Trà và Trà Đạo trong mắt người thưởng trà

Hoài Hương
Chia sẻ
(VOV5) -Cuối năm 2019, Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố ngày 21/5/2020 là ngày Trà (Chè) Thế giới lần đầu tiên, như một cách vinh danh loại thức uống có lịch sử hàng mấy ngàn năm.

Trà bắt nguồn từ châu Á đã trở thành thông dụng toàn cầu hôm nay, và còn là sự chú ý đến một ngành công nghiệp mang nhiều lợi nhuận. Xung quanh loại thức uống này có rất nhiều điều thú vị, đặc biệt là “Trà Đạo” của người châu Á.

Trà đã trở thành đồ uống được nhiều người sử dụng nhất trên toàn cầu. Số liệu đưa ra tại Diễn đàn Trà thế giới năm 2018 cho thấy trong tổng số đồ uống không cồn sử dụng trên toàn cầu thì trà chiếm 266 tỷ lít. Tính trung bình trên toàn cầu, mức tiêu thụ trà là 35,1 lít/người, cao hơn so với đồ uống có gas (30,6 lít) và cà phê (21,1 lít).

Và trà trở thành thức uống toàn cầu với nhiều hình loại khác nhau, tùy theo phong thổ địa lý, phong tục tập quán bản địa, phong cách uống trong văn hóa ẩm thực quốc gia, vùng miền… Nhưng thường khi đề cập đến trà và văn hóa trà, người ta hay nói đến hai chữ “Trà Đạo” từ vài quốc gia châu Á.

Trà Đạo từ nơi được tương truyền là xứ sở gốc của trà là Trung Quốc với nhiều thú thưởng trà tinh tế, Trà Đạo từ Nhật Bản nơi Trà như một thức uống mang tính ẩn dụ về phẩm cách khí chất con người, Trà Đạo Việt như một văn hóa giao tiếp đặc trưng nhất là trong giới tao nhân mặc khách cầm kỳ thi họa.

Từ xuất xứ huyền bí kỳ ảo

Người ta đã bỏ công ra tìm hiểu về nguồn gốc của Trà, theo truyền thuyết của Trung Quốc thì vua Thần Nông (2700 ÂL) trong dịp tuần du đã khám phá ra công hiệu của Trà, người đã truyền dạy dân Trung Quốc dùng Trà từ đó.

Theo sử sách thì Trà dược dùng như vật cúng tế vào đời nhà Tây Chu (1027-771ÂL), dùng như vật để nhai như trầu vào thời Xuân Thu (403-221ÂL), đến đời Tần và Hán (221TCN-8 SCN), trà được ép thành dạng viên và phơi khô. Vào thời Tam Quốc (220-264 Tây lịch) trong sách y dược, danh sư Hoa Đà cho biết dược tính của Trà vị đắng, uống lâu sẽ làm tăng khả năng suy tư.

Một truyền thuyết khác cho rằng tổ Bồ Đề Đạt Ma khi mới hành thiền, ngài ngồi ở cửa hang động, mỗi khi ngài bị thân xác quấy nhiễu là bị rơi vào giấc ngủ, để cho tỉnh thức, ngài bèn cắt mí mắt liệng đi, nơi đó lại mọc thành cây, lá có hình dạng con mắt, người ta hái lá nấu nước uống, thấy nó có tác dụng làm con người tỉnh táo, đó là lá trà ngày nay?

Trà du nhập vào Nhật Bản lại qua các tăng sĩ Phật giáo Nhật Bản đã “Nhập Tống cầu Pháp”, khi từ Trung Quốc về nước đã mang theo cả phong cách Thiền trà. Trong đó có Thiền sư Vinh Tây (Eisai, 1141-1215) thuộc phái Hoàng Long, tông Lâm Tế, ông về nước lập Thánh Phước Tự ở Hakata và Kiến Nhân Tự ở Kyoto, xiển dương Thiền tông, thiền sư đem giống trà Thiết Quan Âm từ Trung Quốc về Nhật, ông viên tịch năm 1215.

Năm 1610, những nhà buôn người Đức nhập cảng trà lần đầu tiên vào Âu châu từ hai nước Trung Quốc và Nhật Bản. Năm 1650, các thuyền buôn Đức lại nhập cảng trà vào Mỹ Châu. Năm 1657 lần đầu tiên trà được bán tại các quán cà-phê ở Anh và nó mau chóng trở nên lọai thức uống thông dụng đặc biệt ở nước này.

Về trà ở Việt Nam, theo sách An Nam chí lược của Lê Tắc (TK XIII) có ghi: “Vào tháng 5, năm thứ thứ tám, niên hiệu Khai Bảo, Đinh Liễn có tiến cống nhà Tống vàng, lụa, sừng tê, ngà voi và trà thơm.”

Sách “Vân Đài loại ngữ” của Lê Quý Đôn (1726-1784) ghi ở mục IX về “Phẩm vật”: “Trà là một loại cây quý ở phương Nam, cây như Qua lô, lá như chi tử (dành- dành) hoa như tường vi trắng (loại hoa hồng nhỏ) quả như Tinh Biền lư, nhị như đinh hương, vị rất hàn.”

Trong cuốn sách “Trà Kinh” của Lục Vũ (sinh năm 733 là con nuôi của một Thiền sư Trung Quốc) có ghi: “Qua lô ở phương Nam cũng tựa như trà mà nhị đắng. Người ta nấu lấy nước uống thì suốt đêm không ngủ được. Các xứ Giao Châu và Quảng Châu rất quí trà ấy, mỗi khi có khách đến chơi thì pha mời...”

Những tài liệu trên, cho thấy Trà ở Việt Nam ta đã có từ trước và dân ta đã biết dùng Trà từ lâu.

Năm 1976, ông Djemukhatze một nhà nghiên cứu thuộc Hàn lâm Viện Khoa học Liên Xô (cũ) đã đến nghiên cứu vùng trà cổ thụ tại Việt Nam trong hai năm liền bằng phương pháp sinh hóa thực vật. Ông đã tìm ra những vết tích cây và lá trà hóa thạch từ thời đồ đá ở vùng đất tổ Hùng Vương- Phú Thọ.

Tại vùng Suối Vàng, Nghĩa Lộ, Yên Bái trên độ cao khoảng 1,000m trên mặt biển, có một vùng trà rừng hoang dại khoảng 40.000 cây, có ba cây trà cổ thụ sống hàng ngàn năm, cây lớn nhất chiều cao khoảng 9m, vòng thân độ ba người ôm không xuể, ở vùng Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn cũng có những cây trà hoang cổ thụ cao tới 18m.

Do đó, ông khẳng định Việt Nam chính là quê hương của cây trà trên thế giới?

Và hiện tại có vô vàn loại trà: Trà xanh, hoàng trà, bạch trà, thanh trà, hồng trà, hắc trà… trà theo vùng, các danh trà nổi tiếng không thể nào kể hết. Còn có đủ kiểu, đủ quy tắc, cách thức về pha trà, thưởng thức trà… Cho dù là bất kể nói đến loại nào, thì từng người yêu trà sẽ có cách riêng của mình để mà thưởng thức, để mà bình phẩm.

Đến “Trà Đạo” là tinh hoa văn hóa

Người châu Á xem trà như một thứ thức uống không phải chỉ là để uống, để giải khát, hay để cho những cuộc giao tiếp thông thường, mà được nâng lên thành một phẩm vị cao quý mang trong mình những tinh hoa của một nền văn minh - văn hóa.

Đối với những ai yêu trà và biết thưởng trà thì từ lâu người ta đã không coi trà chỉ đơn thuần là một thức uống, mà xem nó giống như biểu hiện của bách thái nhân sinh: Đối với mỗi người khác nhau có tâm thái khác nhau…

Trân quý ly trà ngon, đợi chờ người tri kỷ. Trong mắt người yêu trà, mỗi một loại trà đều có một phẩm chất khác nhau, mà mỗi người yêu thích loại trà nào, còn phải tùy thuộc vào sở thích cá nhân của người đó, tùy thuộc tâm tình vào thời khắc thưởng trà của mỗi người, mỗi loại trà khác nhau, ở những thời khắc khác nhau sẽ gây cho người thưởng thức trà những cảm thụ và lý giải khác nhau.

“Trà Đạo” là nghệ thuật che giấu cái đẹp mà người ta có thể khám phá ra được và gợi ra những điều mà tự mình không dám tiết lộ. Nó là cái pháp ảo diệu cao quý tự cười mình, tuy bình tĩnh nhưng rất đáo để và cũng vì thế mà nó chính là “u mặc” cái cười của triết học…

Theo “Sound of Hope” luận về “Trà”: Vị trà vô hình mà sâu xa. Nhân sinh như 3 chén trà: Đắng tựa cuộc đời, ngọt tựa tình ái, nhạt như gió thoảng. Pha trà, biết tâm tính. Uống trà, biết ý vị. Luận trà, biết tâm tư…

Trà như thơ: Có uyển chuyển hàm xúc, có phóng khoáng ngang tàng; Trà cũng như thư pháp: có đầy đặn như “khuôn trăng”, có thanh mảnh cứng cáp như “liễu cốt”, có quy củ như Lệ Khải, có mãnh liệt phóng khoáng như “Điên trương cuồng tố”. Mỗi người lại bởi vì mỗi nguyên nhân khác nhau mà thích trà, vì thanh đạm, vì ngọt hậu, vì đắng cay, vì nhẹ nhàng, vì hồi vị…”

Một bình trà ấm áp tỏa hương thơm ngát bầu bạn bên cạnh khiến cho ta cảm thấy duyên phận cuộc đời càng trở nên ý vị. Hiểu được tâm ý của người mà thuận theo đó là trà ý nhân sinh, là một loại đại khí, là một loại mênh mông vô ngần.

Trà thanh tịnh, tâm bình thản. Dùng tâm bình thản cảm nhận thanh tịnh trà, dùng thanh tịnh trà để nuôi dưỡng tâm bình thản. Cũng giống như “Tâm ngoại vô Phật”, trà đạo cũng không mang nhiều lý luận cao thâm. Dụng tâm pha trà, dùng chân thành tha thiết đối người, hương thơm quẩn quanh phiêu tán, dư hương cùng chờ đợi vĩnh viễn không tản mất.

Trên thực tế, như lời học giả và trà sư Sen Soshitsu XV, hậu duệ đời 15 của đại trà sư Sen Rikyiu, người đặt nền móng cho “Trà Đạo” ở Nhật Bản vào thế kỷ XVI, đã viết: “Trà đạo, dưới con mắt của nhiều người nước ngoài thường xuyên bị bao phủ trong một tấm màn huyền bí. Thật ra, nguyên lý của nó rất đơn giản: một nhóm nhỏ bạn bè gặp nhau trong mấy tiếng đồng hồ, cùng nhau dùng thức ăn nhẹ và thưởng thức vài chén trà, dĩ nhiên tuân theo cung cách nhất định, để cùng nhau buông mình vào khoảnh khắc hoàn toàn thư giãn giữa cuộc sống luôn luôn sôi động, đầy rẫy những chuyện trớ trêu”- Kakuzo Okakura, “The Book of Tea”, Duffield & Company, , 1906- “Quyển Sách Về Trà”, 1906

Nói cho đúng, “Trà Đạo” có những phép tắc của nó. Theo tổ sư Rikyiu (1522-1591), những phép tắc ấy gói gọn trong bốn từ gốc Hán: wa-kei-sei-jaku - Hòa - Linh - Tinh- Mịch. Vẫn theo Sen Soshitsu XV, bốn từ wa-kei-sei-jaku không hàm chứa những gì quá ư cao siêu, huyền bí, ngoài khuôn khổ cuộc sống thường nhật.

“Một bếp đun nước, một lò hương thơm, một lọ hoa cắm chỉ một bông như mọc lên từ kẽ đá. Ngồi trong căn phòng lặng im nghe tiếng nước sôi nhè nhẹ như gió, người ta cảm thấy như ngồi giữa một am thảo nơi sơn dã, chỉ có mây trắng và tiếng nhạc thiên nhiên làm bạn, lòng cảm thấy thanh thoát. Con người vượt lên trên những giới hạn tương đối và một thoáng nhìn vào vĩnh cứu"- Kakuzo Okakura, “The Book of Tea”, Duffield & Company, 1906- “Quyển Sách Về Trà”, 1906...

Có một loại hạnh phúc giản dị như uống trà. Uống trà như là một cách thể hiện tâm tình đối với cuộc sống, pha một ly trà, cảm thụ hương vị tự nhiên toát ra từ lá trà, bỗng thấy lòng an nhiên trước bao ồn ào cuộc sống. Và đó chính là “Trà Đạo”./.

 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu