Mùa xuân phía sau những trang sách

Phi Hà
Chia sẻ
(VOV5)-  Thích nhất là ở Việt Nam như có cái gì níu giữ quá khứ, những thứ đã biến mất ở Tây phương.
(VOV5)-  Thích nhất là ở Việt Nam như có cái gì níu giữ quá khứ, những thứ đã biến mất ở Tây phương.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:


“Đây là Bin. Năm nay tôi 19 tuổi. Tôi học Y ở trường Đại học Paris 6. Hồi bé mẹ tôi dạy rất nhiều bài hát, nhưng bài hát tôi thích nhất là bài “Người thầy”.

Mùa xuân phía sau những trang sách - ảnh 1
Bin và em gái Hà

Bin đã giới thiệu với quý vị rồi đấy! Bin là tên gọi tiếng Việt ở nhà của Valentin. Cậu sinh viên năm thứ nhất ngành y này, mới ngày nào còn cùng em gái Clotilde mà tên Việt là Hà, như hai con sáo nhỏ xinh xắn nhảy nhót nghịch ngợm trong phòng thu của Đài Tiếng nói Việt Nam, trong khi mẹ em - Hiệu Constant - trả lời phỏng vấn phóng viên nhà Đài về cuốn sách đầu tiên chị dịch từ tiếng Pháp có tên Nỗi niềm. Từ bấy đến giờ, trên chục năm, Hiệu Constant từ một “cô dâu nước Pháp”, không cam lòng ở nhà làm bà nội trợ, đã ghi được tên mình trong làng dịch Việt với hàng chục cuốn sách Pháp, rồi viết văn, viết báo, và là đại diện văn học cho một số Nhà xuất bản Pháp và một số công ty phát hành sách trong nước.

Mùa xuân phía sau những trang sách - ảnh 2
Dịch giả Hiệu Constant


Nhưng Hiệu nói, thành quả chị tự hào nhất là hai con, được chị dạy tiếng Việt từ nhỏ, cậu lớn - Bin, còn đọc và viết tiếng Việt rất tốt: "Cũng có một điều hay là, khi tôi là một bà mẹ Việt Nam sống xa quê hương xứ sở của mình, mà tự nhiên nghe hai đứa con mình nói chuyện tiếng Việt với nhau, cảm thấy vừa thú vị vừa rất ngạc nhiên. Đôi khi các bạn Việt đến nhà tôi nói chuyện về một chủ đề nào đó, mà nghe hai đứa trẻ nói chuyện cũng là điều rất thú vị với họ nữa. Tôi nghĩ các bà mẹ ở viễn xứ nên dành 1 chút thời gian để dạy con mình nói tiếng Việt, bởi vì chính tiếng Việt lại làm cho các con mình gần gũi với mình hơn."

Mùa xuân phía sau những trang sách - ảnh 3
Gia đình chị Hiệu chuẩn bị Tết


Hậu phương vững chắc cho Hiệu Constant hôm nay, được chị ý thức vun trồng mỗi ngày. Thậm chí, trong mỗi giai đoạn cuộc đời các con, sẽ có những cách thức phù hợp khác nhau: "Từ khi các con ra đời thì cứ hai năm tôi cho các cháu về 1 lần, nhưng mà những lần từ trước thường chúng tôi chỉ về một vùng thôi. Hà Nội vẫn là nơi chúng tôi trở về và thăm quê nhà ở Hà Tây. Nhưng năm 2015 tôi quyết định đưa các con đi xuyên Việt trong một chuyến đi dài gần 3 tháng. Và không đi theo đoàn nào cả. Chúng cũng lớn rồi, với tâm thức của một người mẹ thì tôi muốn chúng có một cái nhìn tổng thể về quê hương mình. Và có một sự tiếp xúc trực tiếp với người dân khi chúng tôi đến."


Bin nói: "Bin thích về Việt Nam để đi thăm gia đình, anh họ chị họ ở Hải Phòng và ở Thường Tín. Và Bin thích ăn phở ở nhà hàng ở Hà Nội..
"

"
Tôi nghĩ chuyến đi 3 tháng đó đã thay đổi rất nhiều trong cách suy nghĩ cách ứng xử của các con tôi, bởi vì chúng  gặp gỡ con người Việt Nam ở những vùng quê rất hẻo lánh. Và Việt nam có nhiều dân tộc và mỗi nơi họ có bản sắc riêng, văn hóa, tiếng nói riêng chẳng hạn. Tôi cũng rất vui khi về con tâm sự rằng: Việt Nam đa dạng mẹ nhỉ!" - Hiệu nói chị rất vui khi cậu con trai đã chọn vào trường Y, đúng với tính cách ân cần, chu đáo, luôn chăm sóc người khác: "Bởi vì từ bé tôi đã dạy các con dành rất nhiều tình cảm cho Việt Nam, cho con người Việt Nam. Tôi cũng nói với cháu ở bên Pháp trình độ như của con thì rất nhiều, nhưng ở Việt Nam mà sau này con làm bác sĩ thì người ta rất cần. Tôi nghĩ rắng trong chuyến đi cháu nhìn thấy những cuộc đời, và chính đấy là điểm nhấn cuối cùng để cháu quyết định theo ngành y."


Trụ cột gia đình, anh Claude Constant hiện là kĩ sư, chuyên gia kỹ thuật máy tại một tập đoàn công nghiệp lớn của Pháp, thường xuyên được các trường đại học nổi tiếng của Pháp và châu Âu mời đến giảng dạy về chuyên môn. Cuộc sống kinh tế của gia đình Hiệu có thể không cần đến việc người vợ đi làm. Nhưng người phụ nữ, có tên khi chưa lấy chồng là Lê Thị Hiệu ấy, vốn là một cử nhân tiếng Pháp, luôn ý thức được hành trình mình sẽ đi và sẽ sống, đã truyền tình yêu quê mẹ của mình sang người bạn đời và các con, một cách thật tự nhiên. Anh Claude Constant nói: "Tôi sang Việt Nam rất nhiều lần rồi. Vợ tôi là người Việt mà. Tôi đặc biệt thích Hà Nội, so với xã hội hiện đại phương Tây thì Hà Nội có rất nhiều đồ thủ công, nhiều kỷ niệm xưa cũ, mỗi góc phố lại có những hàng ăn nhỏ ngon lành, bao nhiêu thứ không còn tồn tại ở xã hội công nghiệp hóa tây phương nữa. Tôi đã đến thăm làng gốm Bát Tràng, mê lắm, tôi mang về Paris cơ man là gốm Bát Tràng. Cả nhà đều dùng hàng ngày. Chúng tôi cũng yêu phong cảnh Việt Nam, thích có thời gian dạo chơi khám phá, thích các bãi biển. Chúng tôi đã đến miền Trung, rất thích biển Thuận An gần Huế. Thích nhất là ở Việt Nam như có cái gì níu giữ quá khứ, những thứ đã biến mất ở Tây phương. Tôi rất mong được trở lại Việt Nam, dù nước Việt Nam hiện đại đã đánh mất ít nhiều truyền thống, tôi thấy rất tiếc."


Những ngày giáp Tết, ở xứ Tây không có nghỉ Tết ta, nhưng Hiệu bận hơn bao giờ hết, vì vẫn vừa chuẩn bị cho cái Tết Việt ở nhà như mọi năm, vừa đi quay phỏng vấn về…Tết cho một đài truyền hình trong nước mà chị làm cộng tác viên. Anh Claude Constant bảo: "Chúng tôi có may mắn là nhà tôi cùng có chung cả văn hóa Việt Nam và văn hóa Pháp. Nhưng trong năm có một tuần mà cả nhà chúng tôi hoàn toàn sống theo văn hóa Việt Nam, đó chính là tuần Tết. Chúng tôi rất coi trọng tuần lễ này, mời nhiều bạn đến chơi, ăn đồ Tết, tôi rất thích ăn bánh chưng, nhưng phải kèm với li rượu vang mới được."

Mùa xuân phía sau những trang sách - ảnh 4

Mùa xuân phía sau những trang sách - ảnh 5
Bin và Hà gói bánh chưng chuẩn bị Tết


Bin nói, mẹ Hiệu nấu ăn rất ngon. Mẹ Hiệu biết nấu rất nhiều món cỗ bàn của Việt Nam. Ở Paris mỗi dịp Tết sắp đến, Bin và Hà cũng hì hụi xúm vào giúp mẹ rửa lá dong, gói bánh chưng, chuẩn bị đồ ăn cúng ông bà ngày Tết: "Ngày Tết tôi thích ăn món bánh chưng, xôi với thịt kho, hay thịt gà. Tôi biết làm bánh chưng, gói bánh chưng và làm nem, làm bánh cuốn…vì mẹ tôi dạy hồi tôi bé. Tôi rất thích giúp mẹ khi ngày Tết sắp đến, để có ngày Tết vui vẻ và mời bạn ăn cùng nhau." Hiệu bảo: "Cháu nó rất thích làm nem, gói bánh chưng và làm cái món gọi là giả cầy nữa."


Tết năm nay, Bin, Hà vẫn phụ mẹ gói bánh chưng, làm từ nếp Tú Lệ đặc sản vùng núi cao Yên Bái mà mẹ các em đã kỳ công chọn mua. Cậu sinh viên trường Y, vốn từ đủ để đọc sách tiếng Việt của mẹ,  từ lâu đã động viên: Mẹ, mẹ viết một cuốn sách nấu ăn đi! 


Hiệu, dù còn bộn bề những dự án về dịch thuật và vẫn tất bật với những phóng sự video hàng tuần, cũng nghĩ một ngày nào đó, biết đâu đó, chị có thể viết, như là một món quà mùa xuân trao lại cho các con.      

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu
Huỳnh Kim Chung

Xúc động quá!Thật Hạnh phúc khi Văn hóa truyền thống Việt nam được đón nhận và được trân trọng... Xem thêm