Những dấu ấn về chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Nhận thức về chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và toàn dân không ngừng được nâng cao. 

Hơn một năm sau khi Thủ tướng phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, công cuộc chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam đạt được những kết quả bước đầu rất ấn tượng. Đặc biệt, nhận thức về chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và toàn dân không ngừng được nâng cao. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
 
Những dấu ấn về chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam - ảnh 1

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp lần thứ 2 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Ảnh: VOV

Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến hết tháng 3/2022, cả nước đã có 22/22 bộ, ngành và 63/63 địa phương thành lập Ban chỉ đạo về chuyển đổi số; 17/22 bộ, ngành và 57/63 địa phương ban hành chương trình/kế hoạch/đề án chuyển đổi số giai đoạn 5 năm. Công cuộc chuyển đổi số đã, đang lan tỏa tới tất cả các cấp, các ngành, nhất là người lãnh đạo, người đứng đầu đã có chuyển biến rõ nét. Hiện 100% bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn Ban chỉ đạo chuyển đổi số do người đứng đầu làm Trưởng ban.

Đến thời điểm hiện tại, các cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho chính phủ số được đẩy mạnh triển khai. Đây chính là điều kiện tiên quyết để triển khai chính phủ số. Trong đó, đáng chú ý là cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc có khoảng 23 triệu dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có trên 7 triệu trẻ em được cấp số định danh cá nhân theo quy định; trên 4,5 triệu dữ liệu đăng ký kết hôn; trên 3,2 triệu dữ liệu đăng ký khai tử.

Tỷ lệ dịch vụ công đủ kiều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 là hơn 97%. Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp với 3.552 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp truy cập thuận tiện đến dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước các cấp. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2022, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có trên 167.000 tài khoản đăng ký; trên 14 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; trên 332.000 lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích từ cổng; trên 510.000 hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; trên 163.000 giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 366 tỷ đồng. Hệ thống hóa đơn điện tử đã được triển khai toàn quốc, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Cũng trong thời gian này, cơ quan thuế đã tiếp nhận xử lý hơn 77 triệu hóa đơn điện tử. Các bộ, cơ quan đã và đang tích cực, khẩn trương triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia, tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử, bao gồm cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội, đất đai, tài chính để kết nối, chia sẻ trên toàn quốc theo mục tiêu mà Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022–2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã đặt ra.

Những dấu ấn về chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam - ảnh 2Phiên họp lần thứ 2 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số được kết nối với 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Ảnh: VOV

Khẳng định quá trình chuyển đổi số gắn với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, gắn với phục hồi kinh tế nhanh và phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay, tại phiên họp lần 2 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số cuối tháng 4/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Chúng ta thống nhất một số quan điểm. Đó là phải liên tục đổi mới, tạo ra không gian phát triển mới, tạo ra động lực mới và phải có tư duy đột phá để tạo ra nguồn lực có tính chất đột phá. Vì nguồn lực xuất phát từ tư duy nên tư duy đột phá thì phải xuất phát từ nguồn lực đột phá. Phải có tầm nhìn chiến lược dài hơi, dài hạn, phát triển an toàn, bền vững, phát triển theo đúng trọng tâm, trọng điểm, phát triển theo lộ trình phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Và tất nhiên nó phải gắn với đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, bắt kịp với những vấn đề của cuộc sống và những vấn đề nảy sinh trong quá trình tổ chức thực hiện, phát huy tính chủ động tích cực huy động mọi nguồn đầu tư, nhất là hợp tác công tư, thúc đẩy chuyển đổi số phải gắn với sự phát triển của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, bám sát thực tiễn và xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, nói đi đôi với làm, phải có hiệu quả, có sản phẩm cụ thể và sử dụng tài nguyên thông tin, dữ liệu thiết thực hiệu quả, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, đề cao trách nhiệm người đứng đầu".

Cũng tại cuộc họp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số tích cực chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; tạo thuận lợi cho việc triển khai cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam. Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: "Về nhiệm vụ trong thời gian tới, yêu cầu người đứng đầu, các đồng chí bộ trưởng, trưởng ngành chỉ đạo chuyển đổi số các bộ, ngành, địa phương khẩn trương quyết liệt triển khai các nhiệm vụ được giao trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, chiến lược quốc gia về chuyển đổi số, chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số và kế hoạch năm 2022 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số và rà soát lại công việc và chỉ đạo điều hành với quyết tâm cao, hành động quyết liệt, hiệu quả".

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ đạo phải rà soát thể chế, tháo gỡ vướng mắc cũng như hoàn thiện thể chế phục vụ chuyển đổi số; đầu tư công nghệ, hạ tầng để phát triển chuyển đổi số, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin; huy động nguồn lực, trong đó thúc đẩy hợp tác công-tư, huy động sự đóng góp của người dân; có cơ chế chính sách phù hợp với cơ chế chung nhưng cũng có những ưu tiên để tạo ra động lực phát triển nhanh chuyển đổi số; đổi mới quản trị theo hướng hiện đại để đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam.

Là người đứng đầu cơ quan dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số quốc gia, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhiều lần nhấn mạnh: 2022 là năm “tổng tấn công về chuyển đổi số” và là năm tập trung phục vụ người dân. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, mỗi tỉnh, thành cần tập trung chọn 3 đến 5 nền tảng số để giải các bài toán của địa phương về tiếp cận y tế, giáo dục, nông nghiệp, sàn thương mại điện tử… Trong năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang tập trung hoàn thiện thể chế chính sách, phát triển hạ tầng số và các nền tảng số quan trọng để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu