Bác sĩ 25 năm lặng thầm chữa bệnh cho người nghèo

Tú Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Tại một căn nhà nhỏ tại số 7 ngõ 424 phố Thụy Khuê, Hà Nội, đã hơn 20 năm nay, bất kể ngày nắng cũng như ngày mưa, có một vị bác sĩ già vẫn luôn giang rộng vòng tay chào đón và tận tình khám chữa cho những nghèo. 
Bác sĩ 25 năm lặng thầm chữa bệnh cho người nghèo - ảnh 1Bác sĩ, Tiến sĩ Y học Nguyễn Văn Chương 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Gặp bác sĩ, Tiến sĩ Y học Nguyễn Văn Chương, có lẽ không ai nghĩ ông đã ngoài 83 tuổi. Với đôi mắt tinh anh, dáng điệu nhanh nhẹn, ngày ngày bác sĩ tiếp đón rất nhiều bệnh nhân đến phòng khám tại nhà mình. Điều đặc biệt là, bệnh nhân đến đây đều được ông khám bệnh, kê đơn thuốc và tư vấn các chương trình bảo vệ sức khỏe miễn phí.

"Khi tôi ra trường năm 59, tôi phải đi khắp các vùng sơn khu hải đảo, chữa bệnh sốt rét và phòng dịch cho người ta, hải đảo ra tận Cô Tô… Khi về nước tôi lại tiếp tục vào ngành năng lượng là ngành than và điện, một ngành công nghiệp nặng nhọc và nguy hiểm nhất, độc hai nhất của công nhân nên tôi tiếp xúc rất nhiều công nhân mang thương tích bệnh tật nghề nghiệp vì vậy khi về hưu còn sức khoẻ còn kinh nghiệm tôi tiếp tục chữa bệnh mãn tính, bệnh cho người nghèo" - Bác sĩ Văn Chương chia sẻ

Vì những trăn trở này nên sau khi về hưu, bác sĩ Chương đã mở phòng khám “Chữa bệnh vật lý trị liệu phục hồi chức năng” bằng phương pháp đông tây y kết hợp để khôi phục sức khỏe của người lao động nghèo. Căn nhà nhỏ được bác sĩ Chương trưng dụng thành phòng khám với đủ các loại máy móc, thiết bị y tế. Ông kết hợp châm cứu, day bấm huyệt, tác động cột sống, rung lắc cơ, khớp bằng tay và máy nhẹ nhàng để không gây đau đớn cho bệnh nhân. Thời gian điều trị bệnh cho một buổi kéo dài từ 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng đồng hồ.

Anh Đỗ Văn Hiếu là một công nhân xây dựng đã 30 năm nay. Lao động nặng nhọc khiến anh mắc bệnh về cột sống và thoát vị đĩa đệm. Anh đã từng mổ hai lần nhưng vẫn liên tục bị những cơn đau cột sống hành hạ. Nghe danh về y đức bác sĩ Chương, anh lặn lội từ Hà Nam lên phòng khám của bác sĩ. Cách đây 1 tháng, hai chân anh còn tê không đi lại được mà giờ đây anh Hiếu đã có thể điều khiển xe máy và đi lại bình thường.

"Hàng ngày đến đây ông cho thuỷ châm rồi tập các loại máy của ông, rồi ông xoa bóp bấm huyệt cho .Ông là một thầy thuốc giỏi, 83 tuổi rồi mà ông vẫn nhiệt tình chữa cho bệnh nhân rất tốt, ông đúng là một lương y như từ mẫu" - Anh Hiếu bộc bạch.

Các thiết bị y tế một phần do bác sĩ Chương mang về từ những ngày đi học ở nước ngoài, một phần trích lương hưu để mua sắm thêm. Để duy trì, mua thêm máy móc mới, đối với những người làm vật lý trị liệu, tùy theo hoàn cảnh bác sĩ thu một khoản tiền nho nhỏ. Người có kinh tế ổn định, ông chỉ thu bằng 1/3 giá thị trường, trẻ em và người nghèo hơn ông giảm tiếp 50%. Thậm chí với những người ở xa đến hay có hoàn cảnh khó khăn, bác sĩ Chương không nhận một đồng phí nào cả. Bà Nguyễn Thị Thuần, một  Cầu Giấy, Hà Nội bộc bạch: "Về giá cả mà nói ông lấy rất bình thường, rồi ưu tiên những người ở xa, người nghèo, có những người ở Lạng Sơn, Thanh Hoá, Ninh Bình, ông chữa chạy, chỉ bảo rất tận tình. Giá cả ông lấy ưu tiên lắm"

Đón tiếp bệnh nhân từ 7h sáng đến 8h tối tất cả các ngày trong tuần, nhưng có những hôm tiếp những bệnh nhân là người lao động nghèo, đi làm về muộn, bác sĩ lại tiếp tục chữa bệnh đến 10h tối. "Tôi cảm thấy tôi rất hạnh phúc. Theo quan niệm của tôi, giàu sức khoẻ, giàu tình bạn bè nhân loại, nhân ái đấy là vốn quý nhất của đời tôi, giàu cũng không mang đi được. Nhưng nếu làm được điều thiện, điều tốt cho mọi người và mình có sức khoẻ đấy là cái quý nhất rồi". - Bác sĩ Văn Chương nói.

Ở cái tuổi đáng lẽ cần phải được nghỉ ngơi nhưng bác sĩ Chương vẫn chưa từng bao giờ có ý định sẽ dừng lại công việc này. Ngày nắng cũng như ngày mưa, phòng khám nhỏ vẫn luôn mở rộng cánh cửa đón chào bệnh nhân. Bác sĩ Văn Chương tâm niệm, ngoài kia còn đang có rất nhiều người lao động nghèo vẫn chờ mình giúp đỡ.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu