Các cách đón tết của người Việt ở Nga

Nguyễn Huy Hoàng
Chia sẻ
(VOV5) - Ở nơi nào của xứ lạnh, dù giữa đô hội cộng đồng, dù nơi mịt mù cực Bắc, dù tận nơi thảo nguyên hoang vắng, người Việt ai cũng chúc nhau, cùng hy vọng, một ngày không xa sẽ được đón một cái Tết sum họp ở quê nhà.

(VOV5) - Ở nơi nào của xứ lạnh, dù giữa đô hội cộng đồng, dù nơi mịt mù cực Bắc, dù tận nơi thảo nguyên hoang vắng, người Việt ai cũng chúc nhau, cùng hy vọng, một ngày không xa sẽ được đón một cái Tết sum họp ở quê nhà.

Bấm để nghe âm thanh:



Hơn nửa thế kỷ qua, mùa Đông năm nay, trên khắp nước Nga, đặc biệt là Thủ đô Matxcơva lại chứng kiến một đợt lạnh dai dẳng và khủng khiếp. Hơn một chục ngày, phải hứng chịu cái lạnh dao động từ âm 21 độ đến -29 độ, Matxcơva điêu đứng dưới làn băng giá.


Và trong những ngày giá lạnh lịch sử đó, ngày 20-12 cộng đồng người Việt đã cử hành một lễ tam hỷ tầm vóc tại Nhà Văn hoá trường Đại học Đường sắt kỷ niệm 40 năm Điện biên phủ trên không, 68 năm Ngày thành lập Quân đội và ăn mừng sớm năm mới 2013. Trong bữa tiệc, các vị lãnh đạo và các vị khách Nga đã nâng cốc chúc mừng mùa xuân đến, và ai cũng có một cảm giác năm mới đã rất gần.


Các cách đón tết của người Việt ở Nga - ảnh 1
Chương trình "Xuân Hà Nội" ở thủ đô nước Nga

Người Việt ở Thủ đô Matxcơva, ngay từ cuối tháng 1 dương lịch, tức là giữa tháng 11 ta, đã rạo  rực không khí Tết.


Các công ty, các trung tâm đã làm xong lịch mới mang từ trong nước sang, đã kịp phát cho nhân viên và những người thân thuộc. Hệ thống dịch vụ đã vào guồng chạy với công suất lớn nhất, đánh hàng tới tấp từ Nga về. Dịch vụ đánh về nước từ trứng cá hồi, thịt hun khói, xúc xích, hoa quả châu Âu, cho đến thịt cừu tươi, thịt bò hiệu Voronhej và các thức tẩm bổ mà những thuật ngữ, tên riêng, người viết phải lần mò tra từ điển mới hiểu được.


Ngược lại, họ đánh từ Việt Nam sang những sản phẩm thiết yếu mà người Việt ở Nga không thể thiếu trong dịp Tết. Vào dãy hàng khô ở Rưbac, chợ Xodovod, Liublino, Mê kông giống như là hạ cánh xuống chợ Hàng Da, Đồng Xuân vậy. Không thiếu một thức gì, kể cả những mặt hàng hiếm hoi nhất. Khách hàng có thể mua lá dong, nếp cái, đỗ bóc vỏ, tôm tươi, tôm nõn, bóng miến, gia vị... Ở đây, các nhà dịch vụ mẫn cán quan tâm từ hộp tăm tre cật, đôi đũa sơn, bát đàn, lư hương thờ cúng, kim ngân, rượu nếp. Có thể nói, trên là trời, dưới là hàng Tết.


Nét đặc biệt về mặt văn hoá tâm linh là bất cứ một gia đình người Việt nào tại Nga cũng có bàn thờ cúng gia tiên. Dù mỗi gia đình có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng ai cũng cố sắm các thức bày mâm cúng Tết đủ món, đủ lễ theo một quy ước bất thành văn là xôi gà, rượu trắng, mâm ngũ quả, hương vàng, bánh chưng, và cành đào đỏ. Mặc dù ngoài trời, tuyết bay trắng xoá, nhưng trong nỗi gia đình, khói hương trầm phàng phất, lòng vẫn nghĩ rằng nước Việt ở đâu đây.


Các cách đón tết của người Việt ở Nga - ảnh 2
Sắm sửa đủ lễ vật đưa Táo quân về trời vào 23 tháng Chạp, ngoài cửa sổ tuyết vẫn rơi

Mặc dù không được đông đảo như thời Xô Viết, nhưng số lượng sinh viên ở Nga trong mấy năm gần đây đã tăng trưởng khá mạnh mẽ, chủ yếu bằng con đường du học tự túc. Nhiều nhất vẫn là sinh viên ở Matxcơva, sau đó là các thành phố lớn, còn ở các thành phố xa lơ, xa lắc như Omxk, Orenbua, Khabarovxk, Chiumen, Irkut... có nơi thì hàng chục, nơi có mươi người , hoạ hoằn lắm, mới có nơi chỉ dăm bảy sinh viên.


Sinh viên là thành phần dễ hội nhập với thế giới xung quanh, nên họ dễ hoà đồng với năm mới dương lịch của Nga. Họ cùng sinh viên các nước tham gia lễ hội, tổ chức các cuộc picnich và thả mình vào không khí sôi động của dân địa phương. Điều đáng quý nhất, là dù đi đâu, cái Tết dân tộc đối với họ vẫn thiêng liêng và gần gũi. Dẫu không làm bàn thờ tiên tổ như các gia đình do vì sống ở ký túc xá, nhưng thỉnh thoảng một số sinh viên vẫn dành ra một khoảng nhỏ trên bàn học, thắp nén hương để bái vọng về quê cha, đất tổ.


Các cách đón tết của người Việt ở Nga - ảnh 3
Mâm cỗ Tết của sinh viên Việt ở Mát-xcơ-va

Những Trường Đại học  ở gần cộng đồng người Việt, sinh viên luôn được ưu ái và dành cho một sự quan tâm đáng kể về mặt vật chất. Các cô chú, các đơn vị cộng đồng hỗ trợ cho các đơn vị sinh viên những đồ ăn Tết đủ đầy để giúp các cháu vợi  đi nỗi nhớ nhà. Hầu như đơn vị sinh viên nào cũng chuẩn bị một chương trình văn nghệ tự biên, tự diễn đêm giao thừa, có khi còn lôi kéo được những sinh viên ngoại quốc tham gia.


Ở nơi nào của xứ lạnh, dù giữa đô hội cộng đồng, dù nơi mịt mù cực Bắc, dù tận nơi thảo nguyên hoang vắng, người Việt ai cũng chúc nhau, cùng hy vọng, một ngày không xa sẽ được đón một cái Tết sum họp ở quê nhà./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu