PCI 2020: Chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tại Việt Nam cải thiện rõ nét

Chia sẻ
(VOV5) - Đây là năm thứ 16 liên tiếp Báo cáo PCI được VCCI và USAID hợp tác xây dựng và công bố.

Sáng 15/4, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2020). Đây là năm thứ 16 liên tiếp Báo cáo PCI được VCCI và USAID hợp tác xây dựng và công bố.

Báo cáo PCI 2020 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ gần 12.300 doanh nghiệp, trong đó có trên 10.700 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và gần 1.600 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại 22 địa phương tại Việt Nam.

PCI 2020: Chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tại Việt Nam cải thiện rõ nét - ảnh 1Lễ công bố Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2020.
Ảnh: VOVPCI 2020

Theo đó, Quảng Ninh tiếp tục là tỉnh giữ vị trí thứ nhất trên bảng xếp hạng PCI 2020. Đây là năm thứ 4 liên tiếp Quảng Ninh đứng ở vị trí quán quân này. Thứ hạng các tỉnh nằm trong top đầu có chút thay đổi so với PCI 2019. Đứng thứ hai vẫn là Đồng Tháp, nhưng năm nay Long An đã vươn lên nắm giữ vị trí số 3 của Vĩnh Long. Bình Dương, Đà Nẵng lần lượt đứng thứ 4 và thứ 5. Vĩnh Long tụt xuống vị trí thứ 6, còn Hải Phòng đã lọt vào top 10 ở vị trí thứ 7. Bến Tre, Hà Nội, Bắc Ninh giữ các vị trí còn lại của top 10.

Phát biểu tại lễ công bố, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, nhấn mạnh: "Hiếm có một công trình nghiên cứu nào thúc đẩy công cuộc cải cách ở Việt Nam như PCI và từ năm 2014, PCI đã đi vào nghị quyết của chính phủ, trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các địa phương. Và căn cứ vào bảng xếp hạng PCI này, các địa phương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hướng tới sự hài lòng hơn của người dân và doanh nghiệp đối với môi trường, thể chế."

Theo VCCI, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tại Việt Nam cải thiện theo thời gian thông qua báo cáo PCI 2020. Khoảng cách điểm số giữa tỉnh có kết quả PCI cao nhất và tỉnh có kết quả thấp nhất tiếp tục xu hướng thu hẹp. Đáng chú ý, năm 2020 là năm đầu tiên VCCI có một chương riêng đánh giá riêng dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nguyên Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius tại lễ công bố nêu rõ:

"PCI đã liên tục thúc đẩy tiếng nói của khu vực tư nhân, đồng thời giúp các chính quyền địa phương đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh. Những năm qua, chúng ta thấy rằng những địa phương đi đầu trong cải cách môi trường kinh doanh đều có chung một số đặc điểm quan trọng, dù khác biệt về địa lý và điều kiện kinh tế. Thứ nhất, lãnh đạo các địa phương này coi năng lực cạnh tranh là ưu tiên về chính sách và tập trung nguồn lực để đảm bảo. Thứ hai, các địa phương có những cách làm sáng tạo để triển khai các kế hoạch, tích cực làm việc với cộng đồng doanh nghiệp."

Báo cáo PCI lần này không chỉ có bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh các địa phương năm 2020, mà còn phân tích về chuyển động của môi trường kinh doanh năm 2020 và giai đoạn 2016-2020 vừa qua. Đặc biệt, Báo cáo PCI 2020 còn định vị sức hấp dẫn của Việt Nam trong con mắt của các nhà đầu tư và phản ánh kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp đối với nỗ lực cải cách của chính quyền các cấp trong 5 năm tới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu