Tỉnh Sơn La tăng cường xuất khẩu nông sản

Thanh Thủy, Nghiêm Long
Chia sẻ

(VOV5) - Sơn La có nhiều loại cây ăn quả có thế mạnh xuất khẩu như nhãn, xoài, chanh leo.

Để sản phẩm nông sản có uy tín và chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước, tỉnh Sơn La chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất sạch theo hướng hữu cơ đang là hướng đi đúng, góp phần đưa nông sản Sơn La vươn xa.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 

  

Từ chỗ là tỉnh có diện tích đất nương đồi trồng ngô lớn nhất nước, chỉ trong thời gian ngắn, Sơn La đã nhanh chóng chuyển đổi cây ăn quả trên đất dốc, trở thành vựa cây ăn quả lớn thứ hai của cả nước, với tổng diện tích trên 71 nghìn hecta. Đến nay, tỉnh Sơn La duy trì và phát triển được 73 chuỗi cung ứng quả an toàn, với tổng diện tích sản xuất hơn 1.500 héc ta, sản lượng ước đạt 13.000 tấn/năm. Tham gia chuỗi cung ứng có 78 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất cây ăn quả được cấp chứng nhận VietGAP. Ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La, cho biết: "Tỉnh Sơn La luôn quan tâm tới vùng sản xuất phải xác định là vùng an toàn, bên cạnh đó là chất lượng sản phẩm bởi gắn với thị trường tiêu thụ, gắn với xuất khẩu và nhu cầu sử dụng của người sử dụng. Chúng tôi hướng dẫn các hợp tác xã chuyển dần sang hướng hữu cơ, đảm bảo sản phẩm sạch".

Tỉnh Sơn La tăng cường xuất khẩu nông sản - ảnh 1Nhãn, xoài, cam được trồng nhiều ở Sơn la. Ảnh: Minh Long/VOV 

Chỉ trong hơn 4 tháng đầu năm nay, tỉnh Sơn La đã tiêu thụ ước đạt trên 32.000 tấn xoài, chuối và mận. Giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu 4 tháng đầu năm đạt 31,7 triệu USD. Hiện nông dân các địa phương trong tỉnh thu hoạch mận, xoài xuất khẩu sang Trung Quốc. Huyện Mai Sơn hiện có trên 2.600 héc ta xoài, trong đó có 2.000 héc ta được trồng theo tiêu chuẩn quy trình nông nghiệp tốt ở Việt Nam (ViepGAP), sản lượng thu hoạch đạt 14.000 tấn mỗi năm. Tại xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, đã có hơn 40 tấn xoài xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Xoài được chọn xuất khẩu là giống xoài tượng da xanh, mỗi quả có trọng lượng từ 1 đến 1,2 kg, mẫu mã đẹp. Anh Phạm Văn Hùng, một hộ trồng xoài ở tiểu khu 32, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, chia sẻ: "Giống xoài này được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, chất lượng đảm bảo an toàn, thế nên là mình rất tin tưởng. Trong dịch Covid này mà mình xuất khẩu được như thế này đi Mỹ là quá tốt rồi, bà con rất là phấn khởi".

Tại xã Chiềng Xuân, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, các hộ trồng xoài cũng đang tích cực thu hoạch để xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Ông Nguyễn Hương Long, xã Chiềng Xuân, cho biết: Hơn 7 héc ta trồng xoài của gia đình ông áp dụng các biện pháp kỹ thuật để rải vụ mà vườn xoài có đủ cả quả to có trọng lượng trên dưới 1kg/quả và cả quả nhỡ, thậm chí là đang ra hoa. Vì thế vườn xoài của ông Long có thể ra 3 lượt quả trong một vụ. Trong tháng 6 đã thu hoạch được khoảng 10 tấn/ héc ta.

Sản xuất trái cây theo chuỗi cung ứng an toàn, mã số vùng trồng là hướng đi mà tỉnh Sơn La theo đuổi. Trong thúc đẩy tiêu thụ nông sản và xuất khẩu, phương châm của tỉnh Sơn La là tăng cường kết nối với các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản gắn với vùng nguyên liệu. Sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ yếu hiện nay của tỉnh Sơn La gồm: chanh leo, chuối, chè khô, cà phê nhân, tinh bột sắn sang các thị trường như: Trung Quốc, các nước Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, Đức. Trong đó, đáng chú ý là xoài Yên Châu của Sơn La đã có mặt tại thị trường Mỹ, Anh, Australia. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, để đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu, nông sản phải được sản xuất đảm bảo an toàn: "Đối với cây ăn quả hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với tỉnh Sơn La và các tỉnh miền núi phía Bắc xây dựng Đề án chung toàn vùng. Vì nếu xây dựng riêng lẻ sẽ có sự tập trung nhiều vào 1 loại nông sản khi đó mất cân đối giữa cung và cầu. Đối với từng nhóm nông sản Bộ sẽ có Đề án chung đối với toàn vùng. Để thị trường phát triển bền vững thì phải liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp và sự tham gia của địa phương để tạo ra chuỗi sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn chất lượng và hệ thống phân phối của doanh nghiệp, khi đó thị trường mới phát triển bền vững".

Được sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay diện tích sản xuất theo quy trình Thực hành nông nghiệp Tốt VietGap trong những năm qua của tỉnh Sơn La không ngừng tăng lên. Qua đó cũng thay đổi tập quán canh tác và nhận thức của người dân về sản xuất nông sản an toàn. Để tăng cường thêm cơ hội tiêu thụ nông sản, đặc biệt là hướng đến nhiều thị trường xuất khẩu trên thế giới, thời gian tới tỉnh Sơn La tiếp tục phát triển theo quy hoạch, xác định tập trung vào sản xuất theo quy trình Vietgap và GlobalGap, đồng thời mở rộng thêm diện tích xoài và các loại cây trồng có giá trị cao.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu