đón, thu xếp chỗ ăn ở tại chùa Nhân Hoà cho hàng trăm bà con chạy nạn từ Ukraine sang Ba Lan trong những ngày qua, ông Bùi Văn Dư, quyền Chủ tịch Trung tâm Văn hoá Phật giáo Việt Nam tại Ba Lan cho biết: “Bà con đến đây ở thì khi tinh thần ổn định rồi thì liên lạc một số gia đình thân quen và gia đình phát tâm chở bà con về ở tản ra để đỡ áp lực gánh nặng cho chùa. Một số người tìm đường sang Đức có bài con người thân bên đó, tìm đường định cư hoặc tìm việc làm bên đó. Một số người được bà con cưu mang xin việc, học việc, nuôi ăn ở luôn tại chỗ làm việc. Một số người thì được Đại sứ quán hỗ trợ để nối giấy tờ trở về Việt Nam, đã đăng ký chuyến bay miễn phí, chờ đợt tới này về”.
Hiểu được tâm tư, tình cảm của bà con, Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan trong những ngày qua cũng đã liên tục thông tin cho bà con chạy nạn từ Ukraina sang Ba Lan biết được những chính sách tị nạn mới nhất của Ba Lan và Liên minh châu Âu, cập nhật những thay đổi về quy định hàng ngày tại các nước EU nhằm giúp bà con hiểu rõ tình hình và đưa ra quyết định cho riêng mình. Tuy nhiên, Đại sứ quán cũng khuyến cáo bà con phải tìm hiểu thật kỹ các quy định và xác định được tình trạng pháp lý của mình trong thời gian cư trú tại Ukraine.
Nhưng trước mắt, cứ đi tiếp rồi tính tiếp. Những người như Cao hay anh Võ Chí Linh, người cũng chạy nạn từ Odessa sang Ba Lan, đã xác định cứ sang Đức, chờ chiến tranh kết thúc để quay lại Ukraine, hoặc cũng thể không bao giờ quay lại.
“Trong 15 ngày chờ được cấp phép tị nạn thì đầu tiên chúng tôi qua Đức rồi tính tiếp. Chắc chắn tôi sẽ quay lại Ukraine. Chắc chắn là có”, anh Linh chia sẻ.
“Không em ạ, bây giờ thì cũng quay lại làm gì nữa. Nếu sau này ổn định để về lại đó thì anh nghĩ cũng chẳng còn gì để quay lại nữa cả”, anh Cao nói.