Vai trò của nhà nước trong khởi nghiệp tại Việt Nam

Tú Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng nhà nước có vai trò kiến tạo, “bà đỡ” cho hoạt động của các doanh nghiệp khởi nghiệp. 
(VOV5) - Năm 2016 vừa qua được Chính phủ chọn là năm quốc gia khởi nghiệp. Chính phủ đã đưa ra những nhóm giải pháp rất cụ thể về tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với mục tiêu có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng nhà nước có vai trò kiến tạo, “bà đỡ” cho hoạt động của các doanh nghiệp khởi nghiệp. 

Vai trò của nhà nước trong khởi nghiệp tại Việt Nam - ảnh 1
Chủ đề Khởi nghiệp được các chuyên gia bình luận và đánh giá tại Tọa đàm Dấu ấn 2016: Liêm chính, kiến tạo và hành động

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Thủ tướng chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh trọng tâm của chiến lược tái cơ cấu nền kinh tế mà Nhà nước đang theo đuổi  là hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Ba đột phá chiến lược đã được đề cập ở Đại hội Đảng XI, XII và được nêu trong chiến lược 10 năm từ 2011 - 2020 là: Thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực.  Nội dung quan trọng nhất hiện nay là là xây dựng, hoàn thiện về thể chế chính sách dành cho khởi nghiệp. Cụ thể trước hết cần tạo một môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh cho các doanh nghiệp. Đó là sự cân bằng ưu tiên giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước. 

Ông Vũ Mão, nguyên chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chia sẻ“Khởi nghiệp, đã là những doanh nghiệp có cần một hệ thống pháp luật không, văn bản pháp luật không, không thì chúng ta nói như đó là một khao khát, một mong ước, phong trào. Thực chất đó là doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay gặp nhiều vấn đề. Các văn bản, các hạt sạn trong nghị định thông tư có nhiều vấn đề. Cho nên khi chúng ta nói đến những vấn đề đó, ý thức xây dựng nhà nước pháp quyền phải sâu hơn nữa và cao hơn nữa”.

Nhưng cũng không vì thế mà chỉ tập trung hoàn thiện hệ thống phát luật liên quan đến các doanh nghiệp khởi nghiệp, ông Vũ Mão cũng bày tỏ rằng, trong một bức tranh kinh tế tổng thể, quan tâm đến khởi nghiệp là đúng đắn nhưng vẫn phải đặt trong hệ thống phát triển kinh tế đồng bộ nơi đã từng là mảnh đất của những tập đoàn, doanh nghiệp cũ
“Hệ thống phát triển kinh tế của chúng ta phải là một hệ thống đồng bộ. Chúng ta nói tới khởi nghiệp là nói đến những doanh nghiệp mới, còn những doanh nghiệp cũ thì như thế nào, hoặc những tập đoàn doanh nghiệp nhà nước sẽ phải đổi mới như thế nào. Như vậy theo tôi chúng ta nói tới khởi nghiệp là rất cần thiết. Nhưng phải nhận thức nó trong một hệ thống phát triển trong nền kinh tế của chúng ta”.

Yếu tố cơ sở hạ tầng đồng bộ cũng góp phần nâng cao chất lượng, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh về vai trò như một “bà đỡ” của nhà nước, trong đó các bộ ngành cần có tính kết nối, bổ trợ lẫn nhau để hoàn thiện một môi trường khởi nghiệp toàn diện, lành mạnh “Mỗi bộ, ngành làm theo kiểu của mình, rất thiếu sự kết nối với nhau trong khi chúng ta muốn hội nhập để kết nối với bên ngoài nhưng bên trong ngay bản thân, chính sách hoạt động của các bộ, ngành không kết nối với nhau thì sẽ không hoạt động nổi. Một vài bộ có thiện chí không thôi sẽ không thể giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp được. Mà một loạt các bộ ngành cần tham gia vào”.

Về khía cạnh nguồn nhân lực, yếu tố tiên quyết chính là vấn đề đào tạo. Thực tế cho thấy hiện nay, đào tạo dư thừa nhưng các doanh nghiệp vẫn thiếu người tài, thích ứng với nhu cầu của doanh nghiệp. Giáo dục đào tạo cũng cần có những thay đổi cơ bản và có những tôn trọng sự phát triển của xã hội để không lãng phí cơ hội của chính những người trẻ được đào tạo. “Đối với các chương trình cụ thể mình cũng đã đi học kinh nghiệm ở nhiều nước lắm rồi, và cũng có đầy những kinh nghiệm như xây dựng lồng ấp như thế nào, cần đưa được khoa học công nghệ bám sát vào, chia sẻ và chuyển giao công nghệ như thế nào. Cái này một mặt doanh nghiệp tự họ lo đi học hỏi, một mặt khác cũng rất cần vai trò bà đỡ của nhà nước để tạo cơ hội tiếp cận với các nguồn lực này cho tốt hơn”.

Với những bước đà của năm 2016, năm 2017 hứa hẹn xu hướng khởi nghiệp trong mô hình kinh tế sẽ tiếp tục tăng tốc. Ông Lưu Bình Nhưỡng, Uỷ viên thường trực Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội bày tỏ: “Nếu gọi năm 2016 là năm khởi nghiệp thì năm 2017 tôi chờ đợi một sinh khí mới. Tôi hy vọng rằng, tinh thần thượng võ, hun đúc tinh thần đạo lý của chúng ta và khát vọng sáng tạo, vươn lên của con người Việt Nam, thế hệ trẻ. Và chúng ta lại có sự tiếp sức của các thế hệ trước, và quyết tâm chính trị, tôi hy vọng sẽ tạo ra một nền tảng tinh thần và sau đó là tạo ra một nền tảng vật chất cần thiết để tháo gỡ những khó khăn trước mắt, đồng thời tạo dựng nền tảng mới để ổn đinh phát triển”.

Việt Nam được nhận định là một đất nước có một hệ sinh thái khởi nghiệp vô cùng sinh động với các cơ cấu dân số vàng, chỉ số tăng trưởng kinh tế ổn định, lĩnh vực Internet và di động phát triển tương đối nhanh... Vai trò định hướng của nhà nước đối với hệ sinh thái khởi nghiệp là hết sức quan trọng. Tuy còn một số hạn chế nhất định, nhưng chính phủ Việt Nam đã có những chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng khởi nghiệp cất cánh, củng cố hệ thống cơ sở hạ tầng đồng thời tăng cường đào tạo nguồn nhân lực. Môi trường khởi nghiệp đã có, việc hiện thực hóa tinh thần khởi nghiệp rất cần nỗ lực của mỗi tổ chức, cá nhân.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu