Kiều bào, sợi dây tình cảm của đất nước

Chia sẻ
(VOV5) “Người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước”. Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ như vậy và cho đến nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vẫn đang là lực lượng hăng hái tham gia đóng góp sức mình cho sự nghiệp xây dựng đất nước.


 Kiều bào, sợi dây tình cảm của đất nước - ảnh 1
 Đoàn đại biểu kiều bào trong chuyến thăm và làm việc với tỉnh Lạng Sơn (Ảnh: website langson)
 

(VOV5) - “Người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước”. Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ như vậy và cho đến nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vẫn đang là lực lượng hăng hái tham gia đóng góp sức mình cho sự nghiệp xây dựng đất nước. 

Nhấn vào đây để nghe nội dung bài viết


Mặc dù sống xa quê hương nhưng đại đa số bà con kiều bào vẫn luôn nêu cao tinh thần tự tôn dân tộc, ý thức giữ gìn truyền thống và bản sắc văn hóa Việt Nam. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia đóng góp và hỗ trợ đắc lực về vật chất và tinh thần cho trong nước. Hơn 9 tỷ đô la Mỹ kiều hối năm 2011 là con số đáng ghi nhận, thể hiện tình cảm của hơn 4 triệu kiều bào ta ở nước ngoài, tận tâm, tận lực hướng về đất nước. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết: “Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống mưu sinh ở nước sở tại nhưng bà con có ý thức trách nhiệm cao đối với đất nước. Tình cảm của bà con dành cho trong nước vẫn rất rõ ràng và nồng thắm. Chúng tôi đánh giá gần 4 triệu rưỡi người Việt Nam ở nước ngoài là lực lượng bảo tồn phát triển và giới thiệu hình ảnh văn hóa Việt Nam đắc lực nhất, nhanh  nhất, hiệu quả nhất đối với quốc tế, cũng như bạn bè sở tại”.

Thời gian qua, ngày càng nhiều Việt kiều trở về nước hợp tác, đóng góp công sức, trí tuệ trên các lĩnh vực khoa học – công nghệ, kinh tế, giáo dục – đào tạo, văn hóa – xã hội, tích cực hưởng ứng, tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo, giúp đỡ đồng bào trong nước. Hội từ thiện "Những tấm lòng vàng" Vương quốc Bỉ do ông Trương Minh Trường sáng lập đã thực hiện nhiều hoạt động giúp đỡ Việt Nam và các nước nghèo khác trên toàn thế giới. Riêng Việt Nam, suốt 30 năm qua, ông không nhớ tổng số tiền đã giúp đồng bào trong nước. Chỉ biết rằng, cứ khi nào nghe tin đồng bào mình bị lũ lụt, hoàn cảnh của trẻ em bị chất độc da cam Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, ông lại gửi tiền về hoặc trực tiếp đến tận nơi làm từ thiện, với suy nghĩ giản đơn: “Mình có ăn phải nghĩ đến người khác”.

Tuy ở xa đất nước nhưng tình quê, tình dân tộc vẫn cứ ăn sâu bám rễ trong mỗi người con Việt. Ông Bùi Chí Soát, người Việt ở Ucraina tâm sự: sống ở nước ngoài, ra khỏi nhà là hít thở bầu không khí không phải của quê hương mình. Lúc ấy mới thấm thía hai chữ đồng bào. Khi khó khăn, hoạn nạn, ở Ucraina hay ở bất kỳ đất nước nào khác, cộng đồng người Việt đã gắn kết, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau để vươn lên nơi xứ người, từ đó tạo dựng hình ảnh đẹp về con người VN giàu lòng nhân ái và mang đậm truyền thống văn hóa dân tộc. Anh Nguyễn Xuân Cảnh, Phó Chủ tịch Hội người Việt ở Thành phố Ga-thô-nô, CHLB Đức bộc bạch: “Về văn hóa muốn tạo dựng những ngày hội như tết nguyên đán, một năm một lần. Để cho thế hệ thứ 2, 3 hiểu về bản sắc văn hóa  Việt Nam, trong những ngày hội đó, chúng tôi có làm những món ăn ẩm thực đặc sắc của VN để các cháu hiểu được. Ví dụ ngày tết phải có bánh chưng, có giò, có chả. Ngoài ra, chúng tôi đã tổ chức xin thành phố học hai lớp tiếng Việt. Giáo viên dạy, thành phố ở Đức và chế độ xã hội Đức tài trợ hoàn toàn. Đó rất là mừng. Hai năm vừa qua, các cháu đã theo học lớp Tiếng Việt. Hai lớp tương đối đông. Các cháu đã đạt được kết quả nhất định, đã đọc và viết được tiếng Việt”.

Nhu cầu học và giữ gìn tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là rất lớn. Sau 6 năm thực hiện đề án “Hỗ trợ việc dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài”, kiều bào ở các nước láng giềng như Lào, Campuchia, Thái Lan và một số nước Đông Âu như Ba Lan, Cộng hòa Séc, Ucraina… mừng vui vì đề án này đã góp phần củng cố, giữ gìn ngôn ngữ tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài một cách hiệu quả. Chương trình Trại hè Việt Nam do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức hàng năm cũng là một hoạt động có ý nghĩa trong việc trau dồi tiếng Việt cho thanh thiếu niên kiều bào, đồng thời là nhịp cầu đưa các em gần lại với quê hương hơn, hiểu rõ về quê hương hơn. Lê Hoàng Diệu Linh, sinh ra tại Ucraina, hiện đang học cùng lúc hai trường Đại học: Đại học Ngoại thương Hà Nội và Học viện Luật tại thành phố Odessa. Được tham dự trại hè Việt Nam 2011, Linh tâm sự: “Chúng em tự hào Việt Nam đang thu hút rất nhiều khách du lịch. Rất mong muốn sau này sẽ có nhiều bạn từ Ucraina về Việt Nam, chỉ cho các bạn thấy Việt Nam đang phát triển rất tích cực và các bạn có thể đóng góp vào quá trình phát triển đó. Để Việt Nam có thể phát triển nhiều hơn như thế Việt Nam sẽ trở thành một đất nước tuyệt vời cho các con sau này, hơn các nước châu Âu đã và đang phát triển”.

“Tương lai của đất nước đang nằm trong tay thanh niên vì thế chúng em phải cố gắng học thật giỏi và tiếp tục yêu nước như bây giờ để có thể quay về Việt Nam và đóng góp phần phần phát triển Việt Nam thành một đất nước mạnh hơn”. Câu nói của Linh làm tôi vững tin vào thế hệ trẻ kiều bào và cũng càng thêm tin tưởng về một Việt Nam cất cánh, ngang hàng với những con rồng của châu Á, bằng những bứt phá thần kỳ./.

Lan Phương

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu