Khát vọng ngày khai trường của học sinh Việt tại Áo

Chia sẻ
Sang Áo học tập, học sinh Việt Nam vẫn khắc khoải nhớ về quê hương và mong muốn giáo dục nước nhà sẽ được quan tâm nhiều hơn.

Sang Áo học tập, học sinh Việt Nam vẫn khắc khoải nhớ về quê hương và mong muốn giáo dục nước nhà sẽ được quan tâm nhiều hơn.

Những ngày tháng 9 này, học sinh nước Áo cũng bước vào năm học mới. Với học sinh Việt Nam, lễ khai giảng ở những ngôi trường cũ- nơi mà họ ra đi vẫn nguyên vẹn trong ký ức.

Ngày khai giảng năm học 2012 – 2013 ở Vienna (Cộng hòa Áo) vẫn bình lặng êm đềm, chỉ khác ngày thường ở chỗ, trên các chuyến tàu điện, xe buýt, đường phố râm ran tiếng cười nói và những gương mặt rạng rỡ của học sinh.

Khát vọng ngày khai trường của học sinh Việt tại Áo  - ảnh 1
Trường Bundesrealgymnasium, Billroth Strasse ngày khai giảng

Tiếng trống trường Việt Nam vẫn dạt dào cảm xúc


Dù đã sang Áo được gần 4 năm, nhưng mỗi khi đến ngày khai giảng, Đức (học sinh trường Füstenfeld-Burgenland) vẫn bồi hồi khi nhớ về những kỷ niệm trong lễ khai giảng ở Việt Nam.

Quê ở một huyện ven biển tỉnh Nam Định, mỗi khi chuẩn bị bước vào khai giảng, Đức lại cùng lũ bạn đi tập đội ngũ, tập nghi thức, múa, đánh trống ... Những gương mặt tươi rói trong bộ đồng phục, tiếng trống trường rộn rã báo hiệu một năm học mới bắt đầu như giục dã, vẫy gọi... Bây giờ không còn được nghe tiếng trống trường, tâm trạng Đức thấy bâng khuâng.

Lễ khai giảng tại Áo, mỗi trường có một cách làm riêng. Tại trường Gymnasium Henretten Platz, quận 15, Vienna, ngày khai giảng, cô giáo chủ nhiệm đến điểm danh học sinh, thăm hỏi học sinh dịp hè đi nghỉ những đâu, có chuyện gì vui thì kể cho cả lớp cùng nghe... Sau đó, cô phổ biến nội quy, hướng dẫn các thủ tục bảo hiểm y tế, mua vé phương tiện công cộng...

Khát vọng ngày khai trường của học sinh Việt tại Áo  - ảnh 2

Ngày khai giảng ở Áo chỉ khác ngày thường ở chỗ trên đường phố râm ran
tiếng cười nói của học trò


Còn ở trường Füstenfeld nơi Đức học, nghi thức trang trọng hơn, nhà trường tổ chức cho học sinh đến nhà thờ, hát thánh ca, sau đó linh mục lên chúc các em một năm học mới tốt đẹp. Tất cả không quá 30 phút. Thầy hiệu trưởng đến từng lớp với mấy câu ngắn gọn: “Chúc các em một năm học mới nhiều niềm vui”. Vậy là hết. Giờ phút ấy, gương mặt thầy cô, bạn bè và không khí ngày khai giảng ở trường Giao Long (Giao Thủy, Nam Định) cứ hiện về trong tâm trí Đức.

Thầy giáo-người bạn lớn


Ngày mới sang Áo học, khi thấy bạn ngồi trong lớp tranh luận với thầy, Đức há hốc mồm, mắt tròn mắt dẹt. Nhưng hóa ra ở đây lại rất khuyến khích tính phản biện của học sinh. Trong cơ cấu tính điểm tổng kết quy định, 50% là điểm kiểm tra học kỳ, 20% điểm kiểm tra miệng, 30% là bài tập về nhà và thái độ xây dựng bài trên lớp.

Việc phát biểu xây dựng bài trên lớp không quan trọng ở việc đúng, sai mà ở thái độ có tích cực “cãi” hay không. Học sinh hay “cãi” được đánh giá rất cao. Hết giờ học, thầy và trò nói chuyện với nhau như bạn, cởi mở, thoải mái. Ở hành lang, sân chơi hay trong phòng làm việc, thầy sẵn sàng giải thích kiến nghị, thắc mắc của học sinh. Nếu bận, thì thầy đưa ra cuộc hẹn. Thứ Sáu hàng tuần là lịch dành cho phụ huynh có nhu cầu gặp nhà trường.

Lớp của Đức, cô dạy môn tiếng Anh, học sinh nào cũng “ngán”. Cô vào lớp với nét mặt lạnh như băng, không bao giờ nói đùa. Không khí trong lớp căng như dây đàn. Mỗi lần học sinh trả lời sai là cô tỏ thái độ khó chịu, chê bai...

Khát vọng ngày khai trường của học sinh Việt tại Áo  - ảnh 3



Kết thúc học kỳ 1, nhiều học sinh không đạt yêu cầu môn tiếng Anh. Học sinh đã làm bản kiến nghị, đề nghị thầy chủ nhiệm góp ý cho cô giáo: “Sau mỗi lần sai sẽ học được điều gì đó. Mong cô đừng quá nghiêm khắc với sai sót của học sinh”.

Đúng như lời hứa của thầy chủ nhiệm, hôm sau có tiết học tiếng Anh, cô giáo phân bua, và từ đó cô thường xuyên kể cho học sinh những câu chuyện cười bằng tiếng Anh.

Biết Đức là người nước ngoài, gặp khó khăn trong học ngoại ngữ, một cô giáo ở trường mà em không biết tên đã chủ động gặp Đức với mong muốn giúp em học tập tốt hơn. Cô đã tặng Đức cuốn sách Ngữ pháp tiếng Đức, bằng hai thứ tiếng Việt - Đức và một tập băng đĩa học tiếng Đức. Tình cảm và sự quan tâm của cô đã khiến Đức cảm động không nói nên lời.

Tặng quà xong cô còn nhắc lại, vướng mắc, khó khăn gì, em gọi cho tôi bất cứ lúc nào. Thỉnh thoảng cô lại gặp Đức hỏi: “Em ổn chứ!? Kể xong câu chuyện, Đức hóm hỉnh bảo: Có thể thầy cô ở đây cũng thuộc khẩu hiệu “Tất cả vì học sinh thân yêu!”.

Mặc dù mối quan hệ cởi mở, nhưng khi kiểm tra, thi cử, thầy giáo giám sát rất nghiêm. Thông thường mỗi lớp có từ 20-25 học sinh, mỗi học sinh ngồi một bàn. Bước vào phòng thi, học sinh chỉ được mang theo bút, thầy luôn đứng ở vị trí bục giảng, kiểm soát từng cử chỉ của trò. Hết giờ thầy thu bài ngay. Tuy nhiên, đề bài có vấn đề gì chưa rõ, học sinh được quyền hỏi để thầy giải thích. Không bao giờ thầy nhân nhượng việc xin điểm, nhưng nếu học sinh có nhu cầu muốn nâng điểm thì thầy giáo đồng ý cho kiểm tra lại bằng miệng.

Mơ ước tương lai


Học sinh Áo được hưởng rất nhiều ưu đãi của phúc lợi xã hội. Học phổ thông không phải đóng tiền học phí. Đối với bậc đại học, chỉ học sinh người nước ngoài mới phải đóng khoảng 800 euro/năm. Mỗi đứa trẻ người Áo sinh ra được nhà nước tài trợ khoảng 200 euro/tháng. Nếu tiếp tục học đại học, học nghề thì sẽ được hưởng số tiền này đến năm 26 tuổi. Sách giáo khoa, có trường cấp miễn phí, có trường thu khoảng 20 euro/bộ, chỉ bằng 1/10 giá bán ở hiệu sách.

Bắt đầu từ năm học 2012 này, không kể học sinh nước ngoài hay người bản xứ, đều được mua vé phương tiện công cộng 60 euro/năm học (trong khi vé thông thường là 6 euro/ngày). Với vé này, học sinh được đi tất cả các loại phương tiện công cộng ở Vienna và một số bang lân cận.

Khát vọng ngày khai trường của học sinh Việt tại Áo  - ảnh 4

Giờ ngoại khóa của học sinh trường Billroth Strasse 3, quận 19, Vienna

 

Trong 3 tháng hè, học sinh được đi phương tiện công cộng miễn phí. Mỗi tuần nhà trường tổ chức dạy thêm 3 buổi chiều, không phải trả tiền. Học sinh tự đăng ký theo nguyện vọng, những học sinh Việt Nam thường đăng ký học thêm tiếng Đức, tiếng Anh; còn học sinh bản xứ thường đăng ký học bóng đá, nhạc, họa...

Nông thôn Áo, dân cư ít nên học sinh cấp 2, cấp 3 thường phải đi học rất xa, có nơi phải đi gần 30 km mới có trường. Tuy nhiên, việc đi lại không mấy khó khăn, hàng ngày học sinh được xe buýt đưa đón và mỗi năm phải trả 20 euro/người.

Nhà Đức cách trường 25 km, sáng nào cũng vậy, đúng 7h30, Đức ra trạm xe buýt đầu làng đón xe đi học, đến trường lúc 7h50 vào học là vừa. Đức bảo, đi mấy chục cây số nhàn tênh, chỉ vất vả những ngày có tuyết phải đi bộ ra trạm xe buýt và chậm một chút là mất buổi học.

Đức say sưa kể cho tôi nghe ngôi trường của mình, về dàn vi tính mới coong vừa được thay thế trong phòng học tin, về những cây đàn piano sang trọng trong phòng học nhạc, về sân học thể dục trong nhà giống như sân Quần Ngựa ở Liễu Giai mà đã có lần lên Hà Nội được xem ... 

Đức thủ thỉ: “Cháu mong một ngày không xa, các bạn học sinh ở Việt Nam cũng sẽ được ngồi trong những ngôi trường như vậy. Và nhất định điều đó sẽ thành hiện thực...! ”./.

Theo Lê Chiên/VOVonline

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu