Duy trì tình yêu tiếng Việt nơi đất nước triệu voi

Chia sẻ
(VOV5) - Việc duy trì thực hành tiếng Việt với các thế hệ con em em kiều bào tại Lào là thực sự cần thiết.  

Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam tại Lào có khoảng 30.000 người và con số này còn tăng lên do vị trí địa lý gần gũi cũng như lịch sử lâu đời giữa hai quốc gia. Chính vì lẽ đó, việc duy trì thực hành tiếng Việt với các thế hệ con em em kiều bào tại Lào là thực sự cần thiết.  

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Duy trì tình yêu tiếng Việt nơi đất nước triệu voi - ảnh 1Học sinh lớp 1 của Trường Song ngữ Lào - Việt Nguyễn Du trong ngày khai giảng. - Ảnh: Phạm Kiên/Phóng viên TTXVN tại Lào 

Khác với nhiều quốc gia trên thế giới, tại Lào việc giảng dạy tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam luôn được đặc biệt chú trọng hơn cả. Nếu như ở nhiều nước, các lớp dạy tiếng Việt thường chỉ được tổ chức vào các dịp cuối tuần, một tuần chỉ có một buổi thì ở Lào, ngoài những lớp học tiếng Việt lẻ, còn có những ngôi trường song ngữ có bộ môn chính là tiếng Việt. Ví dụ tại trường song ngữ Nguyễn Du tại thủ đô Viên – chăn, các em học tiếng Việt một tuần từ 4-6 tiết, và là một học phần chính trong chương trình của mình.

Giáo trình tại trường song ngữ Nguyễn Du áp dụng rất linh hoạt, do đặc thù dạy tiếng Việt cho các em từ khi còn rất nhỏ. Theo Cô giáo Lương Thị Thêu, một giáo viên dạy bậc tiểu học của trường song ngữ Nguyễn Du, việc bắt đầu giảng dạy tiếng Việt từ cấp tiểu học là vô cùng cần thiết vì ở lứa tuổi này, việc tiếp thu tiếng Việt sẽ đạt hiệu quả tốt hơn. Cô giáo Lương Thị Thêu chia sẻ: “Về giáo trình, các thầy cô có giới thiệu sách tiếng Việt vui, tiếng Việt cơ sở và Quê Việt. Ở trường chúng em nếu áp dụng các loại giáo trình này cũng chưa phù hợp lắm. Cũng tuỳ vào tình hình của trường áp dụng phương pháp đó. Ví dụ như tại trường Nguyễn Du, từ lớp 1 đến lớp 3 học vần, sau đó lớp 4 trở lên mới học giao tiếp”

Đội ngũ các thầy cô giáo dạy tiếng Việt tại Lào phần nhiều là những người tốt nghiệp Đại học sư phạm tại Việt Nam và chọn đất nước Lào là quê hương thứ hai để sinh sống và giảng dạy. Nhưng bên cạnh đó cũng có những người Việt sinh sống tại Lào. Cô giáo Nguyễn Thị Chinh sinh sống tại Lào từ năm 2003 và đến năm 2009 cô bắt đầu giảng dạy tiếng Việt tại trường song ngữ Nguyễn Du. Cô Chinh tâm sự: “Khi bước vào nghề dạy tôi cũng gặp khá nhiều khó khăn vì không phải chuyên môn sư phạm, cũng chưa biết cách truyền đạt, nhưng sau một năm, hè đó các cô ở trường Nguyễn Du, quận Hoàn Kiếm sang giảng dạy các phương pháp. Sau đó là mình tiếp thu được mình cảm thấy việc giảng dạy dễ dàng hơn Dần dần dạy lâu mình cũng có kinh nghiệm”

Đối với những người bắt đầu nghề nghiệp khi không có chuyên môn sư phạm như cô Chinh ban đầu sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng chính tình yêu nghề và khao khát giữ gìn tiếng nói dân tộc đã là động lực mạnh mẽ để cô đứng bục giảng 10 năm nay. Cô Chinh bộc bạch: “Khi bắt đầu vào trường mình cũng không biết có thể theo nổi hay không nhưng khi dạy được một thời gian, mình thấy rất vui khi các em Lào hoặc các em Việt Nam chưa biết đọc biết viết nhưng sau một thời gian mình giảng dạy lại biết đọc biết viết nên mình cảm thấy rất vui. Giờ là yêu nghề và không muốn bỏ nghề rồi.

Trong số những thầy cô dạy tiếng Việt hiện nay tại Lào, có lẽ cũng cần phải kể đến thế hệ con em Việt kiều thứ hai, thứ ba. Khăm-đi-khăm thing Ma-la năm nay 25 tuổi có bố là người Việt, mẹ là người Lào. Từ nhỏ, được bố dạy tiếng Việt Khăm-đi đã luôn mong muốn rằng mình sẽ là thế hệ nối duy trì tiếng quê hương nơi đất nước triệu voi. Hiện nay, Khăm-đi đang thực tập bộ môn giảng dạy tại khoa tiếng Việt, Đại học ngôn ngữ, Đại học Quốc gia Lào. Khăm đi chia sẻ: “Nghề giáo viên tôi rất thích, vì tôi muốn giảng dạy cho trẻ em, học sinh muốn học tiếng Việt, muốn tìm hiểu về văn hoá Việt Nam. Tiếng Việt là một thứ tiếng rất nổi tiếng ở bên Lào và được sử dụng khá là nhiều, sinh viên Lào sang Việt Nam học cũng khá là nhiều. Thứ hai Việt – Lào cũng gần nhau là hai nước anh em. Tiếng Việt rất quan trọng đối với đất nước Lào, cho nên cần phải duy trì và học hỏi”.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn tiếng Việt, các thầy cô giáo viện kiều bào tại Lào luôn mang trong mình tâm huyết, nỗ lực duy trì  tiếng nói dân tộc. Hàng năm, các thầy cô giáo Việt Nam tại Lào luôn là nhóm tích cưch tham dự khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài. Trong bối cảnh hội nhập hiện tại, giữ gìn tiếng Việt tại nước ngoài có lẽ luôn là một hành trình gian truân cần sự nỗ lực và lòng yêu nghề của các thầy cô giáo kiều bào.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu