Một tuần ở Doha

Nguyễn Huy Hoàng
Chia sẻ
(VOV5)- Bất cứ Liên hoan ẩm thực nào, gian hàng của  Sứ quán Việt Nam tại Doha vẫn là nơi thu hút thực khách nhất bởi món nem trứ danh và những bộ áo dài đẹp mắt nhất.

(VOV5)- Bất cứ Liên hoan ẩm thực nào, gian hàng của  Sứ quán Việt Nam tại Doha vẫn là nơi thu hút thực khách nhất bởi món nem trứ danh và những bộ áo dài đẹp mắt nhất.

Tôi sang Thủ đô Doha vào dịp giữa tháng ba, là thời điểm thời tiết lý tưởng nhất trong một năm ở Qatar. Nhiệt độ dao động từ 28 đến 32 độ, giống như nhiệt độ tháng 5 ở Nghệ Tĩnh, do đó có thể tranh thủ tới mức tối đa để tìm hiểu và thăm thú thành phố.

Một tuần ở Doha - ảnh 1
Bảo tàng nghệ thuật Doha


Nếu chỉ muộn sau một tháng, tức là cuối tháng tư trở đi, đến Doha là một sự thử thách rất lớn đối với sức khỏe, vì lúc đó, khí hậu sa mạc sẽ bắt đầu phát huy hết sức mạnh tự nhiên của nó, với nhiệt độ nóng hầm hập từ 42 độ, có khi lên đến 52 độ. Khi đó, muốn băng qua một quãng đường ngắn, ngay cả dân bản xứ cũng phải bọc kín mặt để tránh cái cảm giác lao vào chảo lửa. Còn việc du lịch, tham quan của du khách thì đương nhiên không thể nào thực hiện được.


Về mùa nóng, người ta hoặc ở trong nhà với những chiếc máy điều hòa mở hết cỡ, hoặc ngồi trong xe máy lạnh. Các công việc phổ thông chỉ thực hiện từ 6 giờ tối đến 8 giờ sáng.


Với diện tích 11437 km2, nhỏ hơn tỉnh Nghệ An và to hơn Thanh Hóa chút đỉnh, quốc gia Qatar được cả thế giới biết đến bởi sự giàu có khác thường.


Quốc gia Qatar trẻ về mọi phương diện: ngày 2/4 năm 1970 Qatar ra Hiến pháp sơ bộ và ngày 29/4 năm 1970 thành lập chính phủ đầu tiên gồm mười bộ trưởng; bảy trong số đó là các thành viên của triều đại Thani; ngày 1/9 năm 1970 Qatar được các nước chính thức công nhận, được thông qua tại Liên hiệp quốc và Liên đoàn Arap.

Gần mười lăm năm trước, tháng 4 năm 2003, Qatar tổ chức trưng cầu dân ý và đã thông qua Hiến pháp mới, Quốc hội bao gồm 45 thành viên, trong đó 2/3 được bầu cử trực tiếp, 1/3 thành viên còn lại do Quốc vương chỉ định. Cuộc bầu cử Quốc hội mới được tiến hành vào năm 2004. Hiến pháp mới cho phép thành lập ngành Tư pháp độc lập, tách rời các cơ quan lập pháp, Hành pháp và Tư pháp, đảm bảo quyền tự do Hiệp hội, bày tỏ ý kiến nhưng không cho phép thành lập các đảng phái chính trị.


Năm 2005 nước ta đặt quan hệ ngoại giao với Qatar, từ bấy đến nay có nhiều đoàn công tác chính phủ, các tập đoàn, công ty đến thăm và ký các dự án hợp tác. Các đội bóng Việt Nam cũng nhiều lần đến Doha tập huấn. Hiện tại ở Doha có tới 18000 công nhân Việt Nam làm việc trong lĩnh vực xây dựng nhà cửa và cầu đường.


Qatar có lượng dầu dự trữ  khổng lồ 15 tỉ thùng, hơn nửa tỉ m³, đảm bảo cho việc khai thác dầu mỏ liên tục trong 23 năm nữa với mức xuất khẩu như hiện nay. Lượng dự trữ gas tự nhiên của Qatar hơn 7000 km³, chiếm trên 5% tổng lượng gas tự nhiên của địa cầu, xếp hạng thứ 3 thế giới.


Qatar sống trên nguồn khí đốt hầu như là vô tận đó, chiếm trên 70% tổng thu ngân sách chính phủ, hơn 60% tổng sản phẩm quốc nội và khoảng 85% thu nhập từ xuất khẩu.

Một tuần ở Doha - ảnh 2
Nhà thờ Hồi giáo tại Doha


Quatar hiện là nước giàu có nhất trong các nước Hồi giáo với thu nhập bình quân đầu người GDP gần 150.000 đô la một năm.


Một đô la Mỹ đổi được 3,56 đồng ryan Qatar, tỉ giá bao nhiêu năm nay vẫn thế không có gì thay đổi, nó dường như bất chấp mọi biến động dầu xuống, dầu lên, các cuộc khủng hoảng nhỏ to của thế giới.


Khoảng ba chục năm trước, Qatar được coi là một trong những nước nghèo khổ nhất thế giới, nhưng dầu mỏ đã đưa họ vượt qua những nấc thang ngoạn mục để trở thành một đất nước đủ đầy và viên mãn, được cả thế giới chú ý và đặt quan hệ.


Theo thống kê đầu năm 2017, dân số của Quatar là 2.168673 người, trong số đó người Ấn Độ là 545 ngàn, người Nepan 341 ngàn, Philippin185 ngàn, Banglades 137 ngàn, Srilanka 100 ngàn, Pakistan 90 ngàn và những nước khác khoảng 50 ngàn. Dân bản địa Qatar chỉ chiếm 1/16 dân số hiện có mặt trên đất nước họ, nhưng họ được hưởng những lợi quyền cao ngất ngưởng không dân nước nào tại đây có được.


Đến Doha nếu không biết tiếng Arap thì phải biết tiếng Anh, ngôn ngữ thứ hai của Qatar, không biết hai thứ tiếng  đó thì khó khăn trăm bề, từ bắt tacxi đến mua bán và thăm thú.


Dân Qatar có quyền sống nhàn hạ, được chăm lo đủ đầy trong mọi lĩnh vực cuộc sống từ ăn ở, nghỉ ngơi, học hành và có đầy đủ tiện nghi. Trẻ con từ 6 tuổi đến 16 tuổi học hành miễn phí hoàn toàn; sau khi tốt nghiệp phổ thông, nếu chọn du học nước nào trong chỉ tiêu nhà nước thì được chu cấp 100%. Với cách đào tạo và khuyến học thế này, trong khoảng chục năm nữa, mật độ trí thức cao cấp của Qatar sẽ không thua kém bất cứ một nước văn minh nào trên thế giới.


Cư dân Qatar được miễn phí toàn bộ điện nước sinh hoạt, không phải trả bất cứ một đồng viện phí nào và được bảo hiểm trọn đời về sức khỏe.

Một tuần ở Doha - ảnh 3
Khu siêu thị cạnh bến du thuyền.


Mọi thứ dùng để kiến thiết đất nước Qatar đều phải nhập ngọai, bất kể gạch đá, đất, gỗ, xi măng, sắt thép, đồ nội thất, hoặc máy móc, cần cẩu, ô tô, xe lu…thậm chí là cát. Cát của họ ngập sa mạc, nhưng nhiễm mặn, không thể sử dụng vào việc gì, kể cả trộn xi măng xây dựng.


Với nguồn tài chính khổng lồ, với những dự án táo bạo, với nguồn nhân lực và chuyên gia thuê mướn nước ngoài, chính quyền Qatar đã mạnh dạn xin đăng cai World Cup 2022 và đã đánh bại các cường quốc Nhật, Mỹ, Hàn, Úc một cách ngọan mục. Chính phủ Qatar sẽ đầu tư hơn 125 tỉ USD, số tiền chưa từng thấy trong lịch sử World Cup, để hoàn thành các hạng mục công trình phục vụ cho sự kiện đó.


Thoạt đầu, những nhà tổ chức kỳ cựu không thể tin được là giải bóng này sẽ ra sao khi diễn ra trên sa mạc Trung Đông nóng hầm hập, khi mà lịch thi đấu cuối năm của các nước diễn ra thường kỳ bị thay đổi. Nhưng sau khi nghiên cứu những dự án kỳ vĩ dành cho World Cup 2022, họ hoàn toàn bị chinh phục. Ngoài một sân vận động hiện có sẽ được nâng cấp, chính phủ Qatar sẽ xây thêm 12 sân vận động ngầm quy mô có sức chứa từ 45 ngàn chỗ đến 86 ngàn chỗ.


Mỗi một sân vận động sẽ là một công trình kiến trúc nghệ thuật có một không hai của nhân loại.

Tất cả sân vận động đều được trang bị hệ thống điều hòa tối tân nhất thế giới để đảm bảo nhiệt độ luôn ở mức dao động từ 18 độ đến 20 độ, bất chấp thời tiết bên ngoài trên 40, 45 độ.


Một mái nhà chung

Thường đến nước nào, tôi bao giờ cũng dành thời gian ghé thăm Đại sứ quán của ta ở đó. Đến Sứ quán là về lại nhà mình, ở đó có những người thân quen, có không khí nước Việt và có được bao nhiêu thông tin mới được phủ bồi liên tục bằng các chuyến công tác của những cán bộ sang công tác.

Một tuần ở Doha - ảnh 4
Tham dự Ngày văn hóa Pháp ngữ tại Doha


Số lượng nhân viên của Sứ quán ta tại Doha chỉ bằng một phần mười các Đại sứ quán lớn như ở Nga, Trung Quốc hay là Mỹ, nhưng công việc cũng rất bộn bề.

Chỉ với bảy người, phải lo từ việc đại sự quốc gia đến mọi công việc phổ thông, tạp vụ.

Mặc dù là một nước nhỏ, được thế giới dành cho sự quan tâm chưa đầy một phần tư thập kỷ, nhưng Doha lại trở thành một điểm có các hoạt động và sự kiện thường xuyên.

Trung bình trong một năm, mỗi tuần Sứ quán ta nhận được từ ba đến bốn giấy mời tham gia các hoạt động giao lưu với các tổ chức Quốc tế và nước sở tại. Có những hoạt động, nhìn bề ngoài chỉ là gặp gỡ, trao đổi, làm quen, nhưng thực ra là những hoạt động ngoại giao không thể bỏ qua. Chỉ cần bỏ qua một hai lần, sau đó, mình sẽ trở thành người ngoài cuộc. Vì vậy Sứ quán phải cố gắng làm sao đáp ứng được trọn vẹn để chắp nối được mối giao lưu thường xuyên và để lại những ấn tượng sâu đậm nhất.

Nếu ở các nước khác, khi có một sinh hoạt cộng đồng, hoặc một buổi liên hoan ẩm thực châu Á, Asian chẳng hạn, sẽ có các sinh viên, nhân viên nhà hàng chuyên nghiệp trợ giúp, nhưng ở đây, quanh đi, quẩn lại chỉ có mấy anh em cán bộ, một vài vị phu quân, phu nhân, đành dũng cảm xắn tay vào để cố không thua chị, thua em với các nước láng giềng. Dù nguyên vật liệu thiếu, dù nước sở tại theo đạo Hồi không được sử dụng thịt heo, thiếu lá dong, thiếu nấm, mộc nhĩ, thế mà bất cứ Liên hoan ẩm thực nào, gian hàng của  Sứ quán Việt Nam tại Doha vẫn là nơi thu hút thực khách nhất bởi món nem trứ danh và những bộ áo dài đẹp mắt nhất.

Một tuần ở Doha - ảnh 5
Đại sứ quán đón năm mới cùng bà con.


Vào ngày Tết, ngày Lễ Quốc khánh, những ngày trọng đại, tại Sứ quán luôn tổ chức lễ chiêu đãi mang dấu ấn Việt Nam trên miền sa mạc Trung Đông. Sự chu đáo và trách nhiệm rất cao của anh em cán bộ tại đây làm cho tôi trân trọng và cảm phục.

Để hòa hợp và thích nghi với cuộc sống ở đây không phải dễ dàng gì. Trước hết là phải có một vốn tiếng Anh thông thạo, biết lái xe, nắm được phong tục tập quán và lễ nghi tôn giáo của người Qatar và biết được địa hình tương đối phức tạp của một thành phố mới, thì công việc mới trôi chảy và thuận lợi.

Ngay từ khi sang nhận công tác, Đại sứ Nguyễn Hoằng coi đó là việc thiết thân đầu tiên mà mọi người phải tìm hiểu và tự trang bị cho mình. Chỉ cần sau nửa năm, mọi người đã có thể tự mình tác nghiệp, tham gia vào tất cả các hoạt động của Sứ quán.

Để nâng cao kiến thức lịch sử và xã hội của cán bộ, Sứ quán đã thực hiện một chủ trương là bố trí những ngày nghỉ để anh em cùng đi tham quan những khu bảo tàng văn hóa, nghệ thuật nổi tiếng ở Doha, tham dự các buổi biểu diễn tại các nhà hát, và tham gia chương trình giao lưu văn hóa khi được các Sứ quán khác đề xuất.

Tại Doha, tôi được gặp được một số anh em cán bộ Sứ quán dù còn trẻ, nhưng có một sự hiểu biết sâu rộng như anh Nguyễn Xuân Hà, đã cung cấp cho tôi rất nhiều thông tin và kiến thức mà để tự tìm hiểu phải mất một thời gian dài.

Đối với cán bộ ta sang công tác tại đây, khó khăn nhất về mặt thực tế và tâm lý là phải kèm theo con cái. Các cháu không thể học cùng lớp học với con em nước sở tại vì chương trình học của họ tuân theo một chuẩn mực khác, đành phải chọn tìm cho các cháu một lớp nói tiếng Anh do một Đại sứ quán khác mở, chủ yếu là Philippines. Phần thì học phí rất cao, phần thì lớp học ở vào một vị trí không thuận, nên các gia đình đành phải bố trí một thời gian biểu phù hợp, có lúc gửi lại các cháu tại trường, khi làm xong việc mới quay về đón.


Một tuần ở Doha - ảnh 6
Đại sứ quán Việt Nam tại Qatar tham gia Hội chợ quốc tế.

Hiếm có một nơi nào dưới ngôi nhà chung của Sứ quán lại có một khung cảnh gia đình đầm ấm như Sứ quán ta ở Doha. Ai có món ăn gì mới cũng gọi mời nhau, ai có đám giỗ, tiệc mừng thì cả Sứ quán cùng dự, ai có câu chuyện gì cùng chia sẻ và bàn bạc. Khách của một gia đình cũng là khách của nhiều gia đình. Một vài tuần lại có một bữa cơm chung, tuy đạm bạc nhưng ấm cúng. Giữa nơi đất khách, quê người này, Sứ quán ta như là một ốc đảo của tình thương, trách nhiệm.


Sống giữa vùng khí hậu sa mạc, đối diện với cái nóng bất thường, những trận bão sa mạc, nhiều anh em ở đây luôn bị hành hạ bởi cảnh đau đầu, tức ngực và sự mất ngủ. Và một cái khổ nữa là sống giữa khung cảnh Doha giàu sang bậc nhất thế giới, với đồng lương khiêm tốn của một cán bộ đi công tác, riêng về mặt tâm lý cũng là một vấn đề. Không hề có một nguồn thu nhập nào thêm, anh em cán bộ bằng lòng với thực tại, cố gắng xây dựng một tình cảm thân ái, chân tình để cùng nhau lo tròn trách nhiệm.

Cuộc gặp ngắn ngủi với công nhân Việt

Gần đến ngày rời khỏi Doha, tình cờ trong siêu thị, tôi bắt gặp hai thanh niên đồng hương quê ở Hải Dương làm công nhân lái xe cho một công ty xây dựng.

Đi trong siêu thị sầm uất và giàu có, hình ảnh hai người Việt Nam cầm trong tay một chiếc bắp cải ra quầy tính tiền làm cho tôi không khỏi chạnh lòng. Dường như đọc được suy nghĩ của tôi, một anh công nhân nói với tôi là, cháu mua thêm rau luộc cho mát, vì trong xe cháu đã mang theo thức ăn rồi!

Một tuần ở Doha - ảnh 7
Công trường xây dựng tại Doha, nơi có 1 lực lượng không nhỏ lao động người Việt,


Hai anh công nhân cho mình là những người gặp may, vì được lái xe, biết đó, biết đây, được gặp gỡ mọi người và có lúc xả hơi một chút, chứ nếu là công nhân xây dựng không thôi, thì ở ba năm, chứ mời năm, chỉ biết mỗi hàng rào tôn quây kín và khu nhà ở. Buổi chiều, xe đến đón đi đến công trường trong bộ quần áo bảo hộ, sáng mai quay về lại quản quanh trong khu nhà dành cho người lao động.

Các anh cho biết là nhiều khi rất muốn tìm đến gặp gỡ với Sứ quán, nhưng quản lý công trường quản thời gian rất chặt, có lúc rảnh ra thì không có phương tiện.

Còn để tìm hiểu đất nước Qatar thì đó là việc làm không tưởng đối với anh em công nhân, sang đây là để làm việc, để lo bát cơm, tấm áo, vài ba năm lại về. Đi một mình thì đường sá không hay, chẳng ai hướng dẫn; đi tập thể thì chưa hề có tiền lệ, đành chỉ biết Qatar là sa mạc, là cát, là thành phố giàu có và dân theo đạo Hồi mà thôi!

May vào thời buổi phương tiện truyền thông phát triển, cả thế gian thu lại trong một chiếc IPhone, nên mọi người có thể nghe nhạc, nhắn tin, gọi điện và giải trí trò chơi. Có thể nói điện thoại là vật bất ly thân, là người bạn đồng hành không thể gì thay thế của công  nhân tại đây.

Chia tay với các cán bộ Sứ quán tại Doha, chia tay với những người công nhân Việt mặt mày sạm đen nắng gió, tôi cầu mong mọi điều an lành và tốt đẹp luôn đến với những người Việt chúng ta.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu