Dấu ấn của Trại hè Việt Nam 2013

Lan Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Trại hè Việt Nam 2013 đã khép lại với nhiều hoạt động ý nghĩa xuyên suốt 3 miền Bắc, Trung, Nam từ mảnh đất địa đầu cực Bắc tới điểm tận cùng cực Nam của Tổ quốc. Trại hè Việt Nam đã cung cấp cho thanh thiếu niên Việt Nam ở nước ngoài những kiến thức về địa lý, về lãnh thổ quốc gia, lịch sử dân tộc; giúp các em tiếp cận và tiếp thu trực tiếp những tinh hoa văn hóa dân tộc.

(VOV5) - Trại hè Việt Nam 2013 đã khép lại với nhiều hoạt động ý nghĩa xuyên suốt 3 miền Bắc, Trung, Nam từ mảnh đất địa đầu cực Bắc tới điểm tận cùng cực Nam của Tổ quốc. Trại hè Việt Nam đã cung cấp cho thanh thiếu niên Việt Nam ở nước ngoài những kiến thức về địa lý, về lãnh thổ quốc gia, lịch sử dân tộc; giúp các em tiếp cận và tiếp thu trực tiếp những tinh hoa văn hóa dân tộc.

Dấu ấn của Trại hè Việt Nam 2013 - ảnh 1
Một nhóm thanh niên kiều bào tại chân cột cờ Lũng Cú, Hà Giang



Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Đi dọc dài đất nước qua 9 tỉnh, thành phố của cả ba miền đất nước từ Hà Giang đến Cà Mau, các thanh niên, sinh viên kiều bào được hòa mình vào không gian cổ kính của các di tích lịch sử hàng trăm năm tuổi, thả hồn vào những thắng cảnh đẹp đặc sắc và thơ mộng. Đào Kiều Oanh sinh viên năm thứ nhất trường Đại học America- Rumani tâm sự, Oanh đã từ chối suất học bổng du học Hà Lan một năm để chọn về tham dự trại hè năm nay. Dù rằng đã vài lần về Việt Nam cùng bố mẹ, nhưng đây là một cơ hội hiếm hoi để Oanh có thể hiểu nhiều hơn về đất nước. Còn Dương Thanh Nga, hiện đang học cao học ở thành phố Montpellier, nước Pháp thì bày tỏ, hai năm trước em gái Nga đã được tham dự trại hè. Qua lời kể của cô em gái, các đại biểu trại hè  được đi thăm nhiều nơi, nhiều di tích lịch sử của đất nước, Nga rất thích và nhất quyết không bỏ lỡ trại hè năm nay: “Hà Giang địa đầu đất nước chuyến đi khá vất vả nhưng có nhiều kỷ niệm khó quên vì cảnh núi non quá hùng vĩ. Các điểm đến này không phải ai cũng đến được. Em gặp được các bạn người  dân tộc thiểu số, cũng biết thêm một số điều mới. Chúng em được đi như thế này quá là tuyệt vời.”- Nga tâm sự.

Huỳnh Việt Hưng, người Việt ở liên bang Nga, thì ấn tượng về văn hóa ẩm thực phong phú mà tinh tế của Việt Nam: “Cháu được thưởng thức các món ăn giản dị và ngon của ba miền Bắc, Trung, Nam. Cháu biết ơn ban tổ chức đã cho chúng cháu trải nghiệm một chuyến đi xuyên Việt đầy ý nghĩa. Một trại hè nhiều cảm xúc sẽ mãi ở trong tim cháu.”

Trại hè Việt Nam 2013 với số lượng lớn nhất từ trước đến nay với gần 200 đại biểu cũng là dịp để các thành viên trong đoàn được làm quen với nhau, được tìm hiểu về đời sống của những bạn bè gốc Việt như mình ở 25 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đoàn Thị Quỳnh Trang, 17 tuổi ở Ucraina, bộc bạch: “Trại hè là cơ hội mở mang kiến thức, biết được nhiều người, làm quen với nhiều bạn, học hỏi văn hóa từ các bạn đến từ nhiều nước khác nhau. Đi như thế này rất vui. Em được làm quen với nhiều bạn mới nhiều lúc biết mặt, không biết tên như ở CHLB Đức, một số nước ở Châu Âu, trao đổi facebook với nhau. Sau trại hè này, nếu có cơ hội trở lại, em rất muốn đi nhưng không phải đi một mình mà đi cùng bạn bè vui hơn nhiều”.

Mỗi mảnh đất, địa danh đoàn trại hè đi qua đều để lại trong mỗi thành viên sự xốn xang xúc động. Tiết mục biểu diễn võ thuật trên quê hương anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ trên đất võ Bình Định cho Lưu Danh Hiệp, đang sống và học tập ở Cộng hòa Séc nhiều cảm xúc về truyền thống thượng võ của cha ông: “Trước đây, em chỉ biết đến võ của Trung Quốc. Về đây, em mới biết đến võ Bình Định, em thật sự ấn tượng với bộ môn này. Không ngờ người Việt Nam lại có một môn võ tuyệt vời như thế. Khi về Séc, em sẽ cố gắng tìm hiểu. Em rất muốn học môn võ thuật này”.

Qua những chuyến về nguồn, tới các khu di tích lịch sử, các em đã hiểu hơn về truyền thống lịch sử của đất nước từ đó có ý thức hơn về trách nhiệm đối với Tổ quốc mình. Tại Khu trưng bày Hòn Đá Bạc, bạn Nguyễn Tiến Thành về từ Áo đã viết vào sổ lưu bút như thế này: “Chúng cháu đời đời nhớ ơn các anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đã quyết tâm ý chí sẵn sàng chiến đấu vì sự nghiệp bảo vệ an ninh tổ quốc Việt Nam thân yêu. Nhờ công lao hết sức ý nghĩa của các chiến sĩ, chúng cháu mới được như ngày nay...”.

Dưới chân Tượng đài Bảo vệ an ninh Tổ quốc trong Di tích Hòn đá Bạc, anh Trương Đăng Khoa, Bí thư tỉnh đoàn Cà Mau cho biết: “Thanh niên kiều bào ít có điều kiện để hiểu biết một cách rộng rãi về các địa danh và di tích lịch sử trong cả nước. Qua đây các em có thể biết rõ hơn, hiểu rõ hơn về về các chiến tích của công an tỉnh Cà Mau về truyền thống, trong thời kỳ kháng chiến”.

Hai mươi ngày xuyên Việt cùng Trại hè Việt Nam 2013 với bao hoạt động phong phú, sôi nổi và ý nghĩa với những dấu ấn của chặng hành trình kỷ niệm 10 năm hoạt động đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng các bạn trẻ kiều bào. Mong ước trở về Việt Nam để đóng góp công sức xây dựng đất nước đang thức dậy trong tâm khảm thế hệ trẻ kiều bào./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu