Dự án “The Human Library” mùa thứ hai - mới mẻ và hấp dẫn

Hồng Anh
Chia sẻ
(VOV5) - “Có một câu chuyện trong mỗi chúng ta”, và chúng tôi chỉ là những người giúp những con người đó có thể kể được câu chuyện của họ.

Dự án “The Human Library” là mô hình “Thư viện sách sống” đầu tiên  được triển khai tại Việt Nam.

Dự án này do chị Lê Anh Thư, sinh viên trường Oberlin College, Mỹ xin bản quyền từ Human Library Đan Mạch để mang về Việt Nam, được sự bảo trợ của Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến và Phát triển Cộng đồng, Bộ Lao động, thương binh và xã hội. Sau thành công của hai mùa dự án được tổ chức năm 2016 và đầu năm 2017, lần này, bên cạnh sự kiện chính là 2 ngày đọc sách với những đầu sách mới, đa dạng và độc đáo, dự án sẽ được mở rộng bằng một chuỗi tiền sự kiện mới lạ, vô cùng hấp dẫn về các vấn đề xã hội quan tâm. Phóng viên VOV5 phỏng vấn  chị Lê Anh Thư, trưởng Ban tổ chức dự án về nội dung này.

Dự án “The Human Library” mùa thứ hai - mới mẻ và hấp dẫn - ảnh 1

Lê Anh Thư (đứng thứ 7 từ trái sang) cùng các thành viên trong Ban tổ chức dự án

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

PV: Xin chào Lê Anh Thư. Được biết năm nay là năm thứ 2 Thư viện sách sống được tổ chức tại Việt Nam. Chị có thể cho biết những điểm mới sẽ có trong mùa này?

Lê Anh Thư: Sau khi tổ chức thành công tại Hà Nội và TPHCM, Thư viện sách sống đã quay trở lại Hà Nội mùa thứ hai. Khi nhận thấy chúng tôi đã có thể xây dựng những ảnh hưởng rất tích cực với giới trẻ cũng như cộng đồng xung quanh, chúng tôi đã quyết định sẽ mở rộng phạm vi hoạt động để có thể đem tới những điều bổ ích và có ý nghĩa hơn cho mọi người. Đó là lý do tại sao mà trước hai ngày đọc sách thường niên, chúng tôi sẽ có thêm 3 sự kiện khác, đó là Triển lãm về những nghề nghiệp nhiều định kiến, một buổi chiếu phim và thảo luận liên quan đến cách thể hiện các vấn đề về giới trong truyền thống, và một buổi biểu diễn nghệ thuật về sức khỏe tâm lý. Ngoài ra chúng tôi cũng làm các video trên mạng về sự đồng thuận trong các mối quan hệ, và cách xã hội đối xử với những người tàn tật, tập trung vào những người câm điếc. Chúng tôi rất hy vọng những hoạt động này sẽ diễn ra suôn sẻ và nhận được sự ủng hộ của mọi người.

PV: Như vậy năm nay Thư viện sách sống sẽ có thêm những hình thức hoạt động mới. Thế nhưng trọng tâm của dự án này luôn tập trung vào những vấn đề xã hội?!

Lê Anh Thư: Chúng tôi vẫn tâm huyết với đề tài này vì chúng tôi cảm thấy còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết nhưng giới trẻ hoàn toàn có thể góp sức để thay đổi những định kiến và phân biệt đó. Sau khi chúng tôi đã giúp rất nhiều người thay đổi các định kiến qua mùa đầu, thì những phản hồi tích cực đó chính là động lực để chúng tôi xây dựng những chương trình mới mẻ, thú vị và có chiều sâu hơn để giúp đỡ không chỉ cho những người chịu phân biệt và định kiến, mà còn giúp cộng đồng xung quanh thấu hiểu họ hơn, và có thể mở rộng vòng tay với họ. Đó là lý do tại sao mà chúng tôi luôn trăn trở và suy nghĩ xem chúng tôi nên làm gì để có thể mở rộng phạm vi, đến được với nhiều người hơn, có thể giúp đỡ nhiều đối tượng hơn.

PV: Chị có thể chia sẻ những kết quả cụ thể của mùa một Thư viện sách sống được tổ chức tại Việt Nam?

Lê Anh Thư: Ở Hà Nội chúng tôi đã đón 500 người đọc trong vòng 2 ngày, và có hơn 20 đầu sách. Sau đó khi vào TPHCM thì lượng người đọc đã lên tới 800 – 900 người và 35 đầu sách. Tôi nhận thấy ngày càng có nhiều độc giả quan tâm đến thư viện sách sống hơn, và hy vọng trong 2 ngày đọc sách sắp tới, chúng tôi sẽ đón được khoảng 1.000 lượt người đọc với 35 đầu sách. Thực sự chúng tôi rất vất vả trong quá trình chuẩn bị cho 2 ngày đọc sách với nhiều đầu sách như vậy, cộng thêm đó là 3 tiền sự kiện và các video trên mạng. Chúng tôi đã phải tăng cường nhân lực với số lượng cộng tác viên tăng thêm, đồng thời phải phân chia nhóm để có thể giải quyết một khối lượng công việc khổng lồ trong khoảng thời gian ngắn mà vẫn có hiệu quả và đạt được yêu cầu về nội dung và cách thể hiện. Quá trình chuẩn bị có nhiều khó khăn vì chúng tôi vẫn là một nhóm người trẻ, đa số còn là sinh viên hoặc thậm chí cả các học sinh cấp 3. Chúng tôi vẫn có nhiều điều chưa hiểu rõ và có nhiều mảng kiến thức còn hổng, nhưng quá trình làm việc đã giúp mọi người hiểu nhau, giúp đỡ nhau để đạt được mục đích tốt đẹp nhất, đúng với tôn chỉ hoạt động của Human Library là “Có một câu chuyện trong mỗi chúng ta”, và chúng tôi chỉ là những người giúp những con người đó có thể kể được câu chuyện của họ.

PV: Những đầu sách – hay chính là những số phận, những cảnh đời, hay những tính cách đặc biệt của các cá nhân rất đặc biệt - sẽ đến trong hai ngày đọc sách… Có lẽ việc thuyết phục họ nhận lời tham gia dự án này cũng không phải là một việc dễ dàng?

Lê Anh Thư: Ban đầu vẫn có những người ngại ngùng khi chia sẻ câu chuyện riêng của mình tới đám đông. Nhưng nhìn chung các đầu sách năm nay đều hiểu rõ rằng không những họ góp phần cải thiện hiểu biết của xã hội mà còn giúp cho chính cộng đồng của họ được thấu hiểu và được đón nhận tốt đẹp hơn, do đó họ có tinh thần hợp tác rất tốt. Mỗi người sẽ thu được một kết quả nào đó. Với một số người, đó là sự giải tỏa và kết thúc, khi họ nói ra những trải nghiệm của mình trong quá khứ thì cũng là một cách để tự chữa lành cho bản thân, cho bản thân mình một cơ hội để để lại quá khứ và bước tiếp. Với một số người khác thì đây là cơ hội để giúp cộng đồng nâng cao nhận thứ. Họ là cầu nối giữa hai thế giới tưởng chừng như khác biệt. Họ mang câu chuyện của họ ra để xã hội hiểu rằng thực sự là họ không khác biệt đến mức độ đó, nếu có sự thấu hiểu thì có thể xây dựng một mối quan hệ dựa trên nền tảng là sự tôn trọng. Với mọt số người khác thì đây lại là cơ hội để giao lưu học hỏi, khi được gặp các dầu sách khác, cũng như được làm việc với Ban tổ chức gần 100 người trẻ rất năng nổ, nhiệt huyết, trong đó có nhiều bạn rất giỏi, nhiều kiến thức… Tôi nghĩ rằng dù đầu sách đạt được gì từ trải nghiệm này, thì tôi rất hy vọng họ có thể đi về sau 2 ngày đọc sách với tâm trạng thoải mái, phấn khởi hơn với những người bạn, những người đồng hành thực sự tin tưởng họ, sẵn sàng lắng nghe câu chuyện của họ.

PV: Xin cảm ơn Lê Anh Thư, và chúc cho mùa thứ 2 Thư viện sách sống tại VN sẽ đạt được thành công.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu