Các nước cần tận dụng cả cơ hội và thách thức để khôi phục kinh tế và các cơ chế thương mại đa phương

Chia sẻ
(VOV5) - Được khởi động từ tháng 11/2012 tại Phnom Penh (Campuchia), RCEP gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN và 6 đối tác lớn mà ASEAN đã ký kết hiệp định thương mại tự do.

Tiếp tục các hội nghị trù bị nhằm chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36, sáng 23/6, Hội nghị Bộ trưởng Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa kỳ lần thứ 10 diễn ra theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của Việt Nam. 

Chủ trì và phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết cho đến thời điểm này, cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 trên toàn cầu vẫn đang tiếp diễn. Tuy nhiên trong mỗi thách thức đều tồn tại những cơ hội và điều quan trọng là các quốc gia RCEP cần phải tận dụng tốt những cơ hội đó để đẩy mạnh mục tiêu khôi phục kinh tế cũng như lấy lại vị thế trung tâm đối với nền kinh tế toàn cầu.

Các nước cần tận dụng cả cơ hội và thách thức để khôi phục kinh tế và các cơ chế thương mại đa phương - ảnh 1Hội nghị Bộ trưởng RCEP giữa kỳ lần thứ 10 diễn ra theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh. (Ảnh: Bộ Công Thương) 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định: "Hiện giờ là thời điểm quan trọng để các quốc gia RCEP thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư. Việc ký kết thoả thuận RCEP sẽ gửi một tín hiệu tích cực tới thế giới về tinh thần quyết tâm vượt qua mọi khó khăn về dịch bệnh và kinh tế của các quốc gia trong khu vực. Bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, các quốc gia RCEP vẫn tiến hành nhiều cuộc họp trực tuyến nhằm duy trì động lực cho các cuộc đàm phán cũng như khuyến khích sự tham gia tích cực hơn nữa của Ấn Độ với tiến trình này."

Được khởi động từ tháng 11/2012 tại Phnom Penh (Campuchia), RCEP gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN và 6 đối tác lớn mà ASEAN đã ký kết hiệp định thương mại tự do gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ và New Zealand. Khi Hiệp định RCEP được ký kết sẽ tạo ra một thị trường với quy mô khoảng 3,5 tỷ người tiêu dùng và GDP xấp xỉ 49.000 tỷ USD, chiếm khoảng 39% GDP toàn cầu.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu