Chống chuyển giá doanh nghiệp FDI

Tô Tuấn
Chia sẻ
(VOV5) - Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, cần thiết lập sự cân bằng giữa các chính sách ưu đãi dựa trên lợi nhuận bằng các chính sách ưu đãi hiệu quả. 

Với chính sách thông thoáng và cởi mở, thời gian qua doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhận được nhiều ưu đãi và có đóng góp đáng kể cho nền kinh tế. Tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn có doanh nghiệp FDI lợi dụng chính sách ưu đãi để thực hiện các hoạt động chuyển giá, tạo nên tình trạng lỗ giả, lãi thật, gây thất thu ngân sách, tác động không tốt đến môi trường đầu tư. Để chống việc chuyển giá, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm minh bạch hóa môi trường đầu tư, đảm bảo chống thất thu thuế một cách hiệu quả.

Chống chuyển giá doanh nghiệp FDI - ảnh 1

Doanh nghiệp FDI đóng góp nhiều cho nền kinh tế - Ảnh minh họa: vietnamnet.vn

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Theo Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, tỷ lệ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lỗ lũy kế đến hết năm 2016 là 61% cao hơn các năm từ 2012 - 2015. Từ năm 2012 đến năm 2016 số lượng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài báo lỗ hàng năm là từ 44% đến 51%. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp báo lỗ và doanh nghiệp lỗ lũy kế luôn có tốc độ tăng quy mô đầu tư. Điều này cho thấy tình trạng chuyển giá của khu vực FDI ngày càng phức tạp. Một số doanh nghiệp FDI đã bị điểm tên chỉ mặt như: Metro Cash & Carry Việt Nam (Metro Việt Nam) bị vạch trần hành vi chuyển giá sai 12 năm hoạt động tại nước ta, truy thu hơn 507 tỷ. Hay gần đây nhất là Grab liên tục báo lỗ có vốn pháp định 20 tỷ nhưng báo lỗ luỹ kế hơn 938 tỷ…Con số này cho thấy, tình trạng chuyển giá của doanh nghiệp FDI ngày càng gia tăng phức tạp. Bên cạnh đó, còn xuất hiện hiện tượng chuyển giá, chuyển lợi nhuận ngược (từ nước ngoài vào Việt Nam) của một bộ phận doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong nước được hưởng ưu đãi lớn về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và thời gian miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tư vấn thuế Deloitte Việt Nam cho rằng, Việt Nam là một trong số những quốc gia nằm trong khu vực có thuế suất thu nhập doanh nghiệp thấp, việc chênh lệch thuế so với các nước khác tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có xu hướng chuyển lợi nhuận để tối đa hóa lợi nhuận.

Theo ông Tuấn: "Hiện tại thuế suất 20% thuế thu nhập doanh nghiệp cho tất cả các thành phần doanh nghiệp là yếu tố hấp dẫn ở trong Khu vực, nó ở mức cận dưới, thấp hơn nữa là Sigapore có mức thuế suất thấp hơn. Với mức thuế suất đó cộng với cả các chính sách ưu đãi thu nhập doanh nghiệp, ngành nghề, kinh doanh, địa bàn đầu tư tương đối hấp dẫn".

Chống chuyển giá doanh nghiệp FDI - ảnh 2

Metro Cash & Carry khi còn ở Việt Nam đã bị phanh phui việc một loạt hành vi trốn thuế, chuyển giá tổng cộng 507 tỉ đồng - Ảnh: Tấn Thạnh/cafef.vn

Phân tích chi tiết tình hình hoạt động của doanh nghiệp FDI cho thấy, những đóng góp của khối doanh nghiệp FDI vào ngân sách nhà nước hiện nay vẫn còn thấp, chưa tương xứng với nguồn tài nguyên sử dụng. Nhiều doanh nghiệp FDI lợi dụng chính sách ưu đãi đầu tư cao như tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân... để thực hiện chuyển giá, chuyển lợi nhuận. Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, các hình thức chuyển giá lãi và chuyển giá lỗ, chuyển giá qua tài sản hữu hình và vô hình, chuyển giá cho bên nước ngoài bằng cách tính thuế thấp hoặc không tính thuế, thông qua các khoản vay… là những cách thức mà các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thường thực hiện nhằm trốn thuế tại Việt Nam. Để nâng cao hiệu quả trong công tác chống chuyển giá đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, các cơ quan thuế tiếp tục nghiên cứu đề xuất giải pháp để hoàn thiện hành lang pháp lý, quản lý các nguồn thu từ các doanh nghiệp FDI.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh cho biết: "Chúng tôi sẽ chủ động nghiên cứu các giải pháp để xây dựng và hoàn thiện cơ sở giữ liệu của người nộp thuế. Theo đó sẽ đẩy mạnh tiến trình cơ sở dữ liệu thương mại và dữ liệu ngành thuế để đáp ứng công tác chống chuyển giá. Đồng thời tăng cường trao đổi thông tin giữa các bộ ngành, chủ động hợp tác quốc tế, đặc biệt trong trao đổi thông tin phục vụ giá chuyển nhượng".

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, cần thiết lập sự cân bằng giữa các chính sách ưu đãi dựa trên lợi nhuận bằng các chính sách ưu đãi hiệu quả. Đồng thời, cân nhắc cải thiện danh mục các ngành được hưởng ưu đãi nhằm xác định hiệu quả hơn những nhà đầu tư có phản hồi tốt nhất với các chính sách ưu đãi. Các quy định về ưu đãi thuế hiện hành cần tăng tính minh bạch, đồng bộ tránh chồng chéo. Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tập trung phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, tạo ra những lợi thế riêng trong thu hút đầu tư với sự hỗ trợ của một hệ thống giám sát và đánh giá hiệu quả.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu