Văn học dịch cầu nối văn hóa Việt với toàn cầu

Hoài Hương
Chia sẻ
(VOV5) -Dịch thuật tác phẩm văn chương nưóc ngoài sang tiếng Việt càng có ý nghĩa hơn khi góp vào công tác ngoại giao văn hóa.

Văn học dịch đã là một thể loại quan trọng trong văn chương Việt. Thế kỷ 21, nhu cầu đối thoại với các nền văn minh toàn cầu càng cao hơn, và các tác phẩm văn học nước ngoài được dịch ra tiếng Việt là một kênh giao tiếp hữu hiệu. Dịch thuật tác phẩm văn chương nưóc ngoài sang tiếng Việt càng có ý nghĩa hơn khi góp vào công tác ngoại giao văn hóa.

Thị trường sách văn học dịch ở Việt Nam hiện rất phong phú, đa dạng, cập nhật khá nhanh các tác phẩm “Best sellers” của thế giới. Nhiều tác phẩm văn học nước ngoài, nhất là những tác phẩm được giải thưởng, kể cả giải Nobel, nhanh chóng có mặt tại Việt Nam qua các bản dịch tiếng Việt.

Báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành cho thấy đăng ký nhập khẩu xuất bản phẩm để kinh doanh tính đến tháng 12/2019 tăng 6,1%  so với năm 2018. Việc tiếp cận xuất bản phẩm nước ngoài ngày càng mở rộng là điều kiện tốt, phần nào phản ánh sự phát triển hoạt động dịch thuật ở nước ta.

Văn học dịch cầu nối văn hóa Việt với toàn cầu - ảnh 1

Văn học dịch là một phần trong văn chương Việt

Cho dù không phải là một thể loại quan trọng trong dòng chảy văn chương Việt đương đại, nhưng những tác phẩm văn học dịch luôn được xem như một kênh soi chiếu, đánh giá, và cả học hỏi về những xu thế sáng tác, những đề tài có tính toàn cầu, những cách tiếp cận hiện thực cuộc sống.

Được xem như là một bộ phận không thể thiếu trong văn chương Việt, nên văn học dịch cũng có một vị trí quan trọng. Ngoài một tiểu ban trong Hội Nhà văn Việt Nam và các Hội Nhà văn địa phương, trong các giải thưởng văn học hàng năm cũng đều có giải dành cho văn học dịch.

Các tác phẩm văn học dịch góp một phần vào việc giới thiệu cho người đọc Việt Nam hiểu được một cách cặn kẽ và cụ thể từng dòng sách văn học của thế giới như: Dòng văn học Ling Lei (Trung Quốc), dòng văn học fantasy (Mỹ), dòng văn học chicklit (Mỹ, Anh)...

Các tác phẩm văn học dịch được giới thiệu thường xuyên và đầy đủ sẽ cung cấp cho các nhà chuyên môn (nhà văn, nhà phê bình văn học, các độc giả trí thức...) cái nhìn khái quát về từng dòng văn học cùng những đặc điểm rõ nét của chúng. Không có gì sát thực hơn việc tìm hiểu từng dòng văn học qua chính những tác phẩm này.

Việc giới thiệu các tác phẩm văn học dịch nước ngoài trong suốt nhiều năm qua khiến chúng ta đã xóa bỏ được khoảng cách với thị trường xuất bản thế giới. Phần lớn các tác phẩm văn học nước ngoài nổi tiếng đều được dịch và phát hành nhanh chóng, chỉ sau bản sách gốc vài tháng, thậm chí có tác phẩm còn tiến hành phát hành song song với quốc gia “chủ”.

Chỉ trong vòng hai năm trở lại đây hàng loạt tiểu thuyết  nước ngoài có giá trị đã đến với bạn đọc Việt Nam qua ấn phẩm dịch ra tiếng Việt. Có thể kể đến tiểu thuyết “Đinh Trang Mộng”- Diêm Liên Khoa (Trung Quốc), Minh Thương dịch; “Shosha”- Issac Bashevis Singer (nhà văn Ba Lan + Mỹ), Hoàng Lam Vân dịch;“Bản ngã”- Laurent Gounelle, Hiệu Constant dịch;

“Con miu cái của nàng Sikirida”- Rachid El-Daif, Thuận dịch; “Chuyến hỏa xa ngầm”- Colson Whiehead, Nguyễn Bích Lan dịch; “Búp bê”- Boleslaw Prus, “Hoàng đế”- Ryszard Kapuscínki, Nguyễn Chí Thuật dịch; “Con gái của những phù thủy”- Dorota Terakowska, Nguyễn Thị Thanh Thư dịch; “Những câu chuyện về phố nhỏ ven sông”- Povidky Malostranke, Bình Clavicka & Dương Tất Từ dịch; “Cái trống thiếc”- Gunter Grass, Nobel văn học, Dương Tường dịch; Gần nhất là “Người đàn bà xấu nhất hành tinh”- Olga Tokaczuk, Nobel văn học 2018, Lê Bá Thự dịch; “Trong một đêm tối trời tôi ra khỏi ngôi nhà tịch mịch”-  Peter Handke, Nobel văn học 2019, Nguyễn Hữu Tâm dịch…

Đội ngũ dịch giả văn học nước ngoài, nhất là các dịch giả trẻ tuổi thông thạo tiếng Anh, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…, kể cả ngôn ngữ hiếm khá đông đảo.

Văn học dịch cầu nối văn hóa Việt với toàn cầu - ảnh 2

Nếu như trước kia người đọc Việt Nam chỉ được đọc những tác phẩm của các nền văn học lớn như: Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp, Mỹ, thì hiện nay người đọc có cơ hội được đọc các tác phẩm văn học của rất nhiều quốc gia khác trên thế giới mà lâu nay hầu như chưa được biết đến như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, các nước Đông Âu, các quốc gia châu Phi…

Số lượng bạn đọc văn học dịch ở Việt Nam cũng ngày càng tăng, được thể hiện ở sức mua và việc tái bản các tác phẩm văn học nước ngoài đã được dịch sang tiếng Việt ngày càng nhiều hơn cả về số bản sách và số đầu sách. 

Văn học dịch mở cửa với thế giới

Thế giới ngày càng có nhu cầu đối thoại và hợp tác nhiều hơn để giải quyết những vấn đề toàn cầu. Trong đó văn hóa là chất xúc tác đặc biệt quan trọng cho sự thấu hiểu lẫn nhau giữa các bên, và văn chương trở thành cây cầu nối thân thiện khiến các bên cảm mến, xích lại gần nhau. Văn học dịch vì thế cũng có ý nghĩa không nhỏ trong việc tạo ra cánh cửa mở với toàn cầu, một kênh ngoại giao hữu ích.

Văn học dịch cầu nối văn hóa Việt với toàn cầu - ảnh 3

Nhìn ngược lại, giữa tháng 2/2019, Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV và Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III đã trở thành tâm điểm chú ý của giới văn chương nói riêng và công chúng yêu văn học nói chung. Tham dự Hội nghị có gần 200 nhà thơ, dịch giả đến từ 46 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trước đó, Hội nghị lần thứ I tổ chức năm 2002, chúng ta đón 25 dịch giả đến từ 22 quốc gia. Hội nghị lần thứ II tổ chức năm 2010 có sự hiện diện của 108 đại biểu của 34 quốc gia. Ðến Hội nghị lần thứ III tổ chức năm 2015, Việt Nam đã đón 151 khách quốc tế đến từ 43 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Số lượng đại biểu quốc tế tham dự Hội nghị lần thứ IV gia tăng đáng kể là tín hiệu đáng mừng, cho thấy việc trao đổi văn chương giữa Việt Nam với thế giới đã nhận được sự hồi đáp tích cực của bạn bè quốc tế. Văn học dịch là sự giao lưu giữa hai nền văn hóa, dẹp bỏ hàng rào ngôn ngữ để người đọc đến được, tiếp cận được với các nền văn hóa khác. Đây chính là sứ mệnh “đại sứ ngoại giao” của văn học dịch.

Bên cạnh những câu chuyện, những nhân vật trong các tác phẩm văn học dịch, bạn đọc Việt còn có thể mường tượng được phần nào về bối cảnh xã hội, con người hiện đại và cuộc sống xã hội của các quốc gia bạn bè nói chung, và một số nét văn hóa, lịch sử, địa lý... của nước xuất bản tác phẩm đó.

Các tác phẩm được dịch sang tiếng Việt cũng ngày càng phong phú về thể loại và đề tài, giúp người đọc Việt Nam tiếp cận toàn diện hơn, sâu sắc hơn với văn học thế giới, đồng thời tạo điều kiện để người Việt hiểu biết nhiều hơn về văn hóa của các quốc gia bạn bè.

Ở một khía cạnh khác, dịch giả các tác phẩm văn học dịch là một “đại sứ” đặc biệt, dịch giả ngoài giỏi ngoại ngữ, về chuyên môn phải biết cách thích nghi với mọi cách tân, bút pháp mới, thể nghiệm của nhà văn nước ngoài, phải nắm bắt được hồn cốt của tác phẩm, văn phong của tác phẩm (giọng điệu), còn phải am tường, tinh thông, có hiểu biết sâu sắc về nền văn hóa mà dịch giả đang tiếp xúc trong văn bản, về hai nền văn hóa, hoặc đa văn hóa, để có bản dịch tốt nhất, chuyển tải đúng và hay nội dung và hình thức của tác phẩm mình dịch.

Theo xu hướng toàn cầu, đối thoại với các nền văn minh, hiểu biết và tôn trọng, các quốc gia là bạn bè trong tình đoàn kết, hữu nghị, hòa bình.., văn học dịch là một kênh ngoại giao văn hóa hữu ích, và làm tốt công tác này không chỉ góp phần làm giàu cho văn chương Việt, mà còn là cách tiếp cận nhanh nhất đến bạn bè quốc tế./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu
Trần Phi
Hay quá chị