Phá “vòng xoáy bế tắc” của nền kinh tế, cách nào?

Chia sẻ
(VOV5)- Tại Hội thảo khoa học về Kinh tế Việt Nam 2012-2013, nhiều chuyên gia cho rằng nền kinh tế nước ta đang vướng vòng xoáy bế tắc.

(VOV5)- Tại Hội thảo khoa học về Kinh tế Việt Nam 2012-2013, nhiều chuyên gia cho rằng nền kinh tế nước ta đang vướng vòng xoáy bế tắc.

Sáng 26/1, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (ĐHKTQD) Hà Nội phối hợp cùng Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức hội thảo khoa học “Kinh tế Việt Nam 2012-2013: Tái cơ cấu doanh nghiệp và cân đối kinh tế vĩ mô”. Hội thảo nhằm tổng kết những điểm quan trọng của kinh tế Việt Nam năm 2012, chỉ ra những mặt đạt được, những mặt còn yếu kém để đề xuất các kiến nghị nhằm thực hiện chỉ tiêu phát triển năm 2013, đồng thời tạo đà tăng trưởng bền vững ở những năm tiếp theo thông qua việc thiết lập các cân đối kinh tế vĩ mô.

Vòng xoáy bế tắc...

PGS.TS Phạm Hồng Chương, thay mặt nhóm nghiên cứu của ĐHKTQD cho biết: năm 2012 vừa qua, kinh tế Việt Nam đạt được những điểm sáng ngoài dự kiến (GDP tăng 5,03%; xuất khẩu tăng 18,3%; xuất siêu 284 triệu USD; khu vực FDI xuất khẩu ròng 12 tỷ USD; lạm phát 9,21%; tỷ giá ổn định, giảm 0,6% so với 2011; tỷ lệ bội chi ngân sách trên GDP giảm...).

Phá “vòng xoáy bế tắc” của nền kinh tế, cách nào?  - ảnh 1


Tuy nhiên, chính năm 2012 có những điểm tối không bất ngờ, như: tỷ lệ nợ công, bội chi ngân sách trên GDP tiệm cận mức nguy hiểm; thị trường BĐS đóng băng; nợ xấu tăng nhanh; lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản lớn; hàng tồn kho lớn; kinh tế có nhiều biểu hiện đình trệ; các doanh nghiệp buộc phải tái cấu trúc mạnh mẽ.

Đằng sau những thực trạng trên, theo PGS.TS Phạm Hồng Chương, do chính sách tiền tệ thắt chặt và chính sách tài khóa cắt giảm chi tiêu công; bong bóng bất động sản xì hơi là hệ quả tất yếu của một quá trình lâu dài đầu tư quá lớn vào BĐS. Cho nên, bây giờ phải tìm cách để hạn chế tác động tiêu cực từ sự xì hơi đó. Khó khăn của nền kinh tế còn do chính năng lực cạnh tranh yếu kém của các doanh nghiệp trong nước. Điều này cũng liên quan và là hệ quả của bong bóng bất động sản, tài chính tàn phá nền tảng của nền kinh tế.

Vì vậy, PGS.TS Phạm Hồng Chương đánh giá, những điểm sáng năm 2012 chưa thực sự là xu thế bền vững. Những sức ép buộc phải nới lỏng chính sách tiền tệ, lợi ích nhóm, các thách thức đến từ môi trường quốc tế gây khó khăn cho việc duy trì những kết quả của năm 2012. Hơn nữa, những điểm tối đã xảy ra thì cần thêm thời gian để khắc phục. Bởi vì, thị trường BĐS hồi phục chậm, giải quyết hàng tồn kho cần thời gian lâu dài. Năng lực cạnh tranh cần phải được xây dựng trong nhiều năm.

Đồng thời, còn phụ thuộc nhiều vào nội dung và hiệu lực thi hành của các chính sách của Chính phủ trong thời gian tới. Để tái cấu trúc DN cần môi trường vĩ mô ổn định, minh bạch. Môi trường vĩ mô ổn định phải dựa trên những cân đối kinh tế vĩ mô cơ bản.

Đặc biệt, vòng xoáy bế tắc trong nền kinh tế, theo PGS.TS Phạm Hồng Chương, do: thị trường BĐS thu hút phần lớn các nguồn lực, triệt tiêu động lực kinh doanh của các doanh nghiệp. Bởi vì, gần 100% các doanh nghiệp lớn và vừa, mọi người dân đều tham gia vào kinh doanh bất động sản, xa rời lĩnh vực chính của mình. Cùng với đó, giá BĐS vượt quá xa nhu cầu và giá trị sử dụng thì bong bóng BĐS mới bắt đầu tan vỡ. Thị trường BĐS đã giảm giá và mất dần tính thanh khoản. Hơn thế, khi vướng nợ xấu, các doanh nghiệp, người dân phải bán phá giá BĐS, giá BĐS tiếp tục giảm sâu. Khi đó, kinh tế trở nên trì trệ, vòng xoáy tiếp tục...

Bên cạnh đó, khó khăn của nền kinh tế hiện nay, theo nhóm nghiên cứu của ĐHKTQD, còn do môi trường pháp lý còn nhiều bất cập, tạo cơ hội cho tham nhũng, lợi ích nhóm... gây bất ổn trong xã hội.

Cách nào phá tan vòng xoáy?

Nhấn mạnh vai trò của thể chế đối với “sức khỏe” nền kinh tế, PGS.TS Phạm Hồng Chương cho rằng: “Góp phần tạo ra vòng xoáy trì trệ này là một thể chế yếu kém trong nhiều năm”. Do đó, cải cách thể chế (đổi mới phương thức lãnh đạo; tăng cường giám sát độc lập; tăng vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; minh bạch hóa tài sản và thu nhập cá nhân...) là nhu cầu thiết yếu để bảo đảm nội dung và hiệu lực của chính sách. Phá tan vòng xoáy ách tắc và tạo điều kiện thực hiện các mục tiêu trên cả phạm vi vĩ mô và vi mô.

Khẳng định có mối liên kết hữu cơ giữa tái cơ cấu các doanh nghiệp với các cân đối kinh tế vĩ mô của đất nước, GS.TS Nguyễn Văn Nam, Hiệu trưởng ĐHKTQD nhấn mạnh: Các doanh nghiệp chỉ có thể tái cơ cấu trong một môi trường kinh tế vĩ mô tương đối ổn định và họ có đủ khả năng tiếp cận được với những nguồn lực quan trọng như vốn, nhân lực, công nghệ và thị trường để thực hiện tái cơ cấu. Mặc khác, một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định chỉ có thể xây dựng được trên cơ sở những cân đối vĩ mô của nền kinh tế (như cán cân thanh toán, cân đối thu chi ngân sách, quan hệ tiết kiệm-đầu tư).

Bên cạnh đó, theo nhóm nghiên cứu của ĐHKTQD, để gỡ khó cho nền kinh tế, cần giảm dần phạm vi, quy mô, vai trò của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đưa khu vực ngoài nhà nước dần trở thành động lực chính và giữ vai trò dẫn đầu trong tăng trưởng kinh tế. PGS.TS Phạm Hồng Chương cho rằng, kinh tế nhà nước chỉ trực tiếp sản xuất các sản phẩm thuộc các lĩnh vực đòi hỏi vốn lớn, công nghệ cao. Sau đó chuyển dần cho khu vực tư nhân. Đồng thời, phải nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp, tăng cường tính minh bạch trong quản lý và thông tin.

Hơn nữa, cũng cần kiên quyết sáp nhập các ngân hàng yếu kém, giảm cơ bản số lượng các ngân hàng thương mại hiện nay. Bởi vì hiện nay, nhiều NHTM đã về vốn sở hữu bằng không. Nếu không tái cấu trúc, để các NH này tồn tại, sẽ tăng thêm nợ xấu.

Và, phần lớn nợ xấu của ngân hàng thuộc về cho vay BĐS. Do đó, để khơi thông luồng vốn này, cần thông qua hỗ trợ người dân mua nhà và thành lập công ty mua bán nợ (AMC). Đi liền với đó, cần giám sát chặt chẽ hệ thống ngân hàng và nâng cao năng lực quản trị của hệ thống ngân hàng.

PGS.TS Phạm Hồng Chương còn nhấn mạnh: Phải tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ và tài khóa chặt chẽ một cách hợp lý; hạn chế, tiến tới xóa bỏ cơ chế xin-cho./.

Xuân Thân/VOV online

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu