Hiệp định CPTPP – Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt

Vĩnh Phong
Chia sẻ
(VOV5) -Sáng ngày 28/11, tại Hà Nội, diễn ra Hội thảo “Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) – Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam”.

Hội thảo do Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh phối hợp với Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam tổ chức nhằm làm rõ một số nội dung cam kết cơ bản và ý nghĩa của CPTPP đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Ngày 12/11/2018, Quốc hội Việt Nam thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan. Việt Nam là quốc gia thứ 7 phê chuẩn CPTPP - một trong những hiệp định thương mại tự do chất lượng cao, toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước đến nay.

Hiệp định CPTPP – Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt - ảnh 1Hội thảo CPTPP – Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam diễn ra tại Hà Nội 

Ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Hội đồng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng: Để tận dụng những lợi thế của Hiệp định CPTPP, các doanh nghiệp phải chủ động thay đổi tư duy quản lý và kinh doanh: "Phân tích của các chuyên gia nước ngoài vẫn cho rằng Việt Nam là một trong những nước có nhiều cơ hội nhất trong 11 nước thành viên. Tuy nhiên đi liền với cơ hội thì thách thức cũng rất lớn. Những thách thức nằm trong thể chế, chính sách; trình độ còn chênh lệch. Lần này, chúng ta phải có bước tiến. Nhưng không chỉ mình Chính phủ mà là do doanh nghiệp, doanh nghiệp không làm thì không có thành công. Vai trò của doanh nghiệp trong hội nhập, phát triển kinh tế là rất lớn, quan trọng. Doanh nghiệp nhận dạng được cơ hội để tận dụng; thách thức là gì để vượt qua thách thức từ thay đổi tư duy, hành động. Hiệp định sắp có hiệu lực, đòi hỏi chúng ta phải hành động."

Giáo sư Đinh Ngọc Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính Việt Nam, cho rằng: Doanh nghiệp Việt Nam cần phải đẩy mạnh đầu tư khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất lao động, vượt qua thách thức cạnh tranh:"Với CPTPP, chúng ta có rất nhiều cơ hội, đặc biệt có nhiều quốc gia có thuế xuất bằng không và giảm thiểu các rào cản thuế quan, phi thuế quan. Chính vì vậy việc doanh nghiệp tìm kiếm nguyên vật liệu, khoa học công nghệ máy móc, thiết bị mới để tự đổi mới năng lực sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp là việc dễ dàng hơn rất nhiều."

Các đại biểu cũng cho rằng CTCPP tiếp tục tạo động lực cho Việt Nam thúc quá trình hội nhập mở cửa thị trường, phát triển đầu tư, mở rộng quan hệ tự do thương mại với nhiều nước hơn trong khu vực và trên thế giới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu