Hai kịch bản cho kinh tế Việt Nam trong bối cảnh mới

Lê Phương
Chia sẻ
(VOV5) -Xu hướng số hóa nền kinh tế và các hoạt động xã hội, là nền tảng cho phép Cuộc CMCN 4.0 bùng nổ, đang diễn tiến sâu sắc ở nhiều nước phát triển

Ngày 29/05, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) Việt Nam phối hợp tổ chức công bố Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2019 với chủ đề “Trước thềm ngưỡng cửa kinh tế số”.

Hai kịch bản cho kinh tế Việt Nam trong bối cảnh mới - ảnh 1Lễ công bố diễn ra tại Hà Nội

Theo báo cáo, dự báo có 2 kịch bản xảy ra với kinh tế Việt Nam năm 2019: kịch bản thứ nhất, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ ở mức 6,56% và lạm phát là 4,21%; kịch bản thứ 2, mức tăng trưởng kinh tế khoảng 6,81% và lạm phát ở mức 4,79%. Trong đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng kịch bản thứ 2 là kịch bản có nhiều khả năng xảy ra, nhờ dư địa động lực tăng trưởng của năm 2018, đi liền với những nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh và nâng cao năng suất của Chính phủ, thể hiện với mức tăng trưởng tương đối cao của các ngành chính gồm công nghiệp và dịch vụ. Bên cạnh đó, khối doanh nghiệp trong nước đang nỗ lực chuyển mình trên lĩnh vực thương mại quốc tế.

Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2019 cũng đi sâu vào nhận định tương lai cho nền kinh tế số Việt Nam. Theo đó, sẽ có 4 kịch bản cho tương lai của nền kinh tế số Việt Nam vào năm 2045. Đó là: kịch bản chuyển đổi số, giúp tăng thêm 1,1% trong tăng trưởng kinh tế hàng năm; kịch bản xuất khẩu số, góp phần tăng 0,45% tăng trưởng hàng năm; kịch bản tiêu dùng số, tăng 0,43%; và kịch bản truyền thống, tăng 0,38%.

Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), phân tích: “Với 4 kịch bản nhóm nghiên cứu đã đưa ra, chúng tôi cho rằng Việt Nam sẽ thoát ly khỏi kịch bản truyền thống. Với điều kiện của Việt Nam, chúng tôi cho rằng Việt Nam sẽ đi một cách từ từ, từ việc xuất khẩu số, tiêu dùng số. Hai quá trình này thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, dẫn tới quá trình Việt Nam hội nhập sâu hơn vào xã hội số trong tương lai.”    

Cũng theo nhận định của ông Nguyễn Đức Thành, xu hướng số hóa nền kinh tế và các hoạt động xã hội, là nền tảng cho phép Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư bùng nổ, đang diễn tiến sâu sắc ở nhiều nước phát triển và diễn ra với tốc độ nhanh ở các nước đang phát triển. Điều này đặt ra những thách thức mới trước khả năng phá vỡ cấu trúc ngành và thị trường, cùng sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị toàn cầu và Việt Nam không thể nằm ngoài xu thế đó.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu