Gia đình đa văn hóa: Sắc màu của tình hữu nghị Việt Nam- Hàn Quốc

Hà Linh
Chia sẻ
(VOV5) -Theo số liệu thống kê, hiện cộng đồng người Việt Nam ở Hàn Quốc có khoảng 160.000 người, trong đó cô dâu Việt chiếm phần lớn.

Một trong những hợp tác phát triển rất tốt đẹp hiện nay giữa Hàn Quốc và Việt Nam giao lưu nhân dân, trong đó những gia đình đa văn hóa Việt Hàn được coi là nhịp cầu gắn kết tình hữu nghị giữa hai đất nước. Câu chuyện về hai phụ nữ Việt lấy chồng Hàn Quốc, mỗi người một hoàn cảnh nhưng luôn biết tự điều chỉnh và nỗ lực rất nhiều để có được cuộc sống hòa hợp và hạnh phúc.

 Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Chị Thu Huyền 28 tuổi, một nhân viên của một công ty Hàn Quốc có chi nhánh tại Hà Nội lấy chồng Hàn Quốc được gần 3 năm. Chị kể, 4 năm trước, chị quen anh Kang Tae-su nhân một lần anh sang công tác Việt Nam. Lần gặp đầu tiên đó, Huyền có cảm tình đặc biệt với chàng trai Hàn Quốc quê ở Deajeon và anh Kang Tae-su cũng vậy.

Gia đình đa văn hóa: Sắc màu của tình hữu nghị Việt Nam- Hàn Quốc - ảnh 1Chị Thanh Huyền đang làm cho một ty Hàn Quốc tại Hà Nội. - Ảnh nhân vật cung cấp 

Tuy vậy, chị Huyền khi đó không nghĩ sau này sẽ lấy chồng nước ngoài.Khi chúng em hẹn hò, bố mẹ em phản đổi ghê lắm bởi họ sợ sau khi kết hôn em sẽ về Hàn Quốc làm dâu và sẽ mất con. Đó mới là điều khó khăn nhất với em khi quyết định yêu anh ý.”

Thế rồi, những lần sang công tác Việt Nam của Kang Tea-su thường xuyên hơn. Sau khi 2 người chính thức hẹn hò, anh Kang Tae-su xin công ty mẹ ở Hàn Quốc được chuyển hẳn công việc sang Việt Nam để gắn bó lâu dài  ở đây: “Vì vợ tôi là con gái duy nhất trong gia đình nên nếu như chúng tôi kết hôn xong mà về Hàn Quốc sống thì bố mẹ cô ấy sẽ rất buồn vì không thường xuyên gặp con gái. Vì thế, tôi đã quyết định ở hẳn Việt Nam và sống cùng gia đình nhà vợ. Ở Hà Nội, tôi có công việc, có gia đình, có đồng nghiệp Hàn Quốc nên tôi không có gì phải lăn tăn cả.”

Trong 3 năm đầu ở rể, anh Kang Tae-su cho biết không có gì là khó khăn để hòa nhập với nhà vợ và anh rất thích cuộc sống ở Việt Nam. Còn nàng dâu người Việt tên Huyền cũng được gia đình chồng quý mến: Điều thuận lợi là vợ tôi khá giỏi tiếng Hàn nên cuộc sống không có vấn đề gì. Về văn hóa, Việt nam và Hàn Quốc có khá nhiều nét tương đồng nên nhiều khi tôi không cảm nhận được là mình đang sống ở nước ngoài. Tôi cũng khá hợp khẩu vị món ăn Việt Nam. Gia đình nhà vợ và bạn bè Việt Nam rất yêu quý tôi. Khó khăn một chút là tôi chưa nói giỏi tiếng Việt để có thể giao tiếp nhiều với mọi người”.

“Vợ chồng em chưa bao giờ cãi nhau. Em giao tiếp rất tốt với gia đình chồng bằng tiếng Hàn và bố mẹ chồng hàng ngày gọi điện cho em. Còn chồng em cũng biết chăm chỉ học tiếng Việt. Bản thân em luôn phải tự điều chỉnh để hòa hợp với chồng và gia đình chồng. Có thời gian là về thăm gia đình Hàn Quốc và đi du lịch cùng nhau để giải tỏa căng thẳng.”Chị Huyền nói, 

Gia đình đa văn hóa: Sắc màu của tình hữu nghị Việt Nam- Hàn Quốc - ảnh 2Vợ chồng chị Huyền và anh Kangte-su : - Ảnh nhân vật cung cấp

Cũng lấy chồng Hàn Quốc nhưng với chị Bùi Thanh Xiêm không được thuận lợi như chị Thu Huyền. Sau khi kết hôn với người chồng Hàn Quốc, chị phải theo chồng về Busan làm dâu xứ người. Thời gian đầu, do bất đồng về văn hóa, phong tục, tập quán lại chưa thông thạo tiếng Hàn nên cuộc sống thời điểm đó của chị tưởng như không chịu nổi: “Chồng em làm nghề lái xe tải đường dài. Mới đầu sang, cuộc sống rất khó khăn dù em đã biết tiếng. Những năm đầu làm dâu ở với mẹ chồng, em thường ăn cơm với nước mắt.Lúc nào cũng cảm thấy bơ vơ, tủi thân. Em phải nhịn rất nhiều vì gia đình chồng phong kiến. Họ nóng tính và chồng em cũng vậy.”

Không cam chịu cảnh sống phụ thuộc, chị Xiêm tìm một việc làm tại một công ty phân phối mỹ phẩm với mức thu nhập ổn định. Chị chọn công việc không quá bận rộn để vẫn có thể chăm lo con cái, gia đình chồng và quan trọng hơn những lúc vui buồn chị luôn có bạn để chia sẻ:

“Ở bên đó, em cũng tham gia hội cô dâu Việt. Chị em thường tư vấn, tâm sự và giúp đỡ nhau kịp thời. Những lúc khó khăn, em đến Trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa. Khi có vấn đề khúc mắc họ thường tìm cách giúp đỡ. Đến giờ cuộc sống của em đã ổn định, gia đình chồng thân thiện hơn rất nhiều. Chồng em cũng biết thương vợ, chia sẻ, đồng cảm và ủng hộ em hơn”. Chị Xiêm tâm sự

Gia đình đa văn hóa: Sắc màu của tình hữu nghị Việt Nam- Hàn Quốc - ảnh 3Các cô dâu Việt Nam tại Hàn Quốc thường xuyên gặp gỡ, nói chuyện vơi bớt nỗi nhớ quê hương -Ảnh: Guro Family Center

Để có cuộc sống gia đình bình yên, những phụ nữ như chị Xiêm, chị Huyền luôn nỗ lực rất nhiều. Bởi các chị hiểu rằng, làm dâu vốn đã không dễ huống chi lấy chồng nước ngoài.

Theo chị Huyền, dù lấy chồng gần hay xa thì quan trọng nhất phải luôn biết trân trọng bản thân, cố gắng làm việc, vun vén hạnh phúc mà mình đang có: “Em nghĩ, khi kết hôn với người nước ngoài thì quan trọng nhất phải xuất phát từ tình cảm chứ không nên chọn vật chất. Đặc biệt, hai bên phải tìm hiểu rất kỹ trước khi quyết định kết hôn. Trước khi lấy nhau, phải tìm hiểu về phong tục, văn hóa và ngôn ngữ của nhau. Có như vậy, vợ chồng mới có thể chia sẻ, thấu hiểu. sống hòa hợp và có một cuộc hôn nhân hạnh phúc.

Theo số liệu thống kê, hiện cộng đồng người Việt Nam ở Hàn Quốc có khoảng 160.000 người, trong đó cô dâu Việt chiếm phần lớn. Còn tại Việt Nam cũng có khoảng 150 nghìn công dân Hàn Quốc đang sinh sống và làm việc, chủ yếu ở thành phố HCM…Và,  biết đâu trong số họ sẽ hình thành những cặp đôi mới, góp thêm sắc màu cho mối giao lưu hữu nghị Việt Nam- Hàn Quốc.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu