Lửa thử vàng, gian nan thử sức: Chuẩn bị một hành trang tốt khi trở về

Hà Linh
Chia sẻ
(VOV5) -  Đó là hành trang quan trọng giúp các bạn đối diện với những thức thách mới khi phải thay đổi môi trường sống.

Trong giai đoạn toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, chuyện về nước hay ở lại nước ngoài của những trí thức Việt là một quá trình tự nhiên và là lựa chọn của mỗi người trong mỗi  hoàn cảnh khác nhau. Để thu hút người giỏi trở về làm việc, chính phủ Việt Nam đang có những giải pháp đãi ngộ hấp dẫn.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất phải từ về phía họ - những người tài năng là các bạn phải chủ động chuẩn bị cho mình một hành trang tốt để khi trở về vừa phát triển bản thân vừa giúp ích cho đất nước. Đây là những chia sẻ của Tiến sĩ Trần Lê Hưng, giảng viên  trường Đại học Cầu đường Paris, Pháp trong cuộc trò chuyện với PV Đài TNVN.

Lửa thử vàng, gian nan thử sức: Chuẩn bị một hành trang tốt khi trở về - ảnh 1 TS Trần Lê Hưng tại Diễn đàn trí thức Việt Nam toàn cầu lần thứ 2 tại Hà Nội. Ảnh HL

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:  

 PV: Tại Diễn đàn Tri thức trẻ toàn cầu tại Hà Nội, Lê Hưng trình bày một tham luận gây sự chú ý đặc biệt, trong đó khuyến nghị về “cách thức và điều kiện thu hút và gìn giữ nhân tài ở Việt Nam” Hưng có thể chia sẻ đôi chút về nội dung này?

Trần Lê Hưng: Những năm gần đây, Việt Nam chúng ta có những bước phát triển kinh tế nhanh, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt. Tại nhiều tỉnh thành phố lớn trên toàn quốc được mở rộng, cơ sở hạ tầng phát triển. Điều đó có được là do sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đã tạo ra một nền chính trị ổn định để thu hút các nhà đầu tư, cũng như các nguồn vốn từ nước ngoài về Việt Nam. Bên cạnh đó, yếu tố con người cũng được coi trọng. Một mặt, Việt Nam có những chuyên gia nước ngoài đến làm việc. Mặt khác, không thể không nhắc đến yếu tố rất quan trọng là tri thức người Việt.. Những nguồn tri thức này, chúng ta cần trân trọng và gìn giữ giúp ích cho đất nước tiến bước xa hơn, vững chãi trong tương lai. Nguồn tri thức này rất rộng bao gồm những người ở trong nước cũng như đang sinh sống, học tập ở nước ngoài.

Lửa thử vàng, gian nan thử sức: Chuẩn bị một hành trang tốt khi trở về - ảnh 2Lê Hưng ( thứ hai- trái) và các bạn tại Hà Nội. Ảnh nvcc

Trong một khảo sát mới đây về người Việt Nam ở nước ngoài- muốn về Việt Nam làm việc, chúng tôi nhận thấy rằng, ngày càng có nhiều người muốn trở về làm việc sau thời gian sinh sống ở nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng như hiện nay. Họ thấy rằng Việt Nam đang có nhiều cơ hội về nghề nghiệp, một thị trường công việc với nhiều ưu đãi. Như tôi ở Pháp biết được một số trường hợp giáo sư Trần Thanh Vân về Việt Nam thành lập viện nghiên cứu vật lý ở Quy Nhơn, trẻ hơn là TS Lê Nguyên Khương đang là giảng viên trường Đại học Giao thông vận tải, hay Nguyễn Quang Huy giảng viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Phải nói rằng, Việt Nam hiện nay đang làm khá tốt việc thu hút nguồn lực trở về cống hiến cho đất nước, nhưng để gìn giữ nguồn lực này thì thực sự chúng ta cần phải có những thay đổi, những giải pháp cụ thể và thiết thực hơn nữa.

PV: Vậy theo bạn, Việt Nam mình cần phải làm gì để có thể giữ chân người giỏi hoặc bằng cách nào đó biến nguồn “chất xám”của họ thành của cải cho phát triển đất nước.?

Trần Lê Hưng: Để trả lời câu hỏi làm thế nào để gìn giữ nguồn tri thức này thì chúng ta hãy cùng phân tích những  khó khăn khi quay về sinh sống và công tác ở Việt Nam. Một bộ phận lớn của những người được khảo sát đều cho rằng, lương chưa phải và vấn đề họ quan tâm hiện nay, rồi các vấn đề xã hội khác. Quan trong nhất chính là môi trường làm việc, sự phát triển và cạnh tranh công bằng trong công việc.Những vấn đề khó, bài toán hay đôi khi gọi là áp lực lại  thường gây hứng thú trong công việc nhiều hơn là những việc làm lặp đi lặp lại hàng ngày dễ gây nhàm chán. Họ muốn rằng, “chất xám”, sự năng động, kiến thức, kỹ năng của họ được đào tạo ở nước ngoài sẽ được tận dụng để có thể vận dụng cho phát triển đất nước.

Bên cạnh đó, vấn đề hòa nhập với cuộc sống cũng là một rào cản không nhỏ đối với người Việt trở về từ nước ngòai. Thời gian đầu họ phải đối mặt với các vấn đề,tôi hay nghe nói như phương tiện di chuyển, quỹ thời gian bị ảnh hưởng do tắc đường, lo đưa đón con đi học đúng giờ…Nhưng những khó khăn này sẽ dần được tháo gỡ và do sự thuận tiện hơn trong cuộc sống. Do đó, những hỗ trợ ban đầu từ Nhà nước, chính phủ, hoặc các cấp thẩm quyền cũng rất quan trọng. Có nhiều ý kiến cho rằng, có nên chăng Việt Nam thành lập một cơ quan chức năng với nhiệm vụ giúp đỡ ban đầu cho người Việt trở về hay những chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam sớm tiếp cận và hòa nhập cuộc sống, có thể từ những việc rất đơn giản về thủ tục hành chính, giúp con họ nhập học, phương tiện đi lại, chế độ thăm khám y tế… 

Tất nhiên không phải ai trở về cũng được hưởng những chính sách ưu đãi đó. Vậy nên, cần có một bộ quy chuẩn riêng áp dụng cho từng đối tượng. Bên cạnh đó, cũng cần thay đổi chính sách để làm sao phát huy được tối đa những ý tưởng đóng góp của tri thức người Việt. Làm sao những ý kiến, đề xuất của họ dù chưa được vận dụng nhưng cần có sự phản hồi thỏa đáng để tránh tâm lý “chán nản bỏ cuộc” của những người giỏi muốn trở về.

PV: Tuy vậy, Lê Hưng có cho rằng, về phía họ thì điều quan trọng nhất vẫn chính là sự chủ động. Bản thân họ luôn phải chuẩn bị cho riêng mình một hành trang thât tốt, để làm sao thích ứng nhanh nhất với cuộc sống mới khi trở về?

Trần Lê Hưng: Đúng thế, tôi muốn nói về ý thức về mỗi cá nhân. Các bạn ở nước ngoài muốn về Việt Nam bên cạnh kiến thức kinh nghiệm, cần phải chuẩn bị sẵn sàng tinh thần, tâm lý. Đó là hành trang quan trọng giúp các bạn đối diện với những thức thách mới khi phải thay đổi môi trường sống.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, đang quen cuộc sống ở nước ngoài, khi trở về bạn sẽ chấp nhận sẽ phải đối diện với thử thách mới nhưng bên cạnh đó cũng đón nhận nhiều cơ hội mới,. Nhưng, nếu bạn chưa sẵn sàng trở về, chọn phương án làm việc ở nước ngoài mà vẫn muốn đóng góp cho sự phát triển đất nước, bằng cách này hay cách khác vẫn đều là giải pháp tốt, miễn sao hai chữ Việt Nam luôn có trong trái tim bạn.

PV: Cảm ơn Lê Hưng về những chia sẻ của bạn. Xin chúc bạn sức khỏe và thành công. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu