Truyền thông Nga nêu bật thành tích của Việt Nam sau khi gia nhập WTO

Chia sẻ
(VOV5) - Hãng Thông tấn RIA-Novosti chiều 21/11 đã đăng bài nêu bật thành tích của một số nước sau khi gia nhập WTO, trong đó có Việt Nam. 

(VOV5) - Nhân dịp Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin triệu tập phiên họp của Hội đồng An ninh Liên bang bàn những vấn đề liên quan đến việc Nga gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Hãng Thông tấn RIA-Novosti chiều 21/11 đã đăng bài nêu bật thành tích của một số nước sau khi gia nhập WTO, trong đó có Việt Nam. RIA-Novosti nhấn mạnh sau khi gia nhập WTO từ tháng 1/2007 đến nay, Việt Nam đã thành lập các cơ chế nhằm cải cách các hệ thống chính trị, kinh tế và tòa án-pháp luật, mà việc thực hiện các cơ chế này không chỉ bảo đảm quyền của các nhà đầu tư nước ngoài, mà còn nâng cao sức hút về đầu tư của Việt Nam.

Truyền thông Nga nêu bật thành tích của Việt Nam sau khi gia nhập WTO  - ảnh 1
Sau 6 năm gia nhập WTO, sản phẩm của DN Bình Dương cạnh tranh tốt ở thị trường trong và ngoài nước. Trong ảnh: Sản xuất giày xuất khẩu ở Công ty Cổ phần Đầu tư Thái Bình


Theo RIA-Novosti, năm 2008, Tạp chí phố Uôn (The Wall Street Journal) đã viết rằng sau năm đầu tiên gia nhập WTO, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng kinh tế cao với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2008 tăng 8,5%. Cơ quan Dow Jones Commodities Service thì nêu bật thành tích đáng kể của ngành công nghiệp dệt may Việt Nam. Theo dự toán, đến năm 2020, ngành này sẽ mang lại 25 tỷ USD lợi nhuận. Tỷ trọng ngành nông nghiệp trong nền kinh tế Việt Nam tiếp tục giảm xuống, mặc dù Việt Nam vẫn là một nước nông nghiệp chủ yếu với nông dân chiếm 70% dân số. Việc gia nhập WTO đã góp phần để Việt Nam tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu, đồng thời góp phần cải thiện khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới. Việt Nam đã từ bỏ các biện pháp bảo hộ mậu dịch và từ đầu năm 2010, thị trường Việt Nam đã mở rộng hơn cho nhập khẩu. RIA-Novosti nêu rõ đời sống của người dân Việt Nam đang ngày càng được cải thiện với thu nhập tính theo đầu người ngày càng cao, tỷ lệ người nghèo ở Việt Nam đã giảm từ mức 60% năm 1992 xuống còn 15% năm 2008.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu