Thông điệp về coi trọng phát triển kinh tế du lịch

Chia sẻ
(VOV5)- Thông điệp của Chính phủ là coi trọng phát triển du lịch để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của cả nước.
(VOV5)- Thông điệp của Chính phủ là coi trọng phát triển du lịch để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của cả nước.

Thông điệp về coi trọng phát triển kinh tế du lịch - ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian hàng tại khu du lịch phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: THỐNG NHẤT (TTXVN)


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và hai Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam cùng có mặt tại Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, trong ngày 9/8, để trực tiếp chủ trì, điều hành hội nghị về du lịch có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Sự kiện này cho thấy thông điệp của Chính phủ là coi trọng phát triển du lịch để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của cả nước.


Các nhà quản lý, các doanh nghiệp tham dự Hội nghị cho rằng đây là thời điểm quan trọng để thay đổi tư duy trong quản lý và phát triển du lịch. Ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, khẳng định rằng quản lý du lịch trong bối cảnh hiện nay phải chú ý đến từ “hội nhập”, tức là “quản lý du lịch hội nhập”, tạo được cơ chế  thông thoáng, cởi mở, thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào các tour du lịch, các cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng cao cấp. Ông Trần Sơn Hải phân tích: “Câu chuyện về đóng góp cho GDP và câu chuyện về lợi ích của ngành du lịch thì các địa phương có rất nhiều ý kiến khác nhau. Vẫn có địa phương coi du lịch là vui chơi giải trí. Với quan điểm như thế thì quan tâm đầu tư, chính sách ưu đãi cho du lịch đang bị phân luồng, không tập trung được.”


Trước mắt, các đại biểu đề xuất việc miễn thị thực cho khách du lịch của nhiều quốc gia hơn con số hiện nay, giảm thời gian, giảm chi phí và giảm các thủ tục du lịch cho các du khách quốc tế. Chính phủ cũng cần nhanh chóng xem xét lại quy hoạch du lịch để phát triển có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời có chiến lược quảng bá du lịch quốc gia dài hạn, bài bản, có bản sắc để thu hút du khách.


Về phần mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ Chính phủ đang xây dựng và sẽ trình Quốc hội ban hành Luật Du lịch mới với đầy đủ điều kiện để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Việc trước mắt là xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam gắn với các hoạt động quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch. “Điều tôi tâm huyết, đó là muốn làm du lịch thành công, đầu tiên thể chế, chính sách, pháp luật phải tạo điều kiện. Điều quan trọng nữa mà chúng ta đang quan tâm, đó là cộng đồng làm du lịch, tạo ấn tượng tốt đẹp về người dân Việt Nam. Hôm nay tổ chức hội nghị ở đây cũng là để thấy cộng đồng dân cư hiền lành, dễ chịu, mến khách, luôn nở nụ cười trên môi trong khi ứng xử với du khách gần xa. Dân tộc mình phải như vậy, và nhiều người dân địa phương nước ta rất mến khách. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc chúng ta và đó là nguyên nhân quan trọng để làm du lịch thành công.”


Năm 2015, ngành du lịch đón hơn 7,9 triệu lượt khách quốc tế, 57 triệu lượt khách nội địa, đóng góp 6,6% vào GDP, tạo ra 2,25 triệu việc làm.Với tiềm năng du lịch lớn, mục tiêu đến 2020, du lịch Việt Nam sẽ đóng góp từ 10% đến 20% vào GDP là có thể thực hiện được.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu