Xây dựng khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh cho Fintech

Ánh Huyền, Nguyễn Hằng
Chia sẻ
(VOV5) - “Fintech” đã trở thành một trong những cuộc cách mạng kỹ thuật số giúp thay đổi cách thức hoạt động của ngành ngân hàng.

Doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) đang phát triển rất nhanh tại Việt Nam, tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh mới, đặc biệt là những người trẻ. Bên cạnh bản thân các start-up phải tìm ra những hướng đi mới, khác biệt trong môi trường cạnh tranh cao, Nhà nước cũng đang xây dựng thể chế, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để tạo sức bật cho doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này.

Xây dựng khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh cho Fintech - ảnh 1

Ảnh minh họa:thoibaotaichinhvietnam

"Fintech” là cụm từ được nhắc đến rất nhiều trong ngành tài chính thời gian gần đây ở Việt Nam, đặc biệt là các cộng đồng tiền tệ số. Kể từ khi làn sóng các công ty startup tập trung vào lĩnh vực công nghệ trong tài chính nổi lên sau chuỗi thời gian khủng hoảng năm 2008, “Fintech” đã trở thành một trong những cuộc cách mạng kỹ thuật số giúp thay đổi cách thức hoạt động của ngành ngân hàng. Fintech được mô tả đơn giản là việc sử dụng các công nghệ để làm đơn giản hóa sản phẩm dịch vụ tài chính và tạo ra kênh cung trên môi trường số đáp ứng tiện lợi nhu cầu của khách hàng.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ở Việt Nam hiện nay có tới 70% doanh nghiệp khởi nghiệp là Fintech. Fintech đang có những bước phát triển nhanh và mạnh mẽ, chỉ trong ba năm từ 40 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Fintech thì đến nay, con số này đã lên đến hơn 150 doanh nghiệp.

Dự báo, giá trị giao dịch của thị trường Fintech Việt Nam sẽ tăng từ 4,4 tỷ USD (2017) lên 7,8 tỷ USD vào năm 2020. Chia sẻ về sự lựa chọn hướng khởi nghiệp của doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ tài chính, bà Nhữ Quỳnh Anh, Giám đốc điều hành của ứng dụng Finbox trong thị trường chứng khoán cho rằng, tiềm năng tăng trưởng của thị trường chứng khoán của Việt Nam còn rất lớn, bởi hiện số người tham gia thị trường chứng khoán của Việt Nam mới chỉ khoảng 2%, trong khi con số này ở Mỹ là 50%. Do đó, doanh nghiệp đã mạnh dạn tạo lập ứng dụng sử dụng công nghệ Finbox để phân tích, xử lý số liệu, từ đó đưa ra những tư vấn, khuyến nghị, cố vấn đầu tư chứng khoán: “Dùng công nghệ Finbox để phân tích và xử lý dữ liệu để tư vấn, khuyến nghị tự động cho con người giúp cho con người không mất thời gian công sức vẫn đạt được lợi nhuận tốt từ thị trường chứng khoán. Thông thường để phân tích một doanh nghiệp sẽ mất một vài tuần để chọn ra một cổ phiếu tốt, nhưng với Finbox sẽ không mất quá nhiều thời gian công sức, song vẫn chọn được cổ phiếu tốt và chọn được thời điểm để hành động với cổ phiếu đó”.

Xây dựng khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh cho Fintech - ảnh 2Ảnh minh họa: Một buổi tọa đàm về chính sách quản lý Fintech. - Ảnh minh họa:thoibaotaichinhvietnam

Mặc dù khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) đang đặt ra cơ hội rất lớn cho các bạn trẻ trong bối cảnh bùng nổ cuộc cách mạng 4.0 như hiện nay song nhiều chuyên gia cho rằng, làm startup trong lĩnh vực Fintech cơ bản còn gặp nhiều khó khăn hơn. Bởi vì hiện luật pháp về Đầu tư mạo hiểm nói chung tại Việt Nam chưa hoàn thiện. Theo bà Thạch Lê Anh, người sáng lập, Chủ nhiệm Vietnam Silicon Valley (VSV) sự phát triển của Fintech nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào pháp luật, theo đó nếu tháo gỡ được lĩnh vực nào thì mới có nhiều startup phát triển ở lĩnh vực đó: “Luật đầu tư mạo hiểm chưa có, thứ nữa là các Luật về tài chính, ngân hàng, luật tín dụng… có thể khiến startup không có giấy phép, mà kinh doanh không có giấy phép là bất khả thi. Startup phải là cái gì thật mới thì mới cạnh tranh được. Do đó, khó khăn là các startup phải tìm cách làm thế nào để vấn đề này tương thích được với nhau”.

Có thể thấy, Fintech là lĩnh vực khá mới hiện đang phát triển ở giai đoạn đầu do hệ sinh thái còn đang trong quá trình hoàn thiện, vì vậy lĩnh vực này cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có khuôn khổ pháp lý, vốn và nguồn lực con người. Do đó, điều cần nhất với các startup Fintech nói riêng và cộng đồng startup nói chung là mong muốn có một hành lang pháp lý đầy đủ, cụ thể là Luật về Đầu tư mạo hiểm, để có thể kêu gọi các quỹ đầu tư vào rót vốn, tạo động lực giúp startup vươn xa hơn. Việt Nam hiện mới chỉ có một số đề án mang tính vĩ mô và quy định về thanh toán như Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 – 2020, Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo… Trong khi hầu như chưa có khuôn khổ pháp lý quy định rõ về mô hình hoạt động, địa vị pháp lý, các điều kiện thành lập và hoạt động của công ty Fintech.

Việt Nam đang định hướng phát triển mạnh theo cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vì vậy Việt Nam đã và đang liên tục mở cửa chào đón các doanh nghiệp công nghệ. Fintech hiện nay được xem là hướng đi phù hợp trong thời đại công nghệ, là giải pháp giảm chi phí cho các ngân hàng thương mại. Do đó, lĩnh vực này đang được các cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước thúc đẩy và có chính sách phù hợp.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang trong quá trình xây dựng sandbox (khuôn khổ pháp lý) thử nghiệm đối với fintech, trong đó có cơ chế cho phép các công ty khởi nghiệp Fintech được thí điểm/thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ trước khi cung ứng sản phẩm chính thức ra thị trường. Trong trung và dài hạn, Việt Nam hướng tới xây dựng một khung pháp lý hoàn chỉnh đối với Fintech bao trùm các quy định cụ thể về hoạt động dịch vụ Fintech.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu