Dơi, có phải là nguồn gốc của đại dịch Covid -19?

Nguyễn Thị Vân Nga
Chia sẻ
(VOV5) -PGS.TS. Vũ Đình Thống - Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam trả lời phỏng vấn về chủng virus mới SARS-CoV-2.

Một trong những vấn đề được từng người dân và cả xã hội quan tâm nhất hiện nay là tình hình đại dịch Covid-19 do chủng vi rút mới (SARS-CoV-2) gây ra. Cho đến nay, vẫn chưa thể đoán định được về diễn biến của dịch bệnh vô cùng nguy hiểm và khó lường này. Đáng chú ý, chúng ta vẫn chưa rõ nCoV-2019 có nguồn gốc từ đâu. Một số nguồn tin cho rằng chủng vi rút này xuất phát từ các loài dơi hoặc một số loài động vật hoang dã khác. Với mong muốn cung cấp cho người đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này, VOV5 đã có buổi phỏng vấn PGS.TS. Vũ Đình Thống - Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm KHCNVN.

Dơi, có phải là nguồn gốc của đại dịch Covid -19? - ảnh 1

PV: Thưa PGS.TS. Vũ Đình Thống, chúng ta đang trong những ngày đối phó với đại dịch Covid - 19.  PGS có thể chia sẻ suy nghĩ của mình khi mỗi ngày đọc tin tức về virus mới SARS-CoV-2.

PGS.TS Vũ Đình Thống: Đại dịch Covid-19 do chủng virus mới (SARS-CoV-2) gây ra đã và đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của từng người dân và cả xã hội. Có lẽ, suy nghĩ và cảm nhận tôi cũng tương tự như mỗi người dân trong thời gian này là sự nguy hiểm của SARS-CoV-2, sự diễn biến khó đoán định của dịch bệnh; luôn trong trạng thái cẩn trọng tối đa; cập nhật thông tin hàng ngày về tình hình dịch bệnh qua các phương tiện thông tin khoa học và đại chúng.

PV: Một số nguồn tin cho rằng: “SARS-CoV-2 có cấu trúc gen giống virus phát hiện ở dơi năm 2017; đồng thời, nôi của tâm dịch là chợ đầu mối hải sản và buôn bán động vật hoang dã Hoa Nam ở TP.Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc” – theo Báo Thanh Niên. Là một chuyên gia đầu tiên của Việt Nam nghiên cứu về dơi từ năm 1998 đến nay, PGS có ý kiến gì về vấn đề này?

PGS.TS Vũ Đình Thống: Ngay từ khi có hiện tượng dịch bệnh lạ, các nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu với mong muốn tìm hiểu rõ về SARS-CoV-2 và nguồn gốc của chủng virus mới này. Một nhóm tác giả người Trung Quốc công bố kết quả trên tạp chí Nature, ngày 23 tháng 01 (công bố chính thức ngày 03 tháng 02) năm 2020, cho thấy trình tự gen của SARS-CoV-2 tương đồng khoảng 79,6% so với chủng virus SARS-CoV gây đại dịch SARS trước đây; đồng thời, tương đồng gần 96% so với toàn bộ hệ gen của một chủng virus corona phát hiện ở dơi. Dựa trên kết quả công bố đó, một số phương tiện thông tin đại chúng đưa ra thông tin nhận định SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ dơi. Tuy nhiên, chính nội dung bài báo nêu trên cũng không khẳng định SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ dơi hay bất kỳ loài động vật hoang dã nào. Do vậy, cần có kết quả nghiên cứu kỹ hơn, bao quát hơn, bao gồm kết quả nghiên cứu từ người bệnh và các loài dơi cũng như động vật khác. Mặt khác, ngay cả khi phát hiện được chủng virus SARS-CoV-2 ở dơi hay bất kỳ loài động vật nào khác, cũng cần nghiên cứu rõ cơ chế lây nhiễm mới có thể khẳng định xem có loài động vật nào là nguồn gốc của virus gây bệnh dịch. Hơn nữa, một số kết quả nghiên cứu trong những ngày gần đây đã phần nào cho thấy nguồn gốc của đại dịch Covid-19 không phải có nguồn gốc từ chợ hải sản và buôn bán động vật hoang dã ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc.

Cũng cần lưu ý là: Các loài động vật được buôn bán ở chợ hải sản và động vật hoang dã thuộc thành phố Vũ Hán rất đa dạng, bao gồm cả động vật hoang dã và động vật nuôi như cầy, dúi, rắn, gà, lợn, chó, v.v.... Do vậy, cần nghiên cứu về dịch tễ học trên cả đối tượng vật nuôi và động vật hoang dã mới có thêm thông tin với hy vọng có thể xác định được cơ chế lây nhiễm bệnh dịch giữa dơi nói riêng và động vật hoang dã nói chung với con người.

Dơi, có phải là nguồn gốc của đại dịch Covid -19? - ảnh 2PGS.TS. Vũ Đình Thống và bà Nguyễn Thị Vân Nga - Giám đốc Trung tâm Thông tin - Tư liệu Viện Hàn Lâm KHCN VN. 

PV: Thưa PGS, nếu quả thực dơi là ổ tự nhiên của các loại virus thì cơ chế lây lan qua các vật chủ sẽ được xác định như thế nào?

PGS.TS Vũ Đình Thống: Những kết quả nghiên cứu trong nhiều năm qua đã phát hiện nhiều loài virus, trong đó có những loài thuộc họ Corona. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có kết quả nghiên cứu nào xác định cơ chế lây nhiễm những  virus Corona đã phát hiện đó từ dơi sang người. Thực tế, giới động vật rất đa dạng. Do vậy, có thể virus Corona còn ở nhiều loài động vật khác mà các nhà khoa học chưa phát hiện.

PV: Dơi đang mùa ngủ đông thì khả năng phát tán virus từ cơ thể nó diễn ra như thế nào?

PGS.TS Vũ Đình Thống: Như đã nêu trên, các nhà khoa học chưa xác định được cơ chế lây nhiễm virus giữa các loài dơi và con người. Do vậy, chưa có thông tin về việc xác định cơ chế lây nhiễm virus giữa các loài dơi và con người nói chung và trong thời kỳ ngủ đông nói riêng.

PV: PGS có những khuyến cáo như thế nào về mối quan hệ giữa dơi và các loài virus gây bệnh thành đại dịch cho cuộc sống con người?

PGS.TS Vũ Đình Thống: Thực tế, trong hệ sinh thái tự nhiên, mỗi loài sinh vật đều có vai trò, vị trí nhất định và bình đẳng, cần có môi trường sống thích hợp và không bị tác động. Chúng ta cũng cần hiểu rõ hơn về sự đa dạng của các loài dơi cũng như sự đa dạng về sinh cảnh sống của chúng. Nhiều loài dơi sinh sống trong những hang động, nhiều loài kiếm ăn trong những trang trại cây ăn quả, trong những công trình xây dựng cũ, v.v... Tuy nhiên, do chưa có cơ sở khoa học về cơ chế lây nhiễm virus hoặc bệnh dịch từ dơi sang người nên không thể khuyến cáo cụ thể. Tuy nhiên, có một khuyến cáo đối với những người dân địa phương săn bắt dơi để ăn thịt hoặc uống tiết dơi với rượu. Bất luận có lây nhiễm hay không thì hoạt động săn bắt dơi cũng gây đến nhiều hệ lụy; trong đó, nhận thấy rõ nhất là mất cân bằng sinh thái, có thể gây nguy cơ suy giảm hoặc tuyệt chủng những loài dơi quý hiếm hoặc đặc hữu; ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học. Mặt khác, cũng không ngoại trừ nguy cơ lây nhiễm nào đó về bệnh dịch giữa các loài dơi và con người.

Tổ chức bảo tồn dơi quốc tế (BCI) đã khẳng định: nhiều loài dơi mang nhiều virus Corona trong môi trường sống không bị tác động không phải là mối đe dọa đối với sức khỏe của con người. Mặt khác, các chuyên gia của Hoa Kỳ nghiên cứu về các loài động vật hoang dã và bệnh dịch khuyến cáo, hạn chế hoặc không buôn bán động vật hoang dã sẽ có lợi đối với cả sức khỏe của con người và các loài động vật không bị săn bắt hoặc suy giảm.

PV: PGS đề cập đến sự đa dạng các loài dơi, có bao nhiêu loài dơi đã được phát hiện trên thế giới và những loài hay nhóm loài nào đã được phát hiện có mang vi rút?

PGS. Vũ Đình Thống: Kết quả cập nhật trên thế giới cho thấy có hơn 1420 loài dơi hiện biết trên thế giới; trong đó, có 126 loài đã được phát hiện ở Việt Nam. Trong thành phần loài dơi hiện biết đó, các nhà khoa học đã phát hiện được virus ở các loài dơi thuộc các họ: Dơi quả (Pterôpdidae), Dơi nếp mũi (Hipposideridae), Dơi lá mũi (Rhinolophidae) và một số họ khác. Nhiều chủng vi rút đã được phát hiện ở các loài dơi ở Việt Nam; trong đó, có một số chủng thuộc loại SARS-CoV-2  và các virus khác như Nipah, Hantavirus, Lyssavirus. Tuy nhiên, những phát hiện đó chỉ cho thấy rằng các loài dơi có mang virus chứ không có nghĩa là các loài dơi ở Việt Nam là mối đe dọa đối với sức khỏe của con người.

PV: Tại sao các loài dơi lại được đề cập đến hoặc quan tâm nghiên cứu trong bối cảnh đại dịch Covid-19 do SARS-CoV-2 gây ra?

PGS.TS Vũ Đình Thống: Như thông tin đã nêu trên, kết quả công bố ngày 23 tháng 01 năm 2020 vừa qua bởi nhóm các nhà khoa học của Viện nghiên cứu Virus học ở Vũ Hán, Trung Quốc, cho thấy trình tự gen của SARS-CoV-2 tương đồng khoảng 96% với các virus dạng gây dịch bệnh SARS. Nhiều kết quả nghiên cứu trước đây ở Trung Quốc cho thấy: một số loài dơi, đặc biệt là những loài thuộc họ Dơi lá mũi (Rhinolophidae) là ổ tự nhiên của những loài virus Corona. Những thông tin trên dẫn đến sự quan tâm và có thể một số suy luận rằng các loài dơi cũng là ổ tự nhiên hay nguồn gốc của SARS-CoV-2.

PV: Đối với sức khỏe con người, nghiên cứu dơi có ý nghĩa như thế nào?

PGS.TS. Vũ Đình Thống: BCI đã khẳng định: những kết quả nghiên cứu về bệnh dịch động vật, bao gồm xác định những loài động vật hoang dã mang mầm bệnh, sẽ nâng cao hiểu biết và khả năng dự báo cũng như ngăn chặn những hiện tượng lây nhiễm bệnh dịch. Do vậy, nghiên cứu về virus học, miễn dịch học và sinh thái học của các loài dơi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phát triển những biện pháp đảm bảo sức khỏe của con người và bảo tồn đa dạng sinh học cũng như môi trường sinh thái. Hơn nữa, nghiên cứu về hệ miễn dịch của dơi có thể giúp chúng ta hiểu hơn về hệ miễn dịch, cách thức đối với những bệnh dịch lây lan trong môi trường không khí.

PV: Cảm ơn PGS.TS Vũ Đình Thống về cuộc trò chuyện này.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu