Chiêm ngưỡng tuyệt tác Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn

CTV Hà Thành/VOV.VN
Chia sẻ
(VOV5) - Công trình được đánh giá là một tuyệt tác kiến trúc, góp phần tạo nên gương mặt đô thị và ghi dấu ấn hình thành và phát triển của đô thị phương Nam.
Chiêm ngưỡng tuyệt tác Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn - ảnh 1

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, tên chính thức là Vương Cung Thánh đường Chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội (Immaculate Conception Cathedral Basilica) tọa lạc tại Công trường Công Xã Paris, quận 1, TP Hồ Chí Minh. Vương Cung Thánh Đường (Basilica) là một danh hiệu tôn vinh đặc biệt của Giáo hoàng dành cho một số nhà thờ hoặc thánh địa xét theo tính chất cổ kính, tầm quan trọng trong lịch sử và ý nghĩa tâm linh đối với Giáo hội Công giáo Roma. Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn được phong Vương Cung Thánh Đường năm 1962.

Chiêm ngưỡng tuyệt tác Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn - ảnh 2

Nhà thờ Đức Bà được khởi công năm 1877 và hoàn thành sau 3 năm xây dựng, do kiến trúc sư J.Bourad thiết kế. Phương án của kiến trúc sư J.Bourad vượt qua 17 đồ án khác và dành chiến thắng trong một cuộc thi tuyển kiến trúc. Cũng chính ông đã trúng thầu trong việc thi công và giám sát công trình. Ngày 11/4/1880, lễ cung hiến và khánh thành công trình được cố đạo Colombert tổ chức trọng thể với sự có mặt của Thống đốc Nam Kỳ Le Myre de Vilers. Đây là một trong những nhà thờ Công giáo đầu tiên ở Sài Gòn. Tất cả mọi chi phí xây dựng, trang trí nội thất công trình đều do Soái phủ Nam Kỳ đảm trách với tổng số tiền thời đó là 2.500.000 franc Pháp. Và vì vậy, thời gian đầu công trình có tên là Nhà thờ Nhà nước, do nhà nước Pháp xây dựng và quản lý.

Chiêm ngưỡng tuyệt tác Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn - ảnh 3

Ở góc độ quy hoạch, công trình vừa là điểm nhấn quan trọng trong không gian đô thị, vừa thể hiện sự đa dạng của kiến trúc – văn hóa. Nhà thờ Đức Bà là một trong những công trình tiêu biểu tạo nên gương mặt và linh hồn cho TP Hồ Chí Minh.

Chiêm ngưỡng tuyệt tác Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn - ảnh 4

Công trình được tổ hợp bởi nhiều khối kiến trúc, mỗi khối có một hệ mái riêng biệt. Các khối kết hợp hài hòa trong một tổng thể thống nhất.

Chiêm ngưỡng tuyệt tác Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn - ảnh 5

Công trình có quy hoạch khá đặc biệt, nằm trên quảng trường, sát đường và không có hàng rào, sân vườn; nổi bật trong không gian đường phố. Dù ở góc nhìn nào công trình cũng phô bày vẻ đẹp hào hoa, lộng lẫy.

Chiêm ngưỡng tuyệt tác Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn - ảnh 6

Nhà thờ Đức Bà mang phong cách kiến trúc Roman cải biên pha lẫn Gothic, với những vòm cửa tròn đặc trưng.

Chiêm ngưỡng tuyệt tác Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn - ảnh 7

Ô cửa tròn và đồng hồ trên mặt đứng chính công trình. Nhìn trên mặt đứng công trình, mặt của chiếc đồng hồ này như một ô cửa sổ, nhưng bên trong nó là một bộ máy khá đồ sộ, nặng tới hơn 1 tấn. Chiếc đồng hồ này được sản xuất tại Thụy Sỹ năm 1887, và dù cũ kỹ và thô sơ, nó vẫn hoạt động khá chính xác.

Chiêm ngưỡng tuyệt tác Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn - ảnh 8

Bề mặt công trình được xây toàn bộ bằng gạch trần và đá xanh, không hề tô trát, với sự tính toán tỉ mỉ, chính xác cấu kiện, chuẩn mực tỷ lệ đến kinh ngạc.

Chiêm ngưỡng tuyệt tác Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn - ảnh 9

Những chi tiết kiến trúc với vật liệu thô mộc mà tinh tế.

Chiêm ngưỡng tuyệt tác Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn - ảnh 10

Hầu hết vật liệu xây dựng công trình đều nhập từ Pháp như gạch xây, ngói, sắt thép, xi măng, kính màu trang trí và các kết cấu, phụ kiện kim khí… Những viên gạch và ngói lợp ban đầu được chuyển từ Marseille sang. Về sau do hư hại, một số cấu kiện như ngói lợp được thay thế bằng chủng loại sản xuất trong nước. Toàn bộ thánh đường có 56 ô cửa kính màu do hãng Lorin của tỉnh Chartres (Pháp) sản xuất.

Chiêm ngưỡng tuyệt tác Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn - ảnh 11

Cho tới bây giờ, bề mặt công trình bằng gạch trần vẫn giữ nguyên màu gạch hồng tươi, không bị bám rêu mốc.

Chiêm ngưỡng tuyệt tác Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn - ảnh 12

Phía trước công trình có hai khối kiến trúc tháp chuông hai bên vút cao. Tháp chuông ban đầu của nhà thờ chỉ cao có 36,6m và không có mái. Sau khi phần tháp chuông được cải tạo và xây thêm mái chóp (năm 1895); có chiều cao là 57,6m - là tháp chuông nhà thờ cao nhất Việt Nam. Công viên trước nhà thờ có đặt bức tượng Đức Mẹ Hòa Bình bằng đá cẩm thạch. Tác phẩm do nhà điêu khắc G. Ciocchetti thực hiện năm 1959 tại Ý.

Chiêm ngưỡng tuyệt tác Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn - ảnh 13Lối vào Thánh đường, có ghi năm hoàn thành công trình: 1880.
Chiêm ngưỡng tuyệt tác Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn - ảnh 14Nội thất Thánh đường được chia thành 5 gian, bao gồm chính điện (gian chính) ở giữa, và hai gian phụ hai bên, tiếp theo là dãy nhà nguyện.
Chiêm ngưỡng tuyệt tác Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn - ảnh 15

Thánh đường có chiều dài 133m, tính từ cửa đến tường phòng đọc kinh phía sau, chiều rộng thánh đường là 35m. Chính điện cao 3 tầng tới vòm mái (khoảng 21m), ngăn cách với hai không gian phụ bằng hàng cột cuốn vòm kết hợp với trụ thép đỡ vòm mái. Không gian làm lễ và cầu nguyện này có thể chứa được 1200 người.

Chiêm ngưỡng tuyệt tác Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn - ảnh 16Một góc Thánh đường là nơi đặt ban thờ Thánh, với những ô cửa kính màu. Kiến trúc của thánh đường đã tạo nên một hiệu ứng ánh sáng tuyệt vời trong nội thất, cho một cảm giác tĩnh lặng, thánh thiện và trang nghiêm. Ánh sáng huyền ảo cũng làm các chi tiết kiến trúc, nội thất bên trong thánh đường nổi bật và đẹp hơn.
Chiêm ngưỡng tuyệt tác Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn - ảnh 17Nhà thờ Đức Bà là trung tâm Công giáo lớn nhất thành phố, cũng là điểm du lịch hàng đầu, là trung tâm văn hoá. Rất nhiều du khách nước ngoài đã tới đây tham quan, hành lễ và nguyện cầu.
Chiêm ngưỡng tuyệt tác Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn - ảnh 18Với không gian đẹp và kiến trúc độc đáo, các đôi uyên ương cũng thường tới đây chụp ảnh cưới lưu niệm.
Chiêm ngưỡng tuyệt tác Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn - ảnh 19Không gian xung quanh nhà thờ và vườn hoa phía trước có một đàn bồ câu lớn, tới vài trăm con.
Chiêm ngưỡng tuyệt tác Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn - ảnh 20

Nhà thờ Đức Bà xứng đáng là một tuyệt tác kiến trúc, là một công trình tiêu biểu góp phần tạo nên diện mạo đô thị Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh.

 

 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu