Kiều bào chung sức cùng TP HCM chống dịch

Việt Anh
Chia sẻ
(VOV5) - "Chúng ta luôn luôn phải chuẩn bị tâm thế là giãn cách này có thể còn tiếp tục còn những đợt giãn cách tiếp, nhưng phải vừa làm vừa tăng miễn dịch cộng đồng bằng vaccine."

Nghe âm thanh tại đây:

 Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp với Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM mới đây đã tiếp tục tổ chức Hội thảo trực tuyến về sức khỏe: “Chuyên gia kiều bào chung sức cùng Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch”.

Chương trình nhằm tiếp tục kêu gọi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài chung tay cùng với Thành phố trong công cuộc phòng chống dịch, đặc biệt là kêu gọi kiều bào có chuyên môn chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất các biện pháp chống dịch phù hợp trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn ra hiện nay.

Kiều bào chung sức cùng TP HCM chống dịch - ảnh 1Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tuyến, là hoạt động trong chuỗi các hội thảo do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài kết hợp với các đơn vị liên quan thực hiện nhằm kêu gọi kiều bào có chuyên môn chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất các biện pháp chống dịch covid 19  phù hợp - Ảnh chụp màn hình.

Tại buổi hội thảo, chuyên gia kiều bào, bác sĩ Vũ Ngọc Khuê (ở Mỹ) - cựu bác sĩ Phòng Dịch tễ Viện Pasteur TPHCM, nói về chiến lược và kế hoạch khống chế dịch Covid-19 “4 tuần cho 4 cốt lõi và 4 mục tiêu”. Theo ông, ba chiến tuyến chống dịch gồm: Người dân tại nơi cư trú; lực lượng y tế, bác sĩ, y tá trong bệnh viện, cơ sở y tế hay khu cách ly điều trị bệnh nhân; các lực lượng vũ trang. Bốn mục tiêu mà bác sĩ Vũ Ngọc Khuê đặt ra là: Điều trị bệnh nhân tích cực, giảm thiểu tử vong càng thấp càng tốt; ngăn chặn và chấm dứt lây lan, kéo đường biểu đồ dịch bệnh xuống dần và đi tới bằng 0; khử trùng, thanh lọc môi trường để người dân sống an toàn và đề phòng tái phát; mở lại các hoạt động kinh doanh khi hội đủ các yêu cầu hết dịch. “Cần có kế hoạch toàn diện, được chuẩn bị đầy đủ, chi tiết và cụ thể. Điều kiện tiên quyếtc ho dập dịch covid 19 biến thể Delta thành công là một kế hoạch toàn diện, mọi người đồng tâm, đồng loạt và đồng thời.” – Bác sĩ Khuê khẳng định.

Kiều bào chung sức cùng TP HCM chống dịch - ảnh 2Bài thuyết trình của ông Trần Trọng Hùng, Phó chủ tịch Cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan.

Ông Trần Trọng Hùng, Phó chủ tịch Cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan, Trưởng ban Hỗ trợ và Phòng chống Covid-19 cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan, từ kinh nghiệm của cộng đồng trong phòng chống dịch covid tại nước sở tại, đề xuất về xây dựng và hoàn thiện các đường dây nóng để hướng dẫn người dân xử lý tình huống tại nhà khi thấy có dấu hiệu mắc Covid-19, với ba phao hỗ trợ phòng chống dịch: phòng triệt để - chống ngay lập tức - cấp cứu kịp thời: “Việc biến mỗi gia đình bệnh nhân thành một phòng bệnh giống như hiện giờ các nước đang sử dụng nghĩa là cách ly người bệnh tại nhà, sẽ giảm tải cho bệnh viện, nếu mỗi người đều quyết tâm dùng ba phao để hỗ trợ thì chắc chắn tỉ lệ tử vong sẽ giảm đi đáng kể.

Có một việc cấp thiết đó là có các cơ sở hoạt động ngoài bệnh viện, nghĩa là các nhóm hỗ trợ đến từng gia đình, thì việc hỗ trợ các gia đình sẽ thành một vòng khép kín. Hơn nữa việc hỗ trợ vật chất cho người dân trong vùng cách ly, hoàn toàn cách ly tuyệt đối F0 là việc rất đáng quan tâm vì như thế họ sẽ yên tâm chữa bệnh.”

Nói về kinh nghiệm xét nghiệm Covid-19 diện rộng, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thái, kiều bào Mỹ đã giới thiệu giải pháp PCR siêu nhạy của TS, BS Hồ Hữu Thọ ở Học viện Quân y, Hà Nội, đây là phương pháp đã được sử dụng hiệu quả trong phòng chống dịch ở Bắc Giang và hiện nay tại TP HCM. TS Nguyễn Đức Thái khẳng định, giải pháp này của TS Hồ Hữu Thọ, với độ nhạy cao hơn PCR thường, và độ chính xác cao, sẽ giúp tìm được các biến chủng đột biến khi dịch bùng phát trên diện rộng và ở nhiều nơi như hiện nay. Đây là giải pháp có tiềm năng lớn khi vừa chính xác, vừa gộp được nhiều mẫu tầm soát nhanh nên ít tốn kém.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thái so sánh nếu một bộ test PCR thông thường hiện nay có thể chạy từ 500 – 1000/mẫu một ngày, thì với công nghệ gộp 100 mẫu của Học viện quân y có thể nhân công suất lên 100 lần: “Phương pháp này có thể làm gộp 100 mẫu vẫn chính xác, rất phù hợp với xét nghiệm diện rộng hay xét nghiệm toàn thành phố.”

Kiều bào chung sức cùng TP HCM chống dịch - ảnh 3Thuyết trình của  ông Trần Ngọc Phúc, Chủ tịch công ty Metran Japan - Ảnh chụp màn hình.

Ông Trần Ngọc Phúc, Chủ tịch công ty Metran Japan, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nhật Bản chia sẻ chiến lược tổng quát về sử dụng máy thở cho bệnh nhân Covid-19, không nên mua những loại quá đắt tiền và khó sử dụng khi không đủ nhân lực vận hành.

Theo ông Trần Ngọc Phúc: “Làm sao chúng ta mua máy thở để đại đa số nên mua máy thở mà đại đa số bác sĩ tuyến tỉnh, huyện và bệnh viện dã chiến có thể dùng một cách an toàn cho bệnh nhân. Chọn máy thở có giá thành thấp để có thể mua được nhiều máy đáp ứng nhu cầu số lượng bệnh nhân tăng đột biến. Cần tăng thêm số lượng máy CPAP, máy tạo oxy, máy đo oxy bão hòa đáp ứng cho bệnh nhân cách ly tại nhà, giảm bớt số bệnh nhân phải di chuyển đến bệnh viện tuyến trên…”.

Là bác sĩ làm việc tại nhiều bệnh viện ở Pháp, TS BS Võ Toàn Trung, ngưởi Việt ở Pháp cho rằng, cần phải tập trung xây dựng ngay các phương án với tình hình xấu, đặc biệt nguy hiểm khi tỷ lệ mắc bệnh vượt quá khả năng chăm sóc của hệ thống y tế. theo TS, BS Võ Toàn Trung, lực lượng y tế cần tổ chức thành 3 nhóm, các nhóm này sẽ lần lượt thay thế nhau để có thời gian nghỉ ngơi, tránh quá tải cho hệ thống y tế. Khi nhóm 1 làm việc thì nhóm 2 nghỉ ngơi. Nhóm 3 là lực lượng dự bị sẵn sàng làm nhiệm vụ ở những vùng khó khăn nhất.

“Chúng ta đang trong quá trình giãn cách như thế này thì tiêu chí của chúng ta khi ra khỏi giãn cách là như thế nào? Điều thứ nhất, giãn cách để giảm tải cho hệ thống y tế, là khi chúng ta giảm khả năng lây nhiễm, từ đó giảm tải hệ thống y tế, bảo vệ cuộc sống cho người dân. Thứ hai khi chúng ta chưa được tăng cường hệ thống phát hiện và loại trừ các nguyên nhân gây bệnh, tức là các F0, F1 bằng cách tăng cường các hệ thống xét nghiệm trên diện rộng thì chúng ta khó có thể bỏ giãn cách. Vì thế điều tiên quyết thứ hai là phải tăng cường trang bị xét nghiệm trên diện rộng. Điều thứ ba là phải tính toán việc bỏ giãn cách nhưng phải bỏ một cách từ từ và có phương pháp.

Nếu chúng ta chưa có miễn dịch cộng đồng, chưa làm các biện pháp tăng cường xét nghiệm, chưa có các biện pháp phát hiện sớm nhất gây ra lây nhiễm, thì chừng ấy chũng ta vẫn có nguy cơ bùng dịch tiếp. Vì thế chúng ta luôn luôn phải chuẩn bị tâm thế là giãn cách này có thể còn tiếp tục còn những đợt giãn cách tiếp, nhưng phải vừa làm vừa tăng miễn dịch cộng đồng bằng vaccine. Tôi hy vọng chúng ta sẽ có được số lượng vaccine đầy đủ ở mức có thể tạo được miễn dịch cộng đồng, đặc biệt là với TP HCM. Đấy là thời gian chúng ta cần tính toán dựa trên khả năng vaccine. Mà thời gian này theo tôi dự đoán thì chắc chắn không thể sớm trước đầu năm 2022.” - TS BS Võ Toàn Trung khằng định.

Kiều bào chung sức cùng TP HCM chống dịch - ảnh 4Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phát biểu tại buổi hội thảo. - Ảnh chụp màn hình

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài ghi nhận những đóng góp rất lớn của kiều bào cùng đất nước: “Theo thống kê sơ bộ của chúng tôi cho đến nay kiều bào đã quyên góp ủng hộ trong nước khoảng 35 tỷ đồng cho phòng chống dịch covid và hơn 13,8 tỷ đồng cho quỹ vaccine và công tác phòng chống dịch cùng nhiều vật tư y tế, thiết bị, nhân lực và vật lực khác. Một số kiều bào cũng đã chuyển giao công nghệ và chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch, đángc hú ý là kể cả trực tiếp tham gia vào tuyến đầu chống dịch.”

Tri ân sự đóng góp của kiều bào, cũng như những ý kiến đóng góp quý báu tại hội thảo lần này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu bày tỏ mong muốn kiều bào tiếp tục chung tay cùng TPHCM nói riêng và đất nước nói chung trong những hoạt động phòng chống dịch, kết nối các nguồn lực cùng tham gia trên nhiều phương diện để có thể giúp thành phố và cả nước vượt qua đại dịch

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu