Việt Nam tăng cường quảng bá, đa dạng hóa thị trường du lịch

Mỹ Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các hãng lữ hành đã đề xuất nhiều chính sách cụ thể để thu hút khách quốc tế.

Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đề ra mục tiêu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế. Để thực hiện điều này, du lịch Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp, như: đẩy mạnh quảng bá, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, dịch vụ lưu trú, đặc biệt là đa dạng hóa thị trường du lịch… để thu hút nhiều hơn nữa du khách quốc tế.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
 

Trước dịch Covid-19, các bãi biển ở miền Trung Việt Nam chật kín du khách Trung Quốc, Hàn Quốc với nhóm tour lên tới 4-5 chục người. Sản phẩm du lịch vì thế cũng hướng nhiều đến nguồn khách này… Thống kê cho thấy: 70% lượng khách quốc tế đến Việt Nam là từ khu vực Đông bắc Á, trong đó 32% là khách từ Trung Quốc. Nha Trang, Vũng Tàu, cũng là điểm đến yêu thích của du khách Nga. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 xuất hiện, người dân các nước hạn chế đi du lịch đã ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch Việt Nam và các địa phương… Nhưng đây cũng chính là cơ hội để du lịch Việt Nam chuyển hướng phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch, cũng như tăng cường quảng bá, đa dạng hóa thị trường du lịch.

Việt Nam tăng cường quảng bá, đa dạng hóa thị trường du lịch - ảnh 1Vẻ đẹp hài hòa của Bãi Sau, Vũng Tàu - Nguồn: Báo Ảnh Việt Nam

Chị Michelle Dupont, du khách Pháp, chia sẻ: "Việt Nam có quá nhiều cảnh đẹp, món ăn ngon, nhưng du khách Pháp không có nhiều thông tin về du lịch Việt Nam. Sang đây, tôi mới biết Việt Nam thực sự đã mở cửa du lịch sau dịch COVID-19. Không còn những điều kiện bắt buộc về y tế, không phải test Covid-19, trong khi đó, một số thị trường châu Á vẫn yêu cầu phải test. Điều này lẽ ra phải được nhấn mạnh hơn cho du khách quốc tế. Đặc biệt, ở Pháp, chúng tôi không thấy những poster giới thiệu du lịch Việt đẹp và hấp dẫn đến mức thôi thúc du khách phải tới Việt Nam để khám phá ngay".

Trước thực trạng này, du lịch Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu, quảng bá tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ… Tuy nhiên, việc quảng bá, đa dạng hóa thị trường nhằm thu hút khách du lịch vẫn cần được triển khai mạnh mẽ hơn nữa. Ông Phạm Hà, Chủ tịch hãng lữ hành Lux Group, cho rằng ngoài việc đẩy mạnh xúc tiến các thị trường cao cấp mới như Australia, New Zealand, Tây Âu và Đông Âu, các địa phương và doanh nghiệp cần phân tích thị trường, thị hiếu du khách từng khu vực, để đáp ứng nhu cầu của khách tốt hơn. Du lịch Việt Nam cần được định vị lại xem nên đặt ưu tiên cho phân khúc nào: tầm trung, đại trà hay cao cấp. Ngoài ra, phải quản lý các điểm đến đông du khách, như: Đà Lạt, Phú Quốc… không dẫn đến quá tải.

Sau khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát, nhiều hãng hàng không và lữ hành Việt Nam đã chủ động tìm kiếm những thị trường tiềm năng mới như Ấn Độ, Malaysia… bằng việc tăng tần suất các chuyến bay thẳng giữa 2 nước. Đến thời điểm này, các đường bay nước ngoài với các châu lục và nhiều chuyến du lịch quốc tế đường biển gần như đã mở bình thường như thời điểm trước dịch COVID-19. Nhiều hãng lữ hành đã và đang tập trung đẩy mạnh xúc tiến cho mảng du lịch quốc tế bằng nhiều cách như tham gia các hội chợ quốc tế và gặp gỡ, ký kết hợp tác với nhiều bên nhằm tìm hiểu khách hàng, xu hướng phát triển thị trường và mở rộng hợp tác, định hình sản phẩm chủ lực trong năm hồi phục du lịch này.

Những nỗ lực đó bước đầu có kết quả khi trong kỳ nghỉ Giáng sinh và dịp năm mới 2023, nhiều địa phương như Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, đã đón một lượng khách lớn từ các thị trường này. Chị Ather Paswan, du khách Ấn Độ, bày tỏ: "Việt Nam là một đất nước tuyệt đẹp. Lần đầu tiên tới đây nhưng tôi đã được tới thăm những thắng cảnh đẹp của Hà Nội, Hội An và Thành phố Hồ Chí Minh. Giữa Ấn độ và Việt Nam có sự gần gũi nhất định và chúng tôi đã được nghe nhiều điều tốt đẹp về đất nước các bạn".

Việt Nam tăng cường quảng bá, đa dạng hóa thị trường du lịch - ảnh 2Du khách nước ngoài trong kỳ nghỉ Giáng sinh và dịp năm mới 2023 ở Việt Nam - Ảnh: tuoitrethudo.com.vn

Trưởng ban Thư ký Hội đồng tư vấn du lịch, ông Hoàng Nhân Chính, cho rằng: Việt Nam đang “bỏ ngỏ” một phân khúc thị trường bậc cao, tức là những du khách lớn tuổi, có nhu cầu nghỉ dưỡng dài ngày, có khả năng chi trả cao. Để thu hút được phân khúc này, ngoài việc kéo dài thời hạn miễn visa, cần phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng, như: chăm sóc sức khỏe, mua sắm, ẩm thực… trong cùng một khu nghỉ dưỡng để du khách trải nghiệm, đồng thời tăng sự kết nối giữa các địa phương, các điểm đến.

"Chúng ta cần thay đổi tư duy làm du lịch. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nên phải nghĩ đến hiệu quả kinh tế, thu nhập cao từ khách. Từ trước đây, chúng tôi đã đề xuất khuyến khích những thị trường có khả năng đi du lịch dài ngày, khách có khả năng chi trả cao, góp phần cái thiện môi trường tự nhiên" - ông Hoàng Nhân Chính nói.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các hãng lữ hành đã đề xuất nhiều chính sách cụ thể để thu hút khách quốc tế, trong đó có đề xuất áp dụng cấp visa điện tử cho khách nước ngoài, tiếp tục đơn giản hóa về thủ tục cấp và tăng cường ứng dụng công nghệ. Công tác xúc tiến quảng bá sẽ được tiến hành tích cực trong cả năm. Cụ thể, ngành du lịch sẽ tham gia các sự kiện quốc tế về du lịch Đông Nam Á, các hội chợ du lịch quốc tế tại London (Anh), Berlin (Đức)... và truyền thông, quảng bá về du lịch Việt Nam trên kênh CNN và các kênh truyền thông lớn khác. Với tất cả những nỗ lực từ phía Chính phủ, ngành du lịch và các địa phương, doanh nghiệp, mục tiêu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, mà Việt Nam đề ra trong năm 2023 là hoàn toàn khả thi.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu