Phát triển nông nghiệp và nông thôn Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid - 19

Chia sẻ
(VOV5) - Các tham luận tại hội nghị chia sẻ kết quả nghiên cứu đánh giá tác động của đại dịch Covid - 19 đến phát triển kinh tế và sản xuất của các nông hộ doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.

Sáng 11/12, tại Hà Nội, thông qua Chương trình Hỗ trợ quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với đại diện Chương trình phát triển Liên Hợp quốc và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức “Hội nghị toàn thể chương trình hỗ trợ quốc tế (ISG) năm 2020”.

Phát triển nông nghiệp và nông thôn Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid - 19 - ảnh 1Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị. - Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN 

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung về “Hợp tác phát triển nông nghiệp và nông thôn Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid - 19” cùng thúc đẩy phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam bền vững, góp phần thực hiện tốt nhất mục tiêu “kép” của Chính phủ.

Các tham luận tại hội nghị cùng chia sẻ những kết quả nghiên cứu đánh giá tác động của đại dịch Covid - 19 đến phát triển kinh tế và sản xuất của các nông hộ doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như sự đứt gãy của các chuỗi giá trị cung ứng ngành hàng nông sản; hiểm họa về môi trường và vấn đề an ninh lương thực quốc gia cũng như toàn cầu.

Phát biểu khai mạc phiên toàn thể, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, năm 2020 trong bối cảnh đại dịch Covid - 19, Việt Nam chủ động đặt mục tiêu phấn đấu thực hiện “mục tiêu kép” do Chính phủ đề ra, vừa tập trung nỗ lực triển khai các biện pháp phòng chống đại dịch Covid - 19, vừa đạt mục tiêu phát triển kinh tế. Cho đến nay, Việt Nam đã cơ bản khống chế được dịch Covid - 19.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục tái cơ cấu, tận dụng công nghệ trong Cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời thu hút đầu tư doanh nghiệp cả trong và ngoài nước, các hiệp định thương mại tự do để kết nối tốt hơn trong chuỗi giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản; nâng tầm trong chuỗi cung ứng, tăng hàm lượng giá trị gia tăng và nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

Đánh giá cao sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế và các nhà tài trợ đối với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh mong muốn: “Đây là cơ hội để chúng ta tiếp nhận thêm nguồn lực, công nghệ mới như: nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi số để làm nền tảng phát triển nông nghiệp theo chiều sâu và tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả. Đồng thời nâng cao năng lực nguồn nhân lực trong ngành nông nghiệp để hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các đối tác quốc tế, nhà tài trợ đã có Tuyên bố chung với 18 điểm, sau hội nghị này Bộ sẽ làm việc với từng đối tác để cụ thể hóa thành các dự án, chương trình phát triển nông nghiệp thời gian tới”.

Thay mặt các đối tác quốc tế và các nhà tài trợ, bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện Thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam, đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong ngăn chặn đại dịch Covid - 19 cũng như những kết quả ngành nông nghiệp đạt được đã góp phần quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.

Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyển giao những chương trình giảm rủi ro do thiên tai gây ra cũng như tác động tiêu cực của đại dịch Covid - 19, mở rộng các phương án lựa chọn cho nông dân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu