Tài chính vi mô hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo tại Việt Nam

Chia sẻ
(VOV5) - Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước triển khai các giải pháp hướng dòng vốn tín dụng vi mô giúp đối tượng là phụ nữ, đăc biệt là phụ nữ nghèo, tiếp cận dòng vốn tín dụng với điều kiện vay vốn đơn giản.

Sáng 25/9, tại Hà Nội, Học viện Ngân hàng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức hội thảo với chủ đề “Tài chính vi mô hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo tại Việt Nam”.

Tài chính vi mô hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo tại Việt Nam - ảnh 1 Các đại biểu tham dự hội thảo - Ảnh: Lê Phương/BNEWS/TTXVN

Các ý kiến tại hội thảo cho rằng để thúc đẩy hoạt động tài chính vi mô trong thời gian tới, Nhà nước nên sớm ban hành đầy đủ hành lang pháp lý tạo điều kiện cho hoạt động tài chính vi mô phát triển bền vững. Có cơ chế chính sách khơi thông nguồn vốn cho tài chính vi mô là một kênh cung cấp vốn cho phụ nữ nghèo để sản xuất, kinh doanh, có cơ hội thoát nghèo. Tuy nhiên, để các hộ nghèo thoát nghèo, nguồn vốn tài chính chỉ là một yếu tố, mà còn giúp họ có những kiến thức về sản xuất kinh doanh, quản lý tài chính, sử dụng nguồn vốn có hiệu quả… là vấn đề quan trọng.

Ông Phạm Ngọc Long, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổ chức tài chính vi mô, cho rằng: “Chúng ta kết nối để các tổ chức tài chính vi mô có hình thức ứng dụng tài chính số. Do đó phải nghiên cứu đào tạo, thấu hiểu nhu cầu của khách hàng, giáo dục thêm hình thức để cung cấp dịch vụ hướng tới tài chính toàn diện. Giao dịch tài chính số chúng ta có thể dùng Smartphone trong hoạt động về tài chính vi mô, thiết lập các quan hệ về đối tác, tuy nhiên cần vai trò đầu mối, dẫn dắt của cơ quan quản lý nhà  nước”.

Thời gian qua, Nhà nước ban hành nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ phụ nữ nhằm nâng cao vai trò, tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là công tác xóa đói, giảm nghèo. Ngân hàng Nhà nước cũng xây dựng và triển khai các giải pháp hướng dòng vốn tín dụng vi mô giúp đối tượng là phụ nữ, đăc biệt là phụ nữ nghèo, tiếp cận dòng vốn tín dụng với điều kiện vay vốn đơn giản, không cần tài sản thế chấp, cấp và nhận vốn ngay tại nơi người dân sinh sống.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu